Triển khai gói hỗ trợ Covid-19: Lắng nghe, thấu hiểu

TÂM ĐAN 21/05/2020 12:41

Nhiều khó khăn được dự báo đã nảy sinh khi các địa phương bắt đầu tiến hành xác minh, lập danh sách về nhóm đối tượng “không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm” liên quan đến gói hỗ trợ Covid-19 theo Nghị quyết 42.  

Bà Lê Thị Kim Vương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Mỹ (phải) tham gia giám sát việc triển khai Nghị quyết 42 và hỗ trợ tuyên truyền, giải thích cho người dân về chính sách. Ảnh: VINH ANH
Bà Lê Thị Kim Vương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Mỹ (phải) tham gia giám sát việc triển khai Nghị quyết 42 và hỗ trợ tuyên truyền, giải thích cho người dân về chính sách. Ảnh: VINH ANH

Phát sinh nhiều vấn đề

Từ ngày 20 - 22.5, UBND phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ) cử 3 tổ công tác luân phiên về làm việc tại nhà văn hóa các khối phố trên địa bàn để xác lập danh sách nhóm trường hợp bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ghi nhận tại nhà văn hóa khối phố Mỹ Nam vào sáng 20.5, ngay từ sớm đã có rất đông người dân đến khai báo, xác minh các thông tin liên quan mà họ đã kê khai trước đó.

Việc sàng lọc được tổ công tác thực hiện khá chặt chẽ. Đầu tiên, người dân nộp giấy mời cho cán bộ khối phố sau đó làm việc với cán bộ phường để tiếp tục xác minh, đối chiếu thông tin.

Ông Quán Thanh Luyên - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khối phố Mỹ Nam cho biết, sau bước rà soát ban đầu, khối phố có 180 trường hợp lao động thuộc diện không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sau nhiều lần làm việc với tổ đoàn kết và cuộc họp toàn dân vào tối 19.5, sáng 20.5 khối phố phối hợp với UBND phường tổ chức buổi làm việc với các trường hợp để xác lập danh sách cuối cùng. Qua buổi làm việc, nhiều trường hợp không đảm bảo điều kiện đã được đưa ra khỏi danh sách.

“Khá nhiều trường hợp không thuộc diện hỗ trợ nhưng vẫn kê khai; một số khác thì làm ăn xa, chậm khai báo và thực hiện các thủ tục..., khiến cho việc rà soát mất nhiều thời gian” - ông Luyên nói.

Ông Thái Hùng Nhất - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND phường An Mỹ cho biết, phần đông người dân lao động đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên Chính phủ chỉ quy định một số nhóm thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ. Do đó, trong quá trình rà soát nổi lên nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến giảm sâu về thu nhập nhưng khi đối chiếu thì không thuộc quy định được lập hồ sơ, như nhóm giữ trẻ mầm non tư thục, kinh doanh spa, cắt tóc gội đầu…

“Qua tiếp xúc, làm việc với người dân, UBND phường kiến nghị UBND TP.Tam Kỳ báo cáo đề xuất UBND tỉnh bổ sung các ngành nghề bị ảnh hưởng nhưng nằm ngoài quy định của Trung ương để có chính sách hỗ trợ bớt phần khó khăn cho người dân” - ông Nhất cho hay.

Mặt trận đồng hành

Dù đã được giải thích cặn kẽ, nhiều người dân khối phố Mỹ Nam vẫn cảm thấy vướng mắc trong lòng khi mình không thuộc trường hợp hưởng chính sách hỗ trợ.

Ông Trần Phạm Minh Quang, chủ hộ buôn bán bánh mì, chia sẻ: “Việc kinh doanh của gia đình chỉ hoạt động cầm chừng do dịch bệnh. Chúng tôi rất trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Chính phủ nhưng khi làm việc mới biết mình không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ. Thiết nghĩ, Nhà nước nên mở rộng đối tượng và xem xét đầy đủ các yếu tố để tránh việc thực hiện quá cứng nhắc”.

Việc xác minh nhóm lao động mất việc làm không có giao kết hợp đồng quả thực không đơn giản, bởi giữa quy định và thực tế nhiều khi không giống nhau. Đơn cử, quy định trường hợp “tạm dừng kinh doanh” thuộc đối tượng hỗ trợ, tuy nhiên khi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nhưng vẫn buôn bán bằng hình thức “mang về”, “ship tận nhà”… thì được coi không thuộc đối tượng để lập hồ sơ. Chính vì vậy, bên cạnh rà soát thì việc giải thích, tuyên truyền để người dân thấu hiểu chính sách là hết sức quan trọng.

Đồng hành với chính quyền trong thực hiện gói hỗ trợ này, ngoài nhiệm vụ  giám sát, hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên còn tích cực tham gia hỗ trợ giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về chính sách.

Bà Lê Thị Kim Vương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Mỹ cho biết, đã thành lập tổ giám sát độc lập về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc theo Nghị quyết 42. Tổ do Mặt trận chủ trì phối hợp các cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên và mời công an tham gia.

“Chúng tôi cũng chia làm 3 nhóm giám sát bám các tổ thực hiện Nghị quyết 42 của UBND phường. Ngoài nắm bắt tình hình, theo dõi việc lập danh sách, xác minh đối tượng, các thành viên sẽ tham gia hỗ trợ giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách. Với những trường hợp quá khó khăn mà nằm ngoài quy định, Mặt trận sẽ nắm bắt để có sự hỗ trợ, giúp đỡ theo kênh riêng” - bà Vương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển khai gói hỗ trợ Covid-19: Lắng nghe, thấu hiểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO