Vùng cao lại chia cắt do lũ, sạt lở

ALĂNG NGƯỚC 17/10/2020 16:09

(QNO) - Mưa lớn tiếp tục trút xuống địa bàn các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang... khiến gây lũ tại nhiều sông suối, hàng trăm điểm sạt lở khiến đất đá tràn xuống mặt đường, nhiều khu vực dân cư bị cắt đứt hoàn toàn.

Sạt lở khiến tuyến đường lên địa bàn xã Kà Dăng (Đông Giang) bị cắt đứt hoàn toàn. Ảnh: Đ.N
Sạt lở khiến tuyến đường lên địa bàn xã Kà Dăng (Đông Giang) bị cắt đứt hoàn toàn. Ảnh: Đ.N

Mực nước sông suối dâng cao

Những ngày qua, mưa tiếp tục trút xuống địa bàn các huyện miền núivới lưu lượng hơn 100mm khiến nhiều địa phương bị cô lập do lũ. Để chủ động ứng phó trước thiên tai, chính quyền các huyện miền núi đã khẩn trương di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. 

Ông Alăng Phân - Trưởng thôn Bh'lô Bền (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) cho hay, từ chiều tối qua (16.10), mưa lớn khiến hàng chục hộ dân ở tổ Sơn và Bút Tưa (thôn Bh'lô Bền) bị cô lập. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, hư hại. 

Mưa lũ khiến khu dân cư Sơn và Bút Tưa (thôn Bh'lô Bền, xã Sông Kôn) bị cô lập. Ảnh: Đ.N
Khu dân cư Sơn và Bút Tưa (thôn Bh'lô Bền, xã Sông Kôn) bị cô lập do lũ. Ảnh: Đ.N

Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương huy động lực lượng dân quân triển khai công tác túc trực, cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên đi lại vực sông suối, hạn chế vào rừng trong thời điểm mưa lũ nhằm tránh xảy ra sự cố bất ngờ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Hồ Quang Minh, mưa lớn cũng khiến các tuyến đường dân sinh, liên thôn, liên xã sạt lở tại nhiều điểm. Nước lũ dâng cao gây ngập úng, cô lập nhiều khu vực dân cư. Tuyến đường từ An Điềm (xã Đại Hưng, Đại Lộc) đi lên Kà Dăng (Đông Giang) bị sạt lở nghiêm trọng khiến con đường bị cắt đôi, mọi phương tiện không thể qua lại.

Tuyến đường từ An Điềm lên xã Kà Dăng bị cắt đứt hoàn toàn do lũ. Ảnh: Đ.N
Tuyến đường từ An Điềm lên xã Kà Dăng bị cắt đứt hoàn toàn. Ảnh: Đ.N

Còn tại Tây Giang, mưa lũ cũng khiến hàng chục khu dân cư bị chia cắt. Để đảm bảo an toàn, bên cạnh tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương còn di dời, sơ tán khẩn cấp gần 20 ngôi nhà cùng 95 hộ/289 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Hiện, mực nước tại các con sông suối trên địa bàn các huyện miền núi tiếp tục dâng cao. Nhằm chủ động các phương án ứng phó với mưa lũ, chính quyền các địa phương triển khai bố trí lực lượng công an, quân đội, dân quân... túc trực tại các điểm xung yếu về ngập lụt và sạt lở đất, sẵn sàng hỗ trợ ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Một chiếc xe máy dựng ven đường bị sạt lở đất vùi bánh. Ảnh: Đ.N
Một đoạn sạt lở đất tràn mặt đường ngập sâu nửa bánh xe. Ảnh: Đ.N

Thiệt hại nặng nề

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, ngoài vị trí sạt lở cũ trên các tuyến đường Hồ Chí Minh và ĐT606, trên địa bàn huyện tiếp tục ghi nhận thêm nhiều điểm sạt lở mới. Nhiều tuyến đường đi lên các xã vùng cao, biên giới bị cô lập trong thời gian dài khiến công tác cứu trợ chưa thể triển khai.

Trong khi đó, địa phương cũng ghi nhận nhiều trụ điện ngã đổ và tiếp tục có nguy cơ bị ngã đổ. "Hiện nay, ngoài 4 xã biên giới gồm Tr'Hy, A Xan, Ch'Ơm và Ga Ry bị mất điện kéo dài do sự cố mưa lũ, xã Dang cũng chưa thể cấp điện. Vì thế, mọi thông tin liên lạc trong thời điểm này hầu như đều bị cắt đứt" - ông Linh cho biết thêm.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lương chức năng triển khai túc trực, cắm biển cảnh báo tại các điểm sạt lở, sông suối. Ảnh: Đ.N
Lực lượng chức năng túc trực, cắm biển cảnh báo tại các điểm sạt lở, sông suối. Ảnh: Đ.N

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nam Giang, mưa lũ những ngày qua đã khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân hư hại nặng nề; nhiều điểm trường, nhà văn hóa thôn hư hỏng do sạt lở đất; hơn 277ha diện tích lúa, hoa màu và cây lâu năm bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, có khoảng 35 con trâu, bò; 33 con heo, dê, chó và 1.713 con gà, vịt của người dân bị lũ cuốn trôi. Hơn 850m3 khối lượng đất đá bồi lấp các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt; lũ cuốn trôi, gây hư hỏng hơn 4.850m dây ống nước của người dân địa phương.

Hiện mưa lũ cắt đôi nhiều tuyến đường vùng cao. Ảnh: Đ.N
Hiện mưa lũ cắt đôi nhiều tuyến đường vùng cao. Ảnh: Đ.N

"Qua thống kê, đến nay có khoảng 102 điểm sạt lở tại các tuyến đường giao thông với ước tổng khối lượng đất đá gần 67.000m3. Hơn 3ha ao nuôi cá, một số công trình cấp nước sinh hoạt và các tua bin phát điện của người dân bị hư hỏng, cuốn trôi. Ước tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện đến thời điểm này hơn 16,7 tỷ đồng" - ông Chương nói.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Giang vừa họp đột xuất phân công các thành viên xuống cơ sở nắm tình hình mưa lũ. Kiểm tra, rà soát, vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở; không cho nhân dân ra sông suối bắt cá, vớt cây. Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt. Chỉ đạo các trường học tùy thuộc tình hình mưa nếu xét thấy nguy hiểm chủ động thông báo học sinh được nghỉ học. (ĐÌNH HIỆP)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng cao lại chia cắt do lũ, sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO