Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó bão số 7

M.L 13/10/2020 16:48

(QNO) - Ngày 13.10, UBND tỉnh ban hành Công điện số 7/CĐ-UBND về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới.

Lực lượng chức năng sơ tán người dân ở vùng ngập sâu. Ảnh: CTV
Lực lượng chức năng sơ tán người dân ở vùng ngập sâu. Ảnh: CTV

Công điện nêu rõ, những ngày qua mưa lớn diện rộng gây ngập lụt các địa phương trên địa bàn tỉnh, thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời thăm hỏi tới cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương và gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình bị thiệt hại về người trong đợt mưa lũ vừa qua.

Những ngày tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, để tập trung công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục, hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7, áp thấp nhiệt đới để kịp thời chỉ đạo, triển khai ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo tại Công văn 5877/UBND-KTN (ngày 8.10.2020) của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo ứng phó mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu dân cư bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tăng cường kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực bị sạt lở, ngập sâu, nhất là qua các ngầm tràn, các bến đò. Đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết tại các khu vực tổ chức sơ tán.

Hiện nhiều khu vực ở các vùng trũng thấp còn ngập sâu trong nước, người dân cần hỗ trợ về lượng thực, thực phẩm. Ảnh: CTV
Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh còn ngập sâu trong nước. Ảnh: CTV

Tổ chức tìm kiếm người còn mất tích; thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người chết, mất tích; cứu chữa người bị thương. Cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở.

Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Chuẩn bị phương án khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng để phục vụ sinh hoạt, khôi phục sản xuất ngay sau khi lũ rút.

Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông suối, hồ chứa nước, các nơi ngập sâu để chở người, hàng hóa khi có mưa lũ.

Sở Y tế chỉ đạo triển khai công tác y tế, bảo đảm khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ, hướng dẫn xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất xử lý nguồn nước, môi trường sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Sở Tài chính theo dõi, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý kịp thời, đúng quy định các nhu cầu hỗ trợ phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Sở LĐ-TB&XH chủ trì kịp thời báo cáo, đề xuất hỗ trợ lương thực phục vụ cứu trợ cho người dân vùng lũ.

Chủ động ứng phó bão số 7

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và hoạt động sản xuất, trong đó lưu ý bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển. Chủ động di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm; bảo vệ đê điều, hồ đập; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản.

Vị trí và đường đi của bão số 7. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.
Hướng di chuyển của bão số 7. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão. Hướng dẫn các tàu thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do anh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa phương ven biển tiếp tục tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ). Tiếp tục thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đối với các tàu thuyền đã vào bờ hoặc khu neo đậu để trú ẩn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp, hướng dẫn ngư dân neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão. Kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài khơi, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ khi có yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan huy động tối đa lực lượng, phương tiện, nguyên vật liệu thiết yếu ở địa phương, của các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ và các nhà thầu thi công để khắc phục kịp thời các tuyến đường bị sạt lở đất gây bồi lấp, đảm bảo thông tuyến phục vụ nhân dân đi lại, sản xuất. Phối hợp với lực lượng công an chủ động chỉ đạo kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và các phương tiện vận tải.

Sở NN&PTNT chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; bảo vệ đê điều, hồ đập thuỷ lợi. Sở Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn và vận hành an toàn các hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện; kịp thời khắc phục nhanh sự cố điện; bảo đảm nguồn lương thực, hàng hóa thiết yếu tại khu vực bị ảnh hưởng của bão lũ.

Công ty Điện lực Quảng Nam khẩn trương khôi phục nhanh các đường dây, trạm biến áp bị hư hỏng, trong đó ưu tiên cấp điện dự phòng cho các trung tâm huyện, bảo đảm nguồn điện phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó thiên tai, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các chủ hồ thủy điện phải kiểm tra, đảm bảo tối đa phương án dự phòng, phương án vận hành tràn xả lũ đảm bảo, nhất là hệ thống điện.

Đài PT-TH Quảng Nam, Báo Quảng Nam, đài truyền thanh các địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh. Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

Các sở, ban ngành khác chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai các biện pháp ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó bão số 7
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO