Thực hiện mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh: Tháo gỡ vướng mắc

DIỄM LỆ 28/05/2020 12:05

Việc nhân rộng mô hình giảm nghèo của năm 2019 trên địa bàn tỉnh thuộc các Chương trình 30a và 135 rất khó thực hiện do vướng mắc nảy sinh. Trong cuộc làm việc với các sở, ngành liên quan mới đây, UBND tỉnh đã có hướng tháo gỡ cụ thể.

Thực hiện việc nhân rộng mô hình giảm nghèo vẫn còn khó khăn. Ảnh: D.L
Thực hiện việc nhân rộng mô hình giảm nghèo vẫn còn khó khăn. Ảnh: D.L

45/54 dự án chưa thực hiện

Theo Sở LĐ-TB&XH, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2019. Có 54 dự án ở các địa phương trong tỉnh đang được hỗ trợ bởi Chương trình 30a và 135, đề xuất thực hiện gồm: Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn và 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc 3 huyện Núi Thành (Tam Tiến, Tam Hải), Thăng Bình (Bình Hải, Bình Sa, Bình Đào), Duy Xuyên (Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh); các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi và các xã nằm ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. 54 dự án do các địa phương khảo sát, xây dựng năm 2019 được UBND cấp huyện có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT thẩm định, có ý kiến thống nhất bằng văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH tổng hợp, thẩm tra theo đúng quy định.

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: “Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận, tổ chức thẩm tra được 39/54 dự án và có văn bản báo cáo, trình UBND tỉnh theo quy định. UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh đối với 27/39 dự án do Sở LĐ-TB&XH trình. Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản thống nhất đối với 18/27 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo do UBND tỉnh đề nghị cho ý kiến thống nhất. 15 dự án còn lại Sở LĐ-TB&XH thẩm tra chưa đảm bảo quy định; đồng thời thời gian tiếp nhận hồ sơ dự án và văn bản thẩm định của Sở NN&PTNT vào cuối tháng 12.2019 nên không thể thẩm định kịp”.

Tháo gỡ một phần vướng mắc

Kết quả thực hiện dự án đến ngày 31.12.2019: 9 dự án được các huyện thực hiện, giải ngân được 1,8 tỷ đồng. 9 dự án có văn bản thống nhất của Thường trực HĐND và UBND tỉnh nhưng do văn bản ban hành vào cuối tháng 12.2019 nên UBND các huyện chưa thực hiện kịp. 36 dự án còn lại chưa có ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh.

Vì quy trình thực hiện qua nhiều bước, nhiều khâu từ cộng đồng dân cư đến Thường trực HĐND tỉnh nên các dự án đều được triển khai rất trễ. Đối với cấp cơ sở, hộ gia đình ở phân tán, địa hình khó đi lại, nhu cầu hỗ trợ theo đề nghị của hộ dân rất đa dạng, phức tạp, thường hay thay đổi ý kiến đề nghị hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi. Công tác rà soát hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được ngân sách hỗ trợ đầu tư những năm qua (đã hỗ trợ bao nhiêu, vượt mức quy định chưa...) cũng tốn nhiều thời gian để tổng hợp, chốt số lượng, nhu cầu hỗ trợ đầu tư để xây dựng dự án theo đúng quy trình và mẫu dự án quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT.

“Ngoài ra, theo quy định đối với hàng hóa (giống cây trồng, con vật nuôi) chủ đầu tư phải thực hiện quy trình đấu thầu, tổ chức mua và cấp cho đối tượng cũng mất một khoảng thời gian nhất định. Năng lực tổ chức thực hiện của một số cán bộ liên quan ở các xã nghèo, huyện nghèo còn hạn chế, dẫn đến chậm triển khai xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2019. Nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh cấp chậm, thực hiện vào 6 tháng cuối năm 2019 nên các địa phương đều lúng túng trong thực hiện các bước đầu...” - bà Bích Ngọc cho biết.

Từ thực tế triển khai dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ một phần vướng mắc. Theo đó, Phó Chủ tịch Trần Văn Tân đã thống nhất đối với các dự án đã được Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh thống nhất thực hiện, các địa phương sử dụng vốn kế hoạch ngân sách Trung ương được UBND tỉnh phân bổ năm 2020 để tiếp tục triển khai thực hiện cho nhân dân. Những vướng mắc của quy trình thực hiện từ năm 2019 trở về trước, HĐND tỉnh đã tháo gỡ qua Nghị quyết số 33 ngày 17.12.2019. Theo đó, từ năm 2020, giao UBND cấp huyện phê duyệt dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND cùng cấp. Cách làm này sẽ làm giảm đáng kể các bước thực hiện dự án này ở các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thực hiện mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh: Tháo gỡ vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO