Về miền đất Điện Quang

TRẦN CÔNG TÚ 03/02/2021 06:56

Hình thành trên vùng Gò Nổi (thị xã Điện Bàn) tứ bề sông nước bao quanh, mảnh đất xã Điện Quang in đậm dấu tích lịch sử - văn hóa và danh nhân. 

Các làng rước linh kiệu Thành Hoàng, tổ tiên về trung tâm xã Điện Quang để tế lễ Thanh minh. Ảnh: C.T
Các làng rước linh kiệu Thành Hoàng, tổ tiên về trung tâm xã Điện Quang để tế lễ Thanh minh. Ảnh: C.T

Dấu xưa vang vọng

Xã Điện Quang hình thành cuối thế kỷ 14, vốn là vùng đất hoang vu. Năm Tân Mão 1471, vua Lê Thánh Tông đã mở cuộc chinh nam và thành lập thừa tuyên Quảng Nam. Theo vua đi bình Chiêm, những người con đất Việt ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An ngược dòng Thu Bồn, bắt gặp một cù lao phù sa màu mỡ, bèn quyết định dừng chân khai cơ lập nghiệp.

Bản sớ tấu về triều đình Lê Trung Tông (năm 1553) có điểm chỉ của 39 người đại diện cho 17 tộc họ như Phan, Ngô, Nguyễn, Phạm, Thái, Đoàn, Huỳnh, Tào, Lê, Trương, Trần… xin khai canh mở thổ, lập nên các làng trên đất Điện Quang.

Năm Khải Định thứ 2 (năm 1917), cả 17 tộc họ được sắc phong Tiền hiền, ghi công lao bình Chiêm mở cõi. Những đợt sắc phong sau lần lượt cho các làng, tộc họ đến sau, cùng chung sống quây quần, đoàn kết lao động sản xuất. Hiện nay toàn xã có 97 tộc họ, hầu hết đã trải qua 17 - 18 đời, số ít trải 20 - 22 đời.

Ông Trần Công Hữu, một “lão làng” của xã Điện Quang hào hứng kể về quê hương danh nhân, đất khoa bảng, đất anh hùng đã ghi vào sử sách. Điện Quang là vùng đất giàu truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt không phải vì con nhà giàu mà nhờ lòng ham học, chịu khó, thông minh.

Thời kỳ trước năm 1858 có 54 người đỗ tú tài; giai đoạn 1858 - 1946 có 100 người đỗ trung học trở lên, tiêu biểu là tiến sĩ Phạm Tuấn - một trong “Ngũ phụng tề phi” đất Quảng Nam. Ba anh em Hoàng Diệu (đỗ phó bảng), Hoàng Kim Thám, Hoàng Kim Bảng (đỗ cử nhân), gia cảnh nghèo khó nhưng học giỏi. Cụ Trần Cao Vân với thuyết “Trung thiên dịch” nổi tiếng.

Mảnh đất này còn là nơi “chôn nhau cắt rốn” của GS. Hoàng Tụy và GS. Ngô Việt Trung - 2 nhà toán học từng đảm nhận trọng trách Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nhà bác học nông nghiệp - GS. Lê Văn Căn.         

Điện Quang cũng là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi có 2 người kế tiếp nhau làm Tổng đốc thành Hà Nội là Hoàng Diệu và Lê Đình Đỉnh. Hoàng Diệu tuẫn tiết nêu gương trung liệt. Còn Lê Đình Đỉnh là thân sinh chí sĩ Lê Đình Dương và cư sĩ Lê Đình Thám. Mảnh đất này còn sinh ra nhà yêu nước Phan Thành Tài, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Hai anh em ruột Phan Thanh, Phan Bôi sống chưa tròn 40 tuổi nhưng là những chiến sĩ cộng sản, trí thức cách mạng kiệt xuất.

Một xã có 3 vị là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam gồm bà Lê Thị Xuyến, ông Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam) và ông Phan Thao. Một xã sản sinh 3 nhà báo cự phách hoạt động ở 3 miền Bắc, Trung, Nam đầu thế kỷ 20: Lương Khắc Ninh, Nguyễn Bá Trác, Phan Khôi. Điện Quang còn là quê hương của nhà ngoại giao lỗi lạc Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước; nhiều anh hùng kiên trung, bất khuất, nổi tiếng đi vào thơ ca có thể kể đến chị Trần Thị Lý (nhân vật trong bài thơ “Người con gái Việt Nam”), chị Trần Thị Vân (nhân vật trong bài hát “Lời ca không tắt”).

Cội nguồn văn hóa

Phát huy truyền thống cha ông, các thế hệ của Điện Quang thời nay đã năng động, nhạy bén, tư duy sâu sắc, dám nghĩ, dám làm trong kiến thiết, xây dựng quê hương. Để hôm nay, diện mạo Điện Quang hoàn toàn “thay da đổi thịt”, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 và tiệm cận “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”. Trên địa bàn xã hiện có nghĩa trang liệt sĩ, 1 di tích cấp quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn - ông Phan Minh Dũng nói: “Tôi từng nhiều lần nói với lãnh đạo các xã, rằng các anh chị đi tham quan, học hỏi đâu cho xa, chỉ cần về Điện Quang tham khảo, làm được như Điện Quang là quý rồi”.

Quan hệ dòng tộc, gia đình được xem là nét văn hóa tốt đẹp, giúp giữ gìn thuần phong mỹ tục, chăm lo giáo dục con cháu toàn diện. Tại nhà thờ tộc Phan (làng Bảo An), gia tộc bố trí không gian trưng bày hình ảnh những người con ưu tú là danh nhân, chí sĩ đã lưu danh sử sách để con cháu noi gương.

Theo tộc trưởng Phan Đức Châu, gia tộc chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài; chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ tích cực ủng hộ chủ trương chung, tham gia đóng góp, xây dựng quê hương để không hổ thẹn với các bậc tiền nhân.   

Tế lễ Thanh minh diễn ra từ bao đời nay, nhưng mang tầm vóc gia đình, tộc họ riêng lẻ. Bắt đầu từ năm 2008, xã quyết định tổ chức lễ hội Thanh minh tập trung, quy tụ 97 tộc họ ở cả 10 làng. Lễ hội Thanh minh đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, không phân biệt dòng to tộc nhỏ, giàu, nghèo. Tri ân các bậc hiền tài, các anh hùng liệt sĩ, công đức ông bà, tổ tiên, giáo dục truyền thống, lễ hội còn là dịp con cháu sum họp, đóng góp cả tinh thần, vật chất vun đắp dựng xây dòng tộc, xã nhà, tô bồi cho quê hương. Sự kiện cũng là dịp quảng bá tiềm năng du lịch của vùng đất địa linh nhân kiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về miền đất Điện Quang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO