Sinh kế thoát nghèo bền vững - Bài cuối: Tính kế lâu dài

DIỄM LỆ 22/01/2021 06:49

Trong khi tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh hiện còn 5,23% thì tỷ lệ bình quân ở 9 huyện miền núi là 18,09%. Vì vậy, thời gian tới cần định hướng sinh kế phù hợp hơn để hỗ trợ người dân khu vực miền núi, nhất là những mô hình gắn liền với tiềm năng phát triển ở địa phương.

Giao cho hộ dân bảo vệ rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng là cách làm phù hợp để thoát nghèo bền vững ở miền núi.
Giao cho hộ dân bảo vệ rừng và phát triển sinh kế dưới tán rừng là cách làm phù hợp để thoát nghèo bền vững ở miền núi.

Sinh kế gắn với rừng

Các địa phương phải có tầm nhìn quy hoạch

Theo Sở LĐ-TB&XH, các địa phương phải có tầm nhìn quy hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu đối với sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm có tính hàng hóa. Ngoài sự cố gắng của các địa phương, về lâu dài không chỉ tỉnh, mà ngay cả Trung ương cũng cần có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng miền núi để làm đầu tàu tham gia liên kết cùng hợp tác xã, hộ gia đình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản, nhất là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Khi sinh kế ổn định dài lâu thì hiệu quả thoát nghèo mới bền vững.

Sinh kế cho hộ nghèo khu vực miền núi cần gắn với rừng để bảo vệ rừng và thu lại nguồn lợi từ rừng. Nhìn nhận này xuất phát từ cách làm của huyện Nam Trà My trong những năm qua và đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong hỗ trợ hộ nghèo. Ngoài phân công cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo, định hướng hỗ trợ sinh kế phù hợp là động lực quan trọng giúp dân thoát nghèo. Nam Trà My là vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với các loại cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, giảo cổ lam, sơn tra Ngọc Linh, sâm nam, sa nhân tím, lan kim tuyến...

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, giai đoạn 2016 - 2020 huyện thực hiện khá hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 64,4% vào năm 2016 xuống còn 31,06% vào cuối năm 2020, tương ứng 2.377 hộ thoát nghèo. Trong rất nhiều giải pháp, hỗ trợ sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ rừng là giải pháp hữu hiệu nhất.

Các cơ quan, đơn vị được UBND huyện phân công giúp đỡ hộ nghèo tiến hành khảo sát, nắm thông tin về nguyện vọng, nhu cầu và đặc điểm điều kiện kinh tế của từng gia đình cụ thể để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng kế hoạch phù hợp; hướng dẫn hộ nghèo thực hiện hồ sơ vay vốn ngân hàng và triển khai lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để có hiệu quả cao hơn. Từ đó đã có 8.067 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; 136 hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được hỗ trợ sau đầu tư về giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch phát triển của huyện.

Từ Nam Trà My, sinh kế cho người dân gắn với bảo tồn rừng và phát huy giá trị các loại cây trồng dưới tán rừng, nhất là các loại dược liệu có giá trị cao cũng được các huyện miền núi cánh tây bắc Quảng Nam áp dụng và mang lại hiệu quả đáng kể.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Thiên tai cùng với dịch bệnh năm 2020 đã xóa đi rất nhiều nỗ lực giảm nghèo của chính quyền, nhân dân Tây Giang trong cả giai đoạn qua. Huyện còn đến 1.809 hộ nghèo (tỷ lệ 34,55%), cao nhất tỉnh. Nhưng dù gì cũng phải cố gắng để đời sống người dân không rơi vào khốn khó, nhất là với hộ nghèo phải giúp họ về lâu dài. Huyện phải lồng ghép các nguồn lực để giải quyết bài toán tái định cư, không để người dân sống phân tán, xâm hại rừng”.

Cần xây dựng chuỗi giá trị

Xây dựng nông thôn mới đang dần vươn tới những bản làng miền núi; trong đó hỗ trợ hình thành, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác dành cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo là một nội dung ưu tiên. Việc này có thể khó, nhưng đồng hành, khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để hướng dẫn cho người nghèo, hộ nghèo học tập, làm theo là điều có thể làm được.

Hỗ trợ sinh kế gắn với văn hóa, truyền thống ở mỗi địa phương đang được phát huy. Ảnh: D.L
Hỗ trợ sinh kế gắn với văn hóa, truyền thống ở mỗi địa phương đang được phát huy. Ảnh: D.L

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hợp tác xã, tổ hợp tác có thể tham gia liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5.7.2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ở vùng miền núi của tỉnh, câu chuyện phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, con người ở địa phương có thể thực hiện bằng sự liên kết giữa người dân - chính quyền địa phương - doanh nghiệp. Từ đó nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả thành chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm cho thị trường, phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng.

Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, thời gian tới địa phương sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư, xem đây là giải pháp căn cơ. Khi thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp đến có thể phát triển thành chuỗi giá trị. Tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ là cầu nối giúp người dân đưa sản phẩm ra thị trường nhờ sự hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Lúc đó, hộ nghèo trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết và bài toán giảm nghèo sẽ được giải quyết, với điều kiện đủ là mô hình sinh kế phải thực sự hiệu quả, cho sản phẩm có giá trị cao.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, trong 10 năm qua, Quảng Nam có rất nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo khu vực miền núi như đào tạo nghề miễn phí, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, vốn vay, đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp kết nối thị trường... Các giải pháp tác động tích cực đến kết quả giảm nghèo, nhưng hộ mới thoát nghèo ở miền núi lại dễ bị tổn thương.

Như năm 2020, thiên tai, dịch bệnh đã khiến hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới tăng cao. Trong khi ở khu vực thành thị có 29 hộ tái nghèo và nghèo phát sinh, thì khu vực nông thôn và miền núi có đến 605 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Vì thế, hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng để tạo thu nhập ổn định cho người dân miền núi là hướng đi dài lâu, với các phương án hỗ trợ sinh kế đã được thực hiện và có thể nhân rộng như hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung; trồng rừng sản xuất; phát triển lâm sản ngoài gỗ như mây, tre nứa, cây dược liệu để sản xuất các sản phẩm mây, tre đan, chế biến dược liệu..., tạo ra các chuỗi giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế thoát nghèo bền vững - Bài cuối: Tính kế lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO