Tâm thế nhìn biển và rừng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/02/2021 08:12

(Xuân Tân Sửu) - Người Quảng, trong hành trình mở cõi buổi đầu dường như chỉ theo sinh lộ tiến về phương Nam. Hình ảnh “ngựa thồ”, theo cách ví von của một số nhà nghiên cứu, rằng ít nhiều hai bên mắt bị che đi để ngựa tập trung hành tiến về đích. Như vậy tâm thế đoàn lưu dân thường chọn chỗ tiện dừng chân ven đường thiên lý mà ít chú ý khai phá sơn lâm và biển cả, nơi đầy hiểm nguy rình rập. Tuy nhiên, khi bắt đầu lập ấp, lập làng, dựng nên dinh trấn và thương cảng, người Quảng đã tiếp biến nền văn minh bản địa vốn đã thẳm sâu mối dây gắn kết biển và rừng...

Tái hiện thương cảng Hội An. Ảnh: THÀNH CÔNG
Tái hiện thương cảng Hội An. Ảnh: THÀNH CÔNG

Sinh thời, GS. Trần Quốc Vượng đã từng có công trình nghiên cứu minh định về vị trí “hội thủy, hội nhân, hội tụ văn hóa” rất đặc biệt của Quảng Nam - là một ngã tư đường nước, ngã tư quốc tế, nơi đã hình thành thương cảng không chỉ với Hội An thế kỷ XVII, mà còn trước nữa với Đại Chiêm hải khẩu, cảng Trà Nhiêu, với nền văn minh Sa Huỳnh, Chămpa… Cái “ngã tư” có nguồn mạch sinh khí của văn hóa hội tụ hải đảo - cồn bàu – châu thổ đồng bằng và rừng núi.   

Biển ở rừng và rừng ở biển

Nhiều di chỉ khảo cổ học trên vùng đất Quảng Nam đã bật lên tiếng nói ngàn xưa khi biển và rừng chỉ cách vài bước chân tìm sinh kế của cư dân bản địa. Người Sa Huỳnh sớm tiếp cận biển, dựng lên những cảng thị sơ khai ven biển, nhưng kỳ lạ thay họ vẫn có mặt ở rừng mà di chỉ hiện vật mộ chum giữa vùng núi là minh chứng. Nhà khảo cổ Hồ Xuân Tịnh cho biết tại Tabhing (Nam Giang), đã từng khai quật khu mộ táng Sa Huỳnh, với hơn 60 chiếc chum, 3 quan tài gốm cùng nhiều hiện vật là đồ trang sức. Điều đặc biệt là các nhà khảo cổ đã tìm thấy 65 tiêu bản đồ sắt, gồm các vật dụng thuổng, rựa, kiếm, giáo, dao, liềm, cuốc nhỏ, đặc biệt là rìu và mũi gậy chọc lỗ. Theo ông Hồ Xuân Tịnh “mũi gậy chọc lỗ sắt minh chứng cho sự phát triển kinh tế nương rẫy của người cổ Sa Huỳnh ở vùng trung du và miền núi”.

Theo bước người Sa Huỳnh, người Chàm tiếp tục xác lập yếu tố rừng – biển trong cấu trúc sinh kế và giao thương, giao lưu văn hóa. Họ phát triển nghề biển, xây dựng các cảng thị và thủy quân (giỏi đóng thuyền), chế biến các loại hải sản (mắm), nhưng cư trú thì dựa vào núi, kiến tạo các công trình sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng đều có yếu tố dựa trên trục núi thiêng – sông thiêng nối ra biển. Núi Chúa – Mỹ Sơn – kinh thành Trà Kiệu – sông Thu Bồn – Cửa Đại – Cù Lao Chàm, là một trục như thế. Rồi hơn nữa, rừng – biển kết nối giao thương trước khi lưu dân Việt vào định cư đất này, như nhận định “nguồn Chiên Đàn ở phía tây (Tiên Phước, Trà My ngày nay) cung cấp các sản vật rừng cho vùng đồng bằng, đáp ứng nhu cầu sử dụng và xuất khẩu của vương triều Champa” (theo nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh).

Bước đường lưu dân Đại Việt, ngoài việc cầm gươm còn mang theo cuốc cày đi mở đất. Ban đầu còn dị ứng với nghề “nhứt phá sơn lâm nhì đâm hà bá”, nhưng rồi dần nhận ra mối gắn kết rừng – biển đã làm nên sự phồn thịnh của đời sống cư dân bản địa. Tiếp thu và phát huy giá trị di sản đó, người Việt đã tạo nên hệ thống trao đổi ven sông, cửa biển, nối các ngõ nguồn đến các nậu/vạn, xuôi về thương cảng. Từ đó mà có câu ca “ai về nhắn với nậu nguồn/ mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”.

Kết nối không gian phát triển

Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã nhấn mạnh lại là Quảng Nam như Việt Nam thu nhỏ, vì có đủ các dạng thức địa hình núi rừng, đồng bằng sông biển, hải đảo. Quảng Nam cũng có những di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu với các giá trị đặc trưng. Nhưng vấn đề là làm sao để khơi dậy, làm bừng lên khát vọng phát triển của vùng đất vốn được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”.

Tiên quyết là ở góc độ kinh tế, làm sao để nối kết không gian phát triển từ biển lên rừng là câu chuyện của từng nhiệm kỳ đi qua đều mong đợi. Nhưng ở giai đoạn phát triển mới, khi các trục dọc đã cơ bản hình thành, thì các trục ngang từ đông sang tây, kết thành không gian phát triển cho cả đồng bằng ven biển và miền núi là câu chuyện mang tầm vóc sứ mệnh của thế hệ lãnh đạo từ đây đến mươi năm sau, yêu cầu phải đặt nên các nền móng cơ bản. 

Mơ các bến bãi ven biển hồi sinh kinh tế cảng thị nối tiếng quốc tế.

Mơ về một cửa khẩu quốc tế. Có rồi!

Mơ các vườn đồi xanh lên các mô hình trang trại, kết hợp làm nên sinh thái làng quê, rủ rê người về du lịch.

Mơ trồng rừng gỗ lớn và phát triển vùng nguyên liệu dược liệu phong  phú, đa dạng. 

Mơ các bản làng dựng lại nhà sàn và ánh lửa, làm cháy lên bao ký ức vàng son một thuở của núi, của rừng, của các tộc người Cơ Tu, Xê Đăng, Mơ Nông, Giẻ triêng…

Điều thiêng liêng là cố kết cộng đồng miền ngược với miền xuôi. Hãy nhớ những chiếc gùi của đồng bào mang quế, gạc nai, thổ cẩm… xuống bên ngã ba sông mà gửi gắm về đồng bằng những sản vật của rừng. Hãy nhớ một thời phồn vinh, như GS. Momoki Shiro ở Đại học Osaka - Nhật, trong một công trình nghiên cứu đã  mô tả hàng hóa Chămpa xuất đi các nước gồm: vàng, bạc, thiếc, sắt, ngọc trai, hổ phách, pha lê, ốc tiền, các loại đá, sừng tê, ngà voi, mai rùa, long não, xạ hương, trầm, hồng thủy, dầu lửa, bông, vải “Zhao xia”, vải có vẽ màu, lưu huỳnh, gỗ mun, tre “guanyio”, gạo, tổ yến, hạt tiêu, cây “haiwuji”, cây anit, ớt lựu, tê giác, sư tử, voi, vượn, khỉ trắng, chim “chiji”, chim “shanji”,  rùa.... Hãy nhớ về “miền đất huyến ảo” như Dambo ghi chép, trong đó ghi dấu giấc mơ biển mà đồng bào Tây Nguyên còn gìn giữ, và đồng bào ở miền tây xứ Quảng cũng vậy.

Kết nối đông tây là cả hệ giao thông thủy bộ đang đặt ra cho Quảng Nam làm cầu nối cho ngành kinh tế mới – là logicstics. Theo đó cảng Chu Lai, sẽ hình thành các kho bãi để chế biến và vận tải xuất khẩu, còn Hội An làm sống dậy văn hóa cảng thị để dự bị cho một cuộc giao lưu quốc tế mới bằng du lịch trong thời vận mới.  

Tầm nhìn về biển và rừng, rõ ràng phải đổi khác, đổi mới để làm nên thời cơ mới cho Quảng Nam phát triển bền vững, đảm bảo bảo tồn môi trường biển và rừng, và phát triển công nghiệp, logicstics, dịch vụ, du lịch. Quảng Nam đã có hẳn chương trình đột phá phát triển vùng đông nam, đồng thời dành riêng chương trình cho miền núi xây dựng hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và đi theo trào lưu phát triển công nghiệp thực phẩm, chế biến lâm sản, chế biến dược liệu và du lịch cộng đồng. 

Trục dọc và trục ngang làm cho Quảng Nam tiếp tục là “ngã tư” của thời phát triển và hội nhập. Đông – tây, biển – rừng, và tâm thế bừng lên khát vọng làm cho Quảng Nam phồn vinh và hạnh phúc, đã là điều mà các tổ phụ dựng lên đất này cùng hậu thế ngày nay mơ ước vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tâm thế nhìn biển và rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO