Sơ tán dân vùng thiên tai

HỮU PHÚC 26/10/2020 06:18

Đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất đá ở khu vực miền núi và chính quyền các địa phương đã triển khai sơ tán dân. Tuy nhiên, về lâu dài các địa phương cần định vị được bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá để phòng tránh thiên tai hiệu quả.

Chuyển người dân trong vùng bị thiên tai đến ngôi làng mới sinh sống ở xã Phước Hiệp (Phước Sơn). Ảnh: H.P
Chuyển người dân trong vùng bị thiên tai đến ngôi làng mới sinh sống ở xã Phước Hiệp (Phước Sơn). Ảnh: H.P

Nỗi lo đất đá vùi lấp

Nhiều đoạn trên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện Tây Giang bị sạt lở đang khắc phục dở dang, xe cơ giới lưu thông lên được trung tâm huyện nhưng rất khó khăn. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, ngoài những vị trí sạt lở cũ trên đường Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới trên tuyến ĐT606.

Trong khi đó, tuyến đường từ An Điềm (xã Đại Hưng, Đại Lộc) đi lên xã Kà Dăng, hay khu du lịch Cổng Trời, xã Mà Cooih (Đông Giang) bị sạt lở nặng, nhiều khu vực còn bị ngập nước khiến giao thông gần như tê liệt. Nhiều đoạn trên quốc lộ 14B, 40B bị ách tắc, phương tiện đi lại khó khăn. Riêng tuyến quốc lộ 40B tắc đường ít nhất 5 vị trí do sạt lở đất đá.

Tại vị trí km52+800, km68+700, đất đá sạt lở vùi lấp mặt đường đang được đơn vị chức năng khắc phục. Đối với đoạn km68+550 và km68+711 trên quốc lộ 40B, tình trạng lở đồi núi ở thượng lưu mang theo đất đá thường xuyên lấp cống và mặt đường gây ách tắc giao thông. Sạt lở cũng gây tường chắn bị gãy đổ tại km44+900, ảnh hưởng đến trụ điện 500kV.

Tình trạng sạt lở dọc bờ sông Trường qua xã Phước Hiệp (Phước Sơn) xảy ra vào mùa mưa. Một số hộ dân ở thôn 4 (xã Phước Hiệp) chưa thể di dời được vì địa phương đang tìm chỗ đất cao ráo để tái định cư. Để chống sạt lở bờ sông, đe dọa khu dân cư, Công ty CP Thủy điện Đắc Mi đã xây dựng được bờ kè dài hơn 300m dọc bờ sông Trường đoạn qua thôn 1, xã Phước Hiệp.

Ông Nguyễn Quảng – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, trên địa bàn thời điểm này đã xác định được 28 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp thiên tai (xã Phước Lộc 9 hộ, Phước Thành 15 hộ và Phước Kim 4 hộ). Các hộ dân này chủ yếu nằm ở dưới khe cạn nguy cơ bị lũ quét rất cao. Trong trường hợp mưa to khả năng kèm theo lũ quét vào mùa mưa, chính quyền sẽ đưa dân đến khu vực an toàn. Tại xã Phước Thành, địa phương đang xây dựng khu tái định cư dự kiến đưa 100 hộ dân đang sống trên đồi núi nguy cơ sạt lở cao ở thôn 1 (Phước Thành) về.

Hiện Quảng Nam vẫn trong giai đoạn xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm nguy cơ, phục vụ sơ tán dân cư kịp thời, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, nếu mưa to liên tục trong những ngày tới thì lo ngại nhất ở miền núi là hiện tượng sạt lở đất đá từ các quả đồi có độ dốc cao, hậu quả thiệt hại sẽ khó lường

Khẩn cấp sơ tán dân

Vì các huyện miền núi hiện chưa có bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt trượt đất đá, nên việc sơ tán người dân chủ yếu nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai (vùng ngập lũ, sạt lở đất đá). Theo thống kê, tại huyện Tây Giang thời điểm này sơ tán 105 hộ (289 nhân khẩu) ở các xã Ga Ry, A Tiêng, Ch’Ơm, A Nông, Lăng nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tại huyện Nam Giang, chính quyền đã sơ tán 19 hộ (114 nhân khẩu) do nước suối dâng cao gây ngập, chia cắt cục bộ và khu vực có nguy cơ sạt lở ở các xã La Dêê, Đắc Pre, La Êê. Ngoài ra, sơ tán 5 hộ dân (20 nhân khẩu) ở xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) đến khu vực an toàn.

Tại huyện Nam Trà My, trước mùa mưa lũ năm nay, địa phương đã di dời hàng trăm hộ dân sinh sống dọc sông suối, trên đồi núi có nguy cơ sạt lở cao vào khu dân cư an toàn. Nhiều khu dân cư thực hiện xong phần san nền và đang lấp đầy diện tích xây dựng nhà ở. Điển hình, khu dân cư DakRu ở thôn 2 (xã Trà Vinh) thực hiện sắp xếp chỗ ở ổn định cho 80 hộ dân di dời đến; khu dân cư Tu Ron - thôn 3 (xã Trà Nam) có 49 hộ di dời; khu dân cư Long Póc - thôn 3 (xã Trà Mai) bố trí 50 hộ di dời; khu dân cư Tu Nương - thôn 4 (xã Trà Tập) sắp xếp 67 hộ di dời và 26 hộ ổn định tại chỗ; khu dân cư làng Ông Nhày - thôn 3 (xã Trà Leng) có 62 hộ di dời và 48 hộ ổn định tại chỗ; khu dân cư Tu Du - thôn 4 (xã Trà Cang) ổn định 99 hộ di dời; khu dân cư nóc Ông Anh - thôn 3 (xã Trà Dơn) di dời 60 hộ và 31 hộ ổn định tại chỗ.

Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025, mỗi năm địa phương đã sắp xếp hàng trăm hộ dân trong vùng sạt lở, nguy cơ thiên tai đến địa điểm an toàn. Những ngôi nhà nằm rải rác ven suối, hoặc trên đồi núi cao đưa vào diện cảnh báo thiên tai, trong trường hợp xảy ra mưa to, chính quyền sẽ sơ tán dân. Nhờ đó mà vào mùa mưa lũ gần đây, tình trạng đất đá vùi lấp nhà dân ít xảy ra.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu các cấp chính quyền địa phương và Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tập trung tổ chức kiểm tra, rà soát, thực hiện sơ tán người dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Trong đó, lưu ý huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối, những hộ không đảm bảo an toàn phải kiên quyết vận động di dời...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sơ tán dân vùng thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO