Sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số miền núi: Bảo tồn giá trị văn hóa

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 06/03/2020 14:49

Nhận diện đặc điểm cấu trúc, sự chuyển biến; đánh giá thực trạng và đề xuất mô hình quy hoạch, khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng đối với điểm sắp xếp dân cư tập trung mới ở các địa phương miền núi là mục tiêu được đề cập tại buổi đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài khoa học “Cấu trúc làng và sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới” địa bàn tỉnh, do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì vào chiều qua 5.3.

Việc sắp xếp, bố trí dân cư ở miền núi cần phù hợp với đặc trưng văn hóa, gìn giữ bản sắc của đồng bào miền núi. Ảnh: N.C
Việc sắp xếp, bố trí dân cư ở miền núi cần phù hợp với đặc trưng văn hóa, gìn giữ bản sắc của đồng bào miền núi. Ảnh: N.C

Cơ sở từ thực tiễn

Đề tài khoa học “Cấu trúc làng và sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số trong xây dựng nông thôn mới” là đề tài khoa học cấp tỉnh do Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) chủ trì, thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019.

Theo TS. Tạ Thị Hoàng Vân - chủ nhiệm đề tài, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam bảo lưu nhiều tài sản văn hóa vật thể, phi vật thể cùng nhiều tri thức bản địa, là kho tàng di sản giá trị. Tuy nhiên, việc đầu tư vẫn chưa đúng tầm, chưa có những chương trình dài hơi, hoạch định những giải pháp, chính sách, cơ chế cho việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa dân tộc. Kết cấu nông thôn ở các địa bàn này phát triển chậm, chưa đồng đều, nhất là các xã miền núi đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến nguy cơ mất bản sắc văn hóa.

“Đề tài nghiên cứu khoa học này là sự tiếp nối và kế thừa nhiều đề tài nghiên cứu trước, sẽ đóng góp thiết thực cho việc đề xuất mô hình quy hoạch làng truyền thống miền núi, đáp ứng thực tiễn tái định cư, sắp xếp dân cư, hạn chế thói quen du canh du cư của đồng bào bản địa” -  TS.Hoàng Vân chia sẻ.

Tập trung vào hai đối tượng chính là làng quy hoạch, cải tạo chỉnh trang và làng quy hoạch xây dựng mới trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Quảng Nam, đề tài đi sâu vào nghiên cứu, phân tích, đánh giá hai vấn đề trọng tâm là gìn giữ cấu trúc hình thái đặc trưng của các làng miền núi (nơi có địa hình đặc trưng) và vấn đề sắp xếp dân cư các tộc người. Trong đó, nghiên cứu làng của 4 dân tộc bản địa gồm Co, Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, với địa bàn cư trú chính ở 9 huyện miền núi Quảng Nam.

“Tiếp cận từ nhiều ngành như lịch sử, văn hóa, kiến trúc quy hoạch… áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đặt ra ở trên, nhóm nghiên cứu tập trung vào 3 nhóm giải pháp. Đó là đề xuất về quy hoạch tổ chức không gian, đề xuất về kiến trúc và đề xuất về cơ chế chính sách, quản lý và khai thác phát huy các giá trị truyền thống. Đề tài mang hướng tiếp cận liên ngành với mong muốn sẽ giải quyết được phần nào những bất cập, hạn chế trong việc triển khai công tác quản lý quy hoạch, công tác phát huy giá trị truyền thống là những vấn đề trọng tâm trong quy hoạch nông thôn mới. Đồng thời nghiên cứu này cũng tiệm cận đến vấn đề xã hội, chính trị trong định cư tộc người” - TS. Hoàng Vân cho biết thêm.

Cấp thiết

Ông Trần Bá Tú - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đề tài nghiên cứu này là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện tại. Nhóm nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng vấn đề văn hóa, môi trường cân bằng với kinh tế, xã hội, giúp các địa phương lựa chọn cách thức triển khai. Đồng thời nhìn nhận đầy đủ hạn chế trong phát triển để phòng tránh, ngăn ngừa những xung đột nảy sinh trong quá trình xây dựng cấu trúc làng và sắp xếp bố trí dân cư miền núi. Ông Tú đề nghị cần tăng cường nội dung chuyển giao ứng dụng đề tài, xem xét khả năng thực hiện, tính khả thi, phương án nhân lực, phương án phối hợp và kinh phí trong quá trình chuyển giao ứng dụng đề tài.

Đánh giá cao nội dung, kết quả của đề tài, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, thời gian qua, Quảng Nam rất quan tâm đến vấn đề sắp xếp, bố trí dân cư, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Nhiều chính sách được triển khai nhằm hướng đến việc người dân sống văn minh, ổn định, thích nghi với thiên tai, biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống cho đồng bào.

“Mọi chính sách, nếu không cẩn trọng trong hoạch định và triển khai thực hiện, có thể dẫn đến việc đánh mất giá trị bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể. Sẽ là rất đáng tiếc nếu điều này xảy ra, chưa kể sẽ rất khó khôi phục trở lại. Do đó, cần nhìn nhận nghiêm túc, tổng thể mọi vấn đề trong mối quan hệ chung với cộng đồng. Kết quả nghiên cứu này có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn, tăng thêm cơ sở giúp cho các địa phương lựa chọn cách thức sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo vừa nâng cao đời sống người dân, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa miền núi” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số miền núi: Bảo tồn giá trị văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO