Vốn chính sách tiếp sức người dân xã đảo

VIỆT NGUYỄN 31/07/2020 13:19

Nhờ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam, người dân ở 2 xã đảo Tam Hải (Núi Thành) và Tân Hiệp (TP.Hội An) đã xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Luật trao đổi với cán bộ xã Tam Hải về tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Bà Nguyễn Thị Luật trao đổi với cán bộ xã Tam Hải về tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đòn bẩy thoát nghèo

Tổng dư nợ CSXH của người dân trên địa bàn xã đảo Tam Hải đến thời điểm này xấp xỉ 49,5 tỷ đồng. Hộ ông Trần Công Quốc (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) nhờ vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành đã xây dựng được mô hình khai thác hải sản hiệu quả với các nghề câu cá hố, cá mú và lờ ghẹ, mực.

“Khai thác hải sản cách xa vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) gần 10 hải lý với tàu QNa-00539 có công suất 55CV, tôi luôn thu được giá trị kinh tế khá. Dự kiến tôi sẽ trả xong nợ vào cuối năm nay và tiếp tục vay vốn để bán tàu nhỏ, đóng mới tàu cá lớn, phục vụ sản xuất trên biển tốt hơn” - ông Quốc nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác cho vay hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, trong thời gian đến, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời thiệt hại do ảnh hưởng mới của dịch Covoid-19, hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách ổn định đời sống, ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời kiểm soát nợ đến hạn, phân tích xử lý nợ xấu, giữ vững chất lượng tín dụng.

Tương tự, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Núi Thành, hộ bà Nguyễn Thị Luật (thôn Bình Trung, xã Tam Hải) đã thoát nghèo, có nguồn thu nhập khá với mô hình quầy hàng tạp hóa. Bà Luật cho biết, buôn bán các mặt hàng thiết yếu ngày càng thuận lợi nhờ hạ tầng giao thông được Nhà nước quan tâm đầu tư. Nếu như trước đây phải qua phà đến thị trấn Núi Thành để mua hàng về bán thì nay các mối làm ăn đã đưa hàng đến tận nhà, chiết khấu cũng cao hơn.

“Thoát nghèo cách đây 3 năm là kết quả đáng mừng của gia đình chúng tôi khi xuất phát chỉ từ nguồn vốn vay CSXH 50 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, gia đình tôi còn lo cho con cái học hành và tích lũy nguồn vốn để mở quán cà phê” - bà Luật nói.

Ở xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An), người dân tiếp cận vốn CSXH thông qua các chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ cận nghèo, hộ nghèo, học sinh - sinh viên, hộ sản xuất vùng khó khăn, hộ thoát nghèo, nhà ở, nước sạch - vệ sinh môi trường và xuất khẩu lao động.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, tín dụng CSXH là đòn bẩy thoát nghèo của người dân xã đảo. Nhờ xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản, buôn bán, thực hiện dịch vụ, người dân xã đảo đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, không còn hộ nghèo ở xã đảo Tân Hiệp.

Nâng chất lượng tín dụng

Đến nay, cả 23 tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã Tam Hải đều hoạt động tốt, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng CSXH. Ông Nguyễn Công Tiến - Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, hằng tháng, qua giao ban, lãnh đạo địa phương yêu cầu tất cả hội, đoàn thể gồm nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh bình xét cho vay người dân đúng mục đích. Theo đó, xác nhận chương trình cho vay đúng quy định; kiểm tra, giám sát, đôn đốc hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng đăng ký.

“Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy các hồ sơ vay vốn CSXH trên địa bàn đầy đủ, biểu mẫu rõ ràng. Quan trọng hơn, qua vận động, các hộ vay vốn đã tham gia tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn đầy đủ, trả nợ đúng hạn. Đến nay, toàn xã chưa phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu” - ông Nguyễn Công Tiến nói.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay, UBND TP.Hội An đã bổ sung thêm 3 tỷ đồng (đạt 150% kế hoạch) để Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam triển khai tốt các nội dung cho vay ưu đãi, thực hiện tốt an sinh xã hội.

“Từ nay đến cuối năm, chúng tôi bám sát chỉ tiêu, kế hoạch của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho các đối tượng chính sách, không để các hộ đã thoát nghèo thiếu vốn tổ chức sản xuất, kinh doanh” - ông Nguyễn Thế Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vốn chính sách tiếp sức người dân xã đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO