Sinh kế thoát nghèo bền vững - Bài 2: Từ mô hình đến thực tiễn

DIỄM LỆ 21/01/2021 06:14

Hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn khi thực hiện ở các địa phương. Có mô hình mang lại hiệu quả giảm nghèo thiết thực, nhưng cũng không ít mô hình “phá sản” bởi không phù hợp thực tế.

Khi lao động được giải quyết việc làm ổn định thì hiệu quả thoát nghèo sẽ bền vững hơn.
Khi lao động được giải quyết việc làm ổn định thì hiệu quả thoát nghèo sẽ bền vững hơn.

Nơi phù hợp, nơi chưa

Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, hỗ trợ người nghèo xây dựng mô hình sinh kế có nơi phát huy hiệu quả, nhưng có nơi còn chưa sát thực tiễn, chưa phù hợp với tập quán sản xuất của người dân. Chẳng hạn việc hỗ trợ heo, bò giống cho người nghèo ở miền núi không phải là giống heo, bò bản địa nên vật nuôi không thể sống được ở vùng khí hậu lạnh, chăn nuôi kiểu thả rông, dẫn đến mô hình bị phá sản. Ngoài nguyên do chọn con giống không đúng ngay từ đầu, thì việc theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện mô hình của cơ quan chức năng thuộc huyện chưa được chặt chẽ, không hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi mới, cách làm chuồng trại phù hợp... 

Ông Hưng cho biết: “Việc thành lập nhóm hộ, tổ hợp tác… để cùng giúp nhau hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do chưa được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện. Mặt khác, đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo nên không đảm bảo được nguồn vốn đối ứng khi tham gia thực hiện mô hình. Một số địa phương triển khai đầu tư mô hình chưa đúng trọng tâm, còn manh mún và dàn trải, chưa tập trung vào các loại cây, con chủ lực theo định hướng quy hoạch phát triển. Vì thế không ít mô hình triển khai bị bể ngay từ đầu”.

Tại xã Trà Giác (Bắc Trà My), ông Hồ Ngọc Ân - Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương còn nhiều khó khăn, nên việc thoát nghèo của người dân cũng gặp khó. Ở cấp xã, Trà Giác hiện là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 4 toàn tỉnh, với 421 hộ nghèo (tỷ lệ 54,96%). Những năm qua địa phương hỗ trợ cây trồng, con vật nuôi cho hộ nghèo như bò, heo, dê, trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả không cao. Bởi lẽ, đầu ra sản phẩm bấp bênh đối với cây ăn quả, còn bò, heo thì bị dịch bệnh do thời tiết khắc nghiệt. Nhiều mô hình chưa tác động rõ ràng, thậm chí không hiệu quả vì thiếu phù hợp.

Ở Trà Giác gần đây lao động đi học nghề và đi làm ở các công ty, có nguồn thu nhập ổn định thì giúp được gia đình, nên có hiệu quả hơn. Về lâu dài, xã xác định phải giảm nghèo bằng mô hình sinh kế nhưng phù hợp, khảo sát lại toàn bộ mô hình, cây con giống để đánh giá hiệu quả. Trước mắt, theo định hướng của huyện, xã sẽ phân vùng cho người dân trồng cây dược liệu để cung cấp cho một công ty đến đóng chân trên địa bàn. Khi đó, lao động được tạo việc làm, dược liệu sản xuất có đầu ra ổn định thì hy vọng việc thoát nghèo của xã sẽ tốt hơn.

Mô hình nuôi bò, heo có thể phù hợp ở nơi này nhưng không phù hợp ở nơi khác. Ảnh: D.L
Mô hình nuôi bò, heo có thể phù hợp ở nơi này nhưng không phù hợp ở nơi khác. Ảnh: D.L

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, các dự án tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều được thực hiện theo nhu cầu của người dân, phù hợp điều kiện các địa phương nên phát huy hiệu quả. Cây dược liệu được đánh giá là phù hợp đối với các huyện Nam Trà My (đẳng sâm, sa nhân), Tây Giang (ba kích, đẳng sâm), Phước Sơn (sa nhân, ba kích). Với mô hình chăn nuôi, các hộ được hỗ trợ có sự đổi mới về hình thức.

Theo Sở NN&PTNT, tất cả hộ tham gia đều được tập huấn kỹ thuật, được cán bộ kỹ thuật cấp xã theo dõi, giám sát mô hình trong suốt thời gian dự án hỗ trợ sinh kế. Hiệu quả kinh tế từ các mô hình sinh kế đã góp phần tạo nguồn thu nhập chính cho các hộ dân hưởng lợi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi của tỉnh từ 1,39 - 3%/năm.

Đẩy nhanh quy trình

Hiệu quả hơn khi liên kết thực hiện

Ở xã Phước Kim (Phước Sơn), hộ nghèo được hỗ trợ nuôi bò sinh sản đã liên kết lại để cùng thực hiện mô hình theo hướng tập trung, có rào chắn khu vực nuôi, xây dựng chuồng trại, phân công lao động. Thay vì nuôi thả rông kiểu truyền thống, hộ dân được hướng dẫn, chuyển sang hình thức kết hợp giữa chăn thả tự do và trồng cỏ để bổ sung thức ăn, có chuồng trại nuôi nhốt về đêm. Cách làm này đã đem lại hiệu quả cho mô hình.

Lâu nay quy trình thực hiện hỗ trợ một dự án sinh kế cho người dân phải trải qua nhiều bước, nhiều khâu từ cộng đồng dân cư đến Thường trực HĐND tỉnh đồng ý thực hiện nên các dự án đều được triển khai rất trễ. Muốn xây dựng một mô hình, cấp thôn phải lấy ý kiến của người dân, cộng đồng dân cư về nhu cầu hỗ trợ. Nhưng ở miền núi thì hộ dân phân tán, địa hình khó đi lại, nhu cầu hỗ trợ theo đề nghị của hộ dân rất đa dạng, phức tạp, thường hay thay đổi ý kiến đề nghị hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi. Hơn nữa, hộ nghèo được hỗ trợ phải đảm bảo không trùng lắp, nên tốn thêm khâu rà soát từ nhiều nguồn hỗ trợ.

Ở cơ sở, việc rà soát hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được ngân sách hỗ trợ đầu tư những năm qua (đã hỗ trợ bao nhiêu, vượt mức quy định chưa...) cũng tốn nhiều thời gian để tổng hợp, chốt số lượng, nhu cầu hỗ trợ đầu tư để xây dựng dự án theo đúng quy trình và mẫu dự án quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định, đối với hàng hóa (giống cây trồng, con vật nuôi) chủ đầu tư phải thực hiện quy trình đấu thầu, tổ chức mua và cấp cho đối tượng cũng mất một khoảng thời gian nhất định. Trong thực tế còn có chuyện đơn vị trúng thầu rồi nhưng ở tỉnh khác, không cung ứng giống cây trồng con vật nuôi đúng tiến độ, đúng nhu cầu cũng như loại giống bản địa, khiến người dân không hài lòng. Năng lực tổ chức thực hiện của một số cán bộ liên quan ở các xã nghèo, huyện nghèo còn hạn chế, dẫn đến chậm triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo.

“Như năm 2019, nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh cấp chậm, thực hiện vào 6 tháng cuối năm 2019 nên các địa phương đều lúng túng trong triển khai 54 dự án được đồng ý cho thực hiện. Đến cuối năm, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản thống nhất đối với 18 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do UBND tỉnh đề nghị. Việc thực hiện quy định khá rườm rà, chặt chẽ nên ảnh hưởng lớn đến hỗ trợ sinh kế để hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững” - bà Ngọc nói.

Những vướng mắc về quy trình đã được kiến nghị, HĐND tỉnh đã tháo gỡ qua Nghị quyết số 33 ngày 17.12.2019. Theo đó, từ năm 2020 trở đi, giao UBND cấp huyện phê duyệt dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo sau khi có ý kiến thống nhất của thường trực HĐND cùng cấp. Cách làm này đã giảm đáng kể các bước thực hiện dự án này ở các địa phương. Tuy nhiên, năm 2020 thiên tai, dịch bệnh hoành hành, nên việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phấn đấu của từng hộ nghèo cũng như của tỉnh trong giảm nghèo bền vững. Nhưng nhờ sự nỗ lực của từng hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững đã đưa mục tiêu giảm hộ nghèo năm 2020 vượt chỉ tiêu đề ra, với 3.282 hộ thoát nghèo bền vững.

--------------------------------------------

Bài cuối: Tính kế lâu dài

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế thoát nghèo bền vững - Bài 2: Từ mô hình đến thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO