Sống chậm ở vùng cách ly

THÀNH CÔNG - QUỐC TUẤN - PHI THÀNH - VĂN SỰ 07/08/2020 05:01

Sống chậm hơn một chút, mọi việc trầm lặng hơn một chút, với người dân ở các khu dân cư đang thực hiện lệnh phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, việc cách ly không phải là điều gì quá tồi tệ. Trước giờ thực hiện lệnh phong tỏa, họ đã nhận thông tin, chuẩn bị nhu yếu phẩm, mà nếu chưa chuẩn bị kịp cũng không sao, cứ… bình tĩnh sống, bởi chính quyền và xã hội luôn sát cánh, sẻ chia.

Người dân khu dân cư Lưu Minh (Hà Lam, Thăng Bình) đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày 4.8. Ảnh: T.C
Người dân khu dân cư Lưu Minh (Hà Lam, Thăng Bình) đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào ngày 4.8. Ảnh: T.C

Bình tĩnh… cách ly

Nhiều cánh cửa khép hơn thường lệ, một hàng rào chắn được dựng lên ở ngay lối vào, dây giăng cảnh báo cũng đã bao quanh khu dân cư Lưu Minh (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) từ vài ngày nay. Túc trực ở cổng rào chắn là lực lượng công an, y tế và cả thanh niên xung kích. Nhưng trong khu dân cư, đằng sau những cánh cửa, không còn nỗi hoang mang như những ngày đầu...

Thông tin từ người đứng đầu chính quyền huyện Thăng Bình, từ 0 giờ ngày 3.8, khu dân cư Lưu Minh với 96 hộ/384 nhân khẩu thực hiện lệnh phong tỏa. Trong số này, có 4 học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT quốc gia và 14 giáo viên đã được phân công coi thi. Lực lượng công an, quân sự, đoàn viên thanh niên huyện, UBND thị trấn Hà Lam đã phân công cán bộ trực, chốt chặn 24/24 giờ. Hai lần phun khử trùng đã được thực hiện, trong đó lần thứ hai do lực lượng Phòng hóa Quân khu 5 đảm nhiệm. Ngày 4.8 vừa qua, tất cả người dân được lấy mẫu xét nghiệm. Mọi việc cứ thế tuần tự, việc gì đến sẽ đến.

Bà Lương Thị Phú - người dân trong khu phong tỏa chia sẻ, vì đã nhận được thông tin từ trước đó, gia đình bà có đủ thời gian để chuẩn bị các nhu yếu phẩm, nhất là rau xanh. Cũng như bà Phú, nhiều người dân khác có đôi chút lo lắng khi nhận tin có ca dương tính với Covid-19 trong khu dân cư, sau đó là lệnh phong tỏa, nhưng rồi mọi thứ nhanh chóng trở lại, yên ắng hơn một chút so với thường lệ, nhưng không là thứ im lặng của hoang mang.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, xà phòng, chất sát khuẩn thông thường đều được đảm bảo cho người dân. Huyện cũng cấp tiền ăn cho mỗi người dân khu vực phong tỏa với mức 40 nghìn đồng/ngày.

“Khoảng 200 triệu đồng là khoản tiền để hỗ trợ cấp tiền ăn và các khoản theo quy định đã được cấp về cho khu dân cư Lưu Minh ngay sau khi phong tỏa. Chính quyền thường xuyên nắm bắt tình hình, mừng là bà con đã rất chủ động trong thực hiện cách ly. Bất cứ khi nào người dân cần mua thêm vật dụng, đồ dùng hay thức ăn, tổ chốt chặn sẽ tiếp nhận và đáp ứng ngay. Riêng tổ chốt, các hội, đoàn thể cũng chung tay, mang từng bữa cơm đến với đội ngũ trực ở khu Lưu Minh mỗi ngày, để chia sẻ với lực lượng trong suốt thời gian phong tỏa” - ông Hùng nói.

Yên tâm thực hiện lệnh phong tỏa

Đã gần một tuần trôi qua, kể từ lúc có lệnh phong tỏa, người dân ở hai khối phố An Hội (phường Minh An) và Thịnh Mỹ (phường Cẩm An, TP.Hội An) luôn ý thức tuân thủ việc cách ly xã hội để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Khoảng 2.800 nhân khẩu ở hai khu vực này hoàn toàn không phải lo lắng về nguồn thực phẩm hàng ngày, khi được tiếp sức rất lớn để “ở yên trong nhà”.

Theo kế hoạch đang triển khai của thành phố, định kỳ 3 ngày một lần, bộ phận hậu cần của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hội An đến từng nhà để trao những túi hàng hóa thiết yếu, thực phẩm các loại. Ngoài ra, một số mặt hàng thiết yếu khác phát sinh mà người dân đăng ký đều được lực lượng chức năng hỗ trợ mua giúp và trao kèm theo những đợt phát thực phẩm định kỳ.

Ngoài những suất quà, các hộ già yếu, neo đơn, bệnh tật tại những khu vực bị phong tỏa ở Duy Xuyên còn nhận thêm những phần cơm miễn phí. Ảnh: H.N
Ngoài những suất quà, các hộ già yếu, neo đơn, bệnh tật tại những khu vực bị phong tỏa ở Duy Xuyên còn nhận thêm những phần cơm miễn phí. Ảnh: H.N

Bà Nguyễn Thị Phụng - ở tổ 3, khối phố Thịnh Mỹ chia sẻ: “Gia đình tôi có một người trong diện cách ly tập trung (F1) nên mọi người còn lại trong nhà đều thuộc diện F2. Không thể không lo lắng bồn chồn chờ kết quả xét nghiệm, nhưng nhờ sự quan tâm tận tình của chính quyền và chia sẻ của xã hội về mọi mặt nên chúng tôi cũng thấy an ủi, vơi bớt phần nào nỗi lo”.

Tại thị xã Điện Bàn, đến nay đã có các xã Điện Hồng, Điện Trung, Điện Thọ và phường Điện Nam Đông phải tiến hành phong tỏa cục bộ với gần 5.200 nhân khẩu, và số lượng này có nguy cơ tăng lên trong một vài ngày tới, nhưng chính quyền địa phương vẫn chủ động xây dựng các phương án đảm bảo sinh hoạt cho người dân, nhất là khi một số chợ cơ sở nằm trong khu vực phong tỏa phải tạm dừng hoạt động. Thị xã Điện Bàn đã xây dựng kế hoạch dự kiến hỗ trợ mỗi nhân khẩu trong khu vực phong tỏa 40 nghìn đồng/ngày từ nguồn ngân sách thị xã và đang chờ duyệt.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin: “Trong khi chờ phê duyệt, trước mắt chúng tôi ứng tiền và triển khai lực lượng hỗ trợ mua giúp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu mà người dân đăng ký, phát theo đợt định kỳ 3 đến 5 ngày/lần. Sau giãn cách xã hội, chúng tôi sẽ tổng hợp kinh phí, hộ nào đăng ký mua vượt chế độ hỗ trợ, sẽ triển khai thu bù lại. Nói chung người dân tại các khu vực thực hiện phong tỏa không phải lo lắng về nguồn cung thực phẩm”.

Tuân thủ nghiêm quy định

Tuyến đường chính dẫn vào tổ dân cư số 4 (khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) được lực lượng chức năng lập hàng rào chắn, không cho người dân ra vào khu vực phong tỏa. Từ đây, nhìn vào bên trong là một không gian vắng vẻ, im lìm. Hàng xóm muốn hỏi thăm nhau cũng đứng xa gần chục mét, khẩu trang đeo kín mặt. Tại khu vực này đã có 3 trường hợp dương tính với  SARS-CoV-2 nên UBND tỉnh quyết định thực hiện phong tỏa, cách ly 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 3.8.2020.

Bà Trịnh Thị Vy - người dân tổ dân cư số 4 chia sẻ: “Dù cuộc sống có đảo lộn đôi chút nhưng tất cả người dân ở tổ dân cư đều đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm quyết định của UBND tỉnh, chung tay cùng địa phương phòng chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội”. Còn vợ chồng chị Nguyễn Thị Kiều My cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của địa phương, vợ chồng chị tạm gác việc buôn bán thịt heo và chấp hành nghiêm các biện pháp cách ly phòng chống dịch theo quy định.

“Những ngày qua, vợ chồng tôi chỉ ở trong nhà, lo chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Mặc dù sống trong vùng phong tỏa, cách ly nhưng các nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống gia đình cũng như khâu phòng dịch được Mặt trận thị trấn Nam Phước chăm lo chu đáo. Trong lúc này, gia đình tôi cảm thấy rất ấm lòng và an tâm phòng dịch” - chị Nguyễn Thị Kiều My nói.

Ông Đỗ Thanh Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Nam Phước cho biết, ngay sau khi có lệnh phong tỏa khoảng 40 hộ dân với 250 nhân khẩu tại tổ 4 (khối phố Xuyên Đông) và khoảng 40 hộ, 130 nhân khẩu ở tổ 9 (khối phố Phước Mỹ), Mặt trận và các tổ chức thành viên tích cực vận động các mạnh thường quân hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân bên trong khu vực phong tỏa. Qua thống kê đến trưa ngày 6.8, Mặt trận thị trấn Nam Phước trực tiếp trao tặng khoảng 600 suất quà cho người dân, trị giá hơn 110 triệu đồng, thông qua sự đóng góp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm.

Tại huyện Quế Sơn, địa phương đã tiến hành phong tỏa, cách ly tổ dân cư số 2 (thuộc tổ dân phố Lãnh Thượng 2, thị trấn Đông Phú). Theo quan sát của chúng tôi, người dân chấp hành rất nghiêm túc quy định phòng chống dịch.

Bà Lưu Thị Hường - người dân tổ dân cư số 2 nói: “Tôi là tiểu thương tại chợ Đông Phú, khi nghe thông tin phong tỏa phòng chống dịch bệnh, tôi tạm dừng đến chợ, cùng gia đình thực hiện nghiêm lệnh phong tỏa cách ly. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống người dân trở lại bình thường”.

Khu vực phong tỏa, cách ly tạm thời ở tổ dân cư số 2 có khoảng 60 hộ dân, với 200 nhân khẩu. Đây là khu vực bệnh nhân Covid-19 thứ 622 (39 tuổi) sinh sống. Thời gian thực hiện phong tỏa 14 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 5.8.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống chậm ở vùng cách ly
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO