Từ mô hình "3 giúp 1"...

HÀN GIANG - PHƯƠNG GIANG 22/07/2020 08:45

Không còn những lời nói suông, cán bộ, công chức huyện Nam Trà My xuống tận cơ sở kèm cặp, hướng dẫn bà con làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Chính họ được rèn luyện qua thực tiễn để chín chắn, trưởng thành...

Cán bộ huyện Nam Trà My xuống cơ sở làm việc với người dân. Ảnh: N.C
Cán bộ huyện Nam Trà My xuống cơ sở làm việc với người dân. Ảnh: N.C

Giúp dân thoát nghèo

Nói đến công tác giảm nghèo ở Nam Trà My những năm qua, nổi bật nhất, được nhiều người và nhiều địa phương khác biết đến là mô hình “3 cán bộ, công chức, viên chức giúp một hộ dân đăng ký thoát nghèo”. Huyện ủy Nam Trà My đánh giá, mô hình đã thật sự hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện hằng năm hơn 8%. Nhiều hộ dân được hướng dẫn, giúp đỡ đã vươn lên sản xuất khá, giỏi; nhất là các mô hình trồng cây dược liệu, chuối mốc, sâm nam, giảo cổ lam, sâm Ngọc Linh, quế Trà My.

Ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My chia sẻ, cán bộ, công chức rất hăng hái hưởng ứng khi mô hình được phát động. Huyện cũng xây dựng tổ xung kích gồm 50 cán bộ trẻ có sức khỏe, kỹ thuật chuyên môn, tranh thủ các ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật xuống cơ sở giúp đỡ bà con khi có vấn đề cần hỗ trợ. Hộ nghèo được cán bộ, công chức kèm cặp, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay phát triển sản xuất, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, con vật nuôi. Từ đó, họ bắt đầu thay đổi tư duy sản xuất, trao đổi hàng hóa, chăm lo làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. “Trong quá trình gắn bó với cơ sở, cán bộ có cơ hội học hỏi, tôi rèn để trưởng thành, phục vụ nhân dân được tốt hơn” - ông Hưng nhìn nhận.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng khẳng định, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quán triệt rõ chủ trương: ngoài sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện phải phát huy tối đa thực lực của mình, nhất là sự nỗ lực, nhiệt huyết của cán bộ, công chức và tinh thần phấn đấu vươn lên của người dân để xây dựng và phát triển quê hương Nam Trà My. Nằm lòng chủ trương này, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo gương Bác Hồ, các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương của huyện đã có những việc làm cụ thể, ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời các bức xúc từ thực tiễn và chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

“Công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được huyện chú trọng với mục tiêu phấn đấu giảm 4,5 - 5% tỷ lệ hộ nghèo/năm. Đối với các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Huyện ủy có chỉ đạo phải mạnh dạn đăng ký thêm chỉ tiêu thoát nghèo hằng năm, chứ không ấn định chỉ tiêu như lâu nay để công tác giảm nghèo ngày càng thực chất hơn. Mô hình “3 cán bộ, công chức, viên chức giúp một hộ dân đăng ký thoát nghèo” và các mô hình giúp dân giảm nghèo khác trong cán bộ, đảng viên sẽ được duy trì, phát huy” - ông Hưng nói.

Lắng nghe cơ sở

Đi cơ sở nắm bắt tình hình, gặp gỡ với bà con ở các khu dân cư để trao đổi, ghi nhận tâm tư, kiến nghị, nhằm kịp thời có định hướng, bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ lãnh đạo huyện Nam Trà My. Từ đó dần được lan tỏa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương, vậy nên, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm được triển khai đến người dân.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My - Lê Thanh Hưng nói, hằng quý ông dành thời gian đi thực tế hết thôn này đến thôn khác ở xã được phân công đứng điểm. Đặc biệt, sau khi ăn tết cổ truyền, hay chuẩn bị bước vào vụ mùa sản xuất, ông càng dành thời gian đi cơ sở nhiều hơn, để xem bà con có phản ánh, đề xuất vấn đề gì, hay sản xuất có đúng lịch mùa vụ không. Và nhiều vấn đề cần quan tâm khác như thực hiện chính sách, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của nhà nước có đúng, kịp thời và hiệu quả hay không. Sau đó, về huyện tham gia chủ trì các cuộc họp ông nêu lại vấn đề, chỉ đạo các ngành kiểm tra, tập trung giải quyết.

Đi thực tế ở cơ sở nhiều, có khi phải họp dân đến khuya, theo kinh nghiệm của ông Hưng, người dân luôn ủng hộ chủ trương nhưng trong cách làm phải hết sức khéo léo, nhất là đối với những trường hợp bị ảnh hưởng bởi cái chung. Người cán bộ nắm được tâm lý, có giải pháp xử lý hài hòa thì công việc chung mới thuận lợi.

Như việc thực hiện chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn, Nhà nước hỗ trợ xi măng, cát sạn, dân lo mở mặt bằng nhưng đến khi đụng đến cây mít, cây chuối, mảnh ruộng thì chủ hộ không cho, yêu cầu bồi thường, và cho rằng “làm đường mọi người đi chung, cớ sao mỗi gia đình tôi phải chịu thiệt”. Trong các trường hợp này lãnh đạo huyện đều có mặt, mời cán bộ xã đến trao đổi thống nhất trồng lại cây, cải tạo ruộng ở một vị trí khác phù hợp. Người dân đồng tình, việc làm đường mới tiếp tục...

“Mỗi lần đi cơ sở, trao đổi với nhân dân, khi về trên huyện luôn có nhiều việc để làm, thấy được những vấn đề mà các ngành chưa kịp thời giải quyết, người dân có ý kiến, chúng tôi chỉ đạo kiểm tra, xử lý. Vì vậy, mỗi lần gặp mình đi cơ sở bà con đều phấn khởi, mạnh dạn đề xuất nhiều vấn đề, từ đó mối quan hệ cán bộ với nhân dân thêm gần gũi” - ông Hưng tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ mô hình "3 giúp 1"...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO