Thịnh và tinh thần không bỏ cuộc

V.ANH 19/01/2020 06:56

(Xuân Canh Tý) - “Tôi mong rằng đến một ngày nào đó sự nỗ lực của mình được xã hội công nhận”. Đó là chia sẻ của đảng viên trẻ Phạm Phú Thịnh (25 tuổi, trú thôn Bình Thạnh, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) - một người khiếm thị nhưng không lúc nào thôi ý chí phấn đấu, nỗ lực trong cuộc sống.

“Luôn mong trở thành người thầy nên khi được đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho các em là lúc tôi hạnh phúc nhất!” - lời Phạm Phú Thịnh. Ảnh: V.A
“Luôn mong trở thành người thầy nên khi được đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho các em là lúc tôi hạnh phúc nhất!” - lời Phạm Phú Thịnh. Ảnh: V.A

Phạm Phú Thịnh từng là nhân vật được phản ánh trên Báo Quảng Nam gần 10 năm trước với biệt danh “cậu học trò ngửi chữ”. Đó là cách nói hình tượng về tấm gương và nghị lực của cậu học trò nghèo, dù bị khiếm thị (phải gí sát mắt vào sách mới đọc được - PV), nhưng đã vượt khó học giỏi. Trong học tập Thịnh khiến nhiều người phải nể phục khi 12 năm giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, đồng thời xuất sắc thi đậu Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng với 24 điểm.

Phạm Phú Thịnh là một trong những gương điển hình tiêu biểu được tuyên dương và trình bày tham luận tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW do Huyện ủy Phú Ninh tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019).

Năm 18 tuổi, Thịnh là một trong những học sinh tiêu biểu của Trường THPT Nguyễn Dục (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) vinh dự được kết nạp Đảng. Thịnh nói, ngoài những phần thưởng trong học tập thì việc được đứng vào hàng ngũ của Đảng là nguồn động viên tinh thần vô cùng lớn để bản thân tiếp tục rèn luyện, không ngừng phấn đấu.

Luôn nỗ lực để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, nên Thịnh không bao giờ nghĩ đến chuyện “bỏ cuộc” dù ở trong hoàn cảnh nào.

Và, suốt 4 năm ăn học xa nhà với bao khó khăn nhưng Phạm Phú Thịnh đã vượt qua nghịch cảnh để cán đích thành công với tấm bằng tốt nghiệp loại khá. Tốt nghiệp Sư phạm Toán, ước mơ lớn nhất của Thịnh là được trở thành thầy giáo, nhưng hoàn cảnh và điều kiện chưa cho phép... Không nhụt chí, Thịnh trở về quê mở lớp dạy học tại nhà. Ban đầu chỉ vài em nhưng lúc cao điểm lớp học của “thầy Thịnh” thu nhận cả hàng chục học trò, đủ độ tuổi từ tiểu học đến THPT.

Chia sẻ về lớp học của mình, Thịnh nói: “Luôn mong trở thành người thầy nên khi được đứng lớp, truyền đạt kiến thức mình biết cho các em là lúc tôi hạnh phúc nhất! Với các em, tôi không dám nghĩ mình là thầy giáo mà chỉ là người truyền thụ kiến thức. Cái gì các em cần, chưa biết, tôi giải thích đến khi nào hiểu mới thôi”.

Phạm Phú Thịnh (ngoài cùng bên trái) tham gia giao lưu, tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 20 năm phong trào thanh niên tình nguyện (1999 - 2019), do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: PHAN TUẤN
Phạm Phú Thịnh (ngoài cùng bên trái) tham gia giao lưu, tọa đàm nhân dịp kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 20 năm phong trào thanh niên tình nguyện (1999 - 2019), do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: PHAN TUẤN

Không chỉ truyền thụ kiến thức, Thịnh luôn mang đến cho các em một tinh thần không bao giờ bỏ cuộc và nghị lực vượt khó trong học tập để trở thành người tốt. Bởi vậy, nhiều bậc phụ huynh tin tưởng giao con em cho “thầy Thịnh” với mong muốn ngoài kiến thức các em còn được học về tấm gương nghị lực sống ở Thịnh.

Luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp ở phía trước, Phạm Phú Thịnh đang tiếp tục nỗ lực để khẳng định bản thân. Bởi ngoài việc dạy học cho đám trẻ trường làng, ước mơ của Thịnh là được một tổ chức, đơn vị nào đó nhận vào làm việc.

“Tôi mong rằng đến một ngày nào đó sự nỗ lực của mình được xã hội công nhận. Lúc ấy tôi muốn có một công việc, thu nhập ổn định từ chính năng lực của mình để có thể chăm sóc cho bản thân và bố mẹ khi về già” - Thịnh tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thịnh và tinh thần không bỏ cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO