Vùng cao xoay xở vì thiếu nước

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 31/05/2020 07:38

Tuy được “giải nhiệt” bằng những cơn mưa rải rác trong vài ngày gần đây, nhưng nhiều địa bàn vùng cao vẫn chưa thể qua nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Với những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, cộng với sự suy giảm rõ rệt về nguồn nước, nỗi lo vẫn hiện hữu khi mùa nắng nóng còn kéo dài.

Thiếu nước, nhiều khu tái định cư phải chắt chiu, tiết kiệm. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Thiếu nước, nhiều khu tái định cư phải chắt chiu, tiết kiệm. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

TRONG CƠN KHÔ KHÁT

Nắng nóng, nước ngày càng khan hiếm. Hàng loạt địa phương miền núi trải qua đợt thiếu hụt nước sinh hoạt nghiêm trọng. Không chỉ đời sống bị ảnh hưởng, hoạt động của một số cơ sở, đơn vị cũng bị tác động.

Lao đao vì hạn

Để đưa được nước về đến nhà, nhiều hộ dân ở huyện Nam Giang phải tận dụng từng bình chứa, vượt quãng đường khá dài để lấy nước về dùng. Sông suối khô cạn, những khe nhỏ đầu nguồn cũng đã kiệt nước. Mà không chỉ riêng Nam Giang, hạn cũng trở thành nỗi ám ảnh bao trùm nhiều địa phương miền núi.

Mỗi ngày, ông Zơrâm Liệu, người dân ở thôn 58 (xã Đắc Pre, Nam Giang) phải lặn lội đi gom từng can nước để trữ trong nhà, phục vụ sinh hoạt. Dòng sông Ring gần nhà trở thành nơi tắm giặt của cả thôn, mặc dù nguồn nước đang ngày một ô nhiễm. Chưa bao giờ ông Liệu hình dung chuyện thiếu nước lại trầm trọng như lúc này. Với ông cũng như nhiều người dân ở vùng cao, những năm trước, “nước trời” là không bao giờ cạn. Nhưng, thực tế lại hoàn toàn khác.

“Vài năm trước, sông Ring còn rộng, nước lại sạch, dùng tha hồ. Bà con dẫn nước khe về nhà, để chảy cả ngày lẫn đêm. Bây giờ, muốn có nước dùng, phải dành từng chút một, chủ yếu là để nấu ăn. Khổ lắm!” - ông Liệu bộc bạch.

Dù ông Liệu đã cùng hàng xóm góp tiền mua thêm ống dây dẫn nước từ rừng về nhà, mất nhiều công sức, song nước cũng chỉ nhỏ giọt. Hệ thống nước tự chảy được Nhà nước đầu tư từ các chương trình dự án đã xuống cấp, không phát huy được hiệu quả.

Vừa qua, chính quyền huyện Nam Giang cũng đã chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả của hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, đề xuất phương án khắc phục, cải tạo để có thể giải hạn cho người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh nắng nóng diễn biến phức tạp, việc thiếu nước vẫn đang là nỗi lo hiện hữu.

Ông Avô Tô Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, từ khảo sát thực tế, cho thấy sự xuống cấp của các công trình nước sạch được đầu tư trước đây, cộng với thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước đầu nguồn làm tình trạng khô hạn xuất hiện trên diện rộng. Bên cạnh những giải pháp mà người dân đang vận dụng, chính quyền cũng đã hỗ trợ nước cho một số nơi để tạm thời khắc phục, phần nào giải quyết bớt những khó khăn chung.

Chia sẻ khó khăn

Trước khi có những giải pháp hỗ trợ từ phía chính quyền, người dân vùng cao đã chủ động san sẻ, giúp đỡ cho nhau qua cơn khô khát. Tại thị trấn Prao (Đông Giang), những ngày qua, nguồn nước từ hệ thống bồn chứa gia đình cũng như các đường ống tự chảy trong dân trở thành nguồn cung cấp nước quan trọng. Các nhà nghỉ, khách sạn cho người dân sử dụng chung nguồn nước dự trữ.

Bà Nguyễn Thị Lân, chủ một cơ sở lưu trú ở thôn Ngã Ba (thị trấn Prao) cho biết, do nhà máy nước cắt nước luân phiên, nhiều gia đình đi làm cả ngày, không kịp trữ nên không có nước sử dụng. Gia đình bà Lân đã cho những hộ lân cận sang lấy nước, kéo đường dây dẫn nước về để dùng tạm.

“Do năm nay, lần đầu tiên thiếu nước trầm trọng như vậy nên nhiều gia đình cũng bị động. Bồn chứa trữ được nước từ nhiều ngày trước, trong lúc nhu cầu lưu trú không cao nên gia đình tôi đã quyết định chia sẻ cho hàng xóm, nếu họ có nhu cầu. Hiện nay, các gia đình đã mua sắm thêm dụng cụ tích trữ, tạm thời đã bớt lo” - bà Lân nói.

Thiếu nước cũng ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều đơn vị, nhất là các trung tâm y tế. Tại Tây Giang, Trung tâm Y tế huyện sử dụng nguồn nước từ hệ thống chung, vừa dẫn nước tự chảy và khoan thêm giếng.

“Không thể để hoạt động khám chữa bệnh bị ảnh hưởng, do đó chúng tôi đã sớm tính toán, tìm thêm nguồn nước sinh hoạt bổ sung. Nhờ lo trước một bước nên trong đợt thiếu hụt nước nặng nề nhất vào đầu và giữa tháng 5, trung tâm tạm đủ nước để phục vụ hoạt động. Hiện nay, vẫn còn một số khe suối có thể cung cấp nước, nếu tình hình trở lại nghiêm trọng, sẽ huy động thêm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài, vẫn còn rất nhiều áp lực” - bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang chia sẻ. 

Những cơn mưa dông vài ngày qua như trận “mưa vàng” giúp miền núi tạm qua chuỗi ngày gồng mình trong khô khát. Người dân hân hoan, các hệ thống cấp nước hoạt động trở lại, song không vì thế mà dứt nỗi lo. Thời điểm hiện tại, vùng cao mới bắt đầu vào mùa nắng nóng. Bà con vẫn đang huy động toàn bộ dụng cụ tích trữ nước phòng khi nguy cơ thiếu nước quay trở lại.

CHẬT VẬT TÌM NGUỒN NƯỚC

Miền núi ngày càng ghi nhận nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chưa bao giờ nỗi lo thiếu nước lại ám ảnh như năm nay. Hàng loạt giải pháp cấp thời được triển khai ở các địa phương để giải bài toán thiếu nước sinh hoạt.

Để có nước sử dụng, người dân vùng cao phải vượt quãng đường vài cây số, dùng bình nhựa để trữ nước sinh hoạt. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Để có nước sử dụng, người dân vùng cao phải vượt quãng đường vài cây số, dùng bình nhựa để trữ nước sinh hoạt. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Băng rừng tìm nước

Hơi nóng phả hầm hập khắp sân Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Vương (Tây Giang). Phía sau dãy phòng học, công nhân đang hối hả hoàn thiện công trình bể trữ nước, phục vụ cho 225 học sinh, trong đó có gần một nửa học bán trú. Quanh trường, cũng có khá nhiều bể chứa, bồn nước, song vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu, nhà trường buộc phải xây dựng thêm bể chứa mới với dung tích 12m3.

Thầy giáo Tạ Ngọc Lanh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, những năm trước, chỉ cần một đường ống duy nhất dẫn từ đầu nguồn đã “dư dả” cho việc nấu ăn, sinh hoạt cho cả trường. Nhưng từ 2 năm nay, thầy cô bắt đầu phải đi tìm nước.

“Dạo trước, mỗi lần kiểm tra đường ống là phải lội ướt người, nay thì không còn nữa. Thầy cô nhiều lần băng rừng tìm các khe suối khác để bổ sung, nhưng những nơi này cũng khô cạn. Đợt nắng hạn vừa rồi, trường thực sự khó khăn về nguồn nước, phải nhờ xã vận động người dân chia sẻ nguồn nước tự chảy. Vẫn thiếu, nên phải đào giếng. Cũng may, nhờ mưa dông mấy ngày qua nên tạm thời vượt qua cơn khát” - thầy Lanh cho biết thêm.

Mới đây, thầy trò, phụ huynh Trường THPT Quang Trung (Đông Giang) cũng phải vào rừng tìm kiếm để đưa nước vượt quãng đường hơn 3km về trường. Đường ống nước đang treo lơ lửng trên một sợi cáp kéo ngang dòng A Vương, giải “cơn khát” cho gần 300 học sinh, giáo viên đang ở nội trú. Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung chia sẻ, từ khi nước về, thầy cô giáo mới giải tỏa được nỗi lo khi phải đi “trông giữ” học sinh mỗi chiều.

“Không có nước, học sinh phải xuống sông A Vương tắm giặt. Lo mất an toàn, nhà trường liên tục cử người đi theo, nhắc nhở các em. Mỗi bữa nấu ăn, bộ phận cấp dưỡng xách từng can nước lên nhà bếp để phục vụ, rất khổ. Nhưng khổ nhất, vẫn là chuyện giữ vệ sinh. Trước khi có đường ống nước mới, thầy cô phải “vận hành” hệ thống bơm chữa cháy để lấy nước từ sông A Vương, chỉ để đảm bảo tối thiểu nhu cầu sinh hoạt” - thầy Ngọc nói.

Giải quyết tình thế

Khó đào giếng

Trước tình hình thiếu hụt nghiêm trọng nước sinh hoạt, nhiều đơn vị, địa phương ở miền núi cũng đã tính toán, lên phương án đào, khoan giếng để lấy nước ngầm. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Chi phí cho việc đào, khoan giếng nước ở miền núi là khá lớn, trong khi việc khảo sát, tìm kiếm địa điểm cũng gặp không ít khó khăn. Một số nơi, khi triển khai đào, khoan giếng thì gặp trở ngại, do địa chất nhiều đá núi, mạch nước ngầm suy giảm, không đủ cung cấp. Phương án phổ biến nhất vẫn là tìm khe suối đầu nguồn, sau đó dẫn nước về bằng đường ống tự chảy. Người dân cho biết, cái khó là đường ống thường xuyên bị tắc nghẽn sau mỗi trận mưa, chưa kể ống bị vỡ, bồi lấp, cuốn trôi…

Câu chuyện thiếu nước sinh hoạt còn hiện hữu ở nhiều nơi khác. Ông Nguyễn Chí Sâm - Chủ tịch UBND xã Phước Xuân (Phước Sơn) nói, nắng hạn kéo dài, nhiều khu dân cư bắt đầu khốn khó do thiếu nước sinh hoạt. Hệ thống nước tự chảy qua nhiều năm bị hư hại, chưa kể nguồn nước cũng suy giảm, người dân buộc phải dè sẻn, tích trữ nước để dùng. Có nơi, như thôn Lao Đu, chỉ còn một đường ống, nước chảy khá yếu, là nguồn cung cấp cho gần 100 hộ gia đình.

Trước những áp lực, hàng loạt giải pháp mang tính cấp bách đã được vận dụng. Chính quyền các địa phương một mặt vận động người dân nạo vét nguồn nước, sửa chữa đường ống dẫn, mặt khác kêu gọi người dân có ý thức tiết kiệm nước để sử dụng. Thầy giáo Tạ Ngọc Lanh nói, lâu nay, bà con dùng nước tự chảy không phải trả tiền, nước cũng dồi dào nên thường xả nước chảy cả ngày lẫn đêm. Học sinh cũng theo thói quen cố hữu, chưa biết tiết kiệm.

“Đến việc nhỏ nhất như rửa tay xong thì khóa vòi nước, thầy cô cũng phải nhắc nhở từng em. Nhà trường vận động, dặn dò các em, đồng thời tuyên truyền phụ huynh các em chung tay tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước” - thầy Lanh tâm sự.

Cũng trong đợt nắng nóng này, người dân vùng cao lần đầu tiên “trải nghiệm” việc phải canh giờ để trữ nước sinh hoạt, do cắt nước luân phiên. Thị trấn Prao (Đông Giang), chính quyền địa phương buộc phải ra thông báo điều tiết, cắt nước theo giờ do nhà máy nước không đủ cung ứng. Ông Huỳnh Văn Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Prao nói, nước đầu nguồn suối Chờ Ke phục vụ cho nhà máy nước thị trấn bị cạn kiệt nên không đủ cung cấp cho toàn địa bàn trong cùng thời gian. Chính quyền đã vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và bố trí bồn, bể chứa nước dự trữ.

“Nhờ việc này mà bà con thay đổi thói quen, biết sử dụng nước hợp lý hơn. Hầu hết gia đình đều tự trang bị vật dụng trữ nước. Chúng tôi cũng đang tính toán để tìm nguồn kinh phí tổ chức nạo vét, mở rộng hồ chứa, bổ sung nguồn nước cho nhà máy, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trước tình hình chung, người dân cũng chủ động trữ nước mưa, tự tìm nguồn nước dẫn về” - ông Tân thông tin.

GIẢI “BÀI TOÁN KHÓ”

Các địa phương bắt đầu tính chuyện lâu dài để “sống chung” với nguy cơ thiếu nước. Không dừng lại ở giải pháp công trình, câu chuyện bảo tồn nguồn nước cũng là điều buộc phải tính toán.

Nâng cao nhận thức

Thống kê của huyện Đông Giang cho thấy, chỉ có 60% trong tổng số các công trình nước tự chảy trên địa bàn còn duy trì được công năng sử dụng. Trước đó, một nguồn lực khá lớn đã được đầu tư cho các công trình cấp nước, tuy nhiên câu chuyện quản lý và nâng cấp là cái khó chung. Ngoài ra, việc suy kiệt nguồn cung cấp nước khiến nhiều công trình không thể tái sử dụng. Phương án dài hơi được đề cập là… tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để đầu tư, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng và bài bản hơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho biết, một số dự án cấp nước sinh hoạt đã bắt đầu được triển khai tại các xã. “Theo ghi nhận, khoảng 3 năm trở lại đây, mùa khô hạn ở Đông Giang kéo dài hơn, quá ít mưa. Giải pháp lâu dài là phải đầu tư bài bản cho mỗi xã một công trình nước sinh hoạt, vừa đảm bảo đủ công suất, vừa có hệ thống lọc nước. Trong giai đoạn 2020 - 2025, địa phương cũng đưa vào phân kỳ đầu tư các công trình nước sạch ở các xã còn gặp khó như Kà Dăng, Sông Kôn, Jơ Ngây..., từng bước hoàn thiện, khắc phục những tồn tại” - ông Minh nhận định.

Trong khi đó, Tây Giang cũng đang đề xuất chủ trương xây dựng nhà máy nước, đảm bảo cung ứng cho khu vực trung tâm huyện lỵ. Những ngày qua, huyện này đã cho nạo vét, dẫn nước từ suối Tr’lêê, cách nhà máy hơn 8km. Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, việc dẫn nước là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần phải có nhà máy nước mới giải quyết được nhu cầu của người dân. “Huyện đã đề xuất tỉnh về chủ trương lập dự án xây dựng nhà máy nước. Trước mắt, ngoài những giải pháp cấp bách đã triển khai, chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền người dân chung tay bảo vệ nguồn nước, cũng như nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong cộng đồng” - ông Linh nói.

Đầu tư lồng ghép

Đông đảo cử tri Tăk Pỏ (xã Trà Mai, Nam Trà My) suốt nhiều năm đã kiến nghị nhưng câu chuyện thiếu nước sinh hoạt mới được gỡ khi công trình cung cấp nước cho nơi này được đưa vào sử dụng năm 2015. Trước đó, mỗi cơ quan, đơn vị lẫn… nhà dân, mạnh ai nấy sắm một đường ống, kéo khắp các ngã đường để đưa nước từ khe suối về. Nỗi khốn khổ vì nước thiếu do đường ống bị vỡ, chảy phập phù, bị phá hoại đã giảm, song với tốc độ phát triển của trung tâm huyện lỵ, công trình nước sinh hoạt này chưa thể giải quyết triệt để bài toán thiếu nước.

Ông Châu Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho hay, đến nay chỉ còn nóc Tăk Chươm (thôn 2) gặp khó do hệ thống nước tự chảy chưa đảm bảo. “Nhà máy nước đi vào hoạt động đã cơ bản đảm bảo nước cho nhu cầu của đại đa số người dân và các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn xã. Thời gian qua, gắn với chủ trương di dời sắp xếp dân cư, xã cũng đã tranh thủ các nguồn lực để xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân một cách đồng bộ, bài bản. Điển hình là nóc Loong Póc (thôn 3), sau khi sắp xếp dân cư tại chỗ, Nhà nước đã đầu tư hệ thống nước sinh hoạt, đảm bảo cho nhu cầu của người dân” - ông Nghĩa cho hay.

Đề cập nguyên nhân sâu xa của tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở miền núi, ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, trước đây, người dân địa phương sống phân tán, địa hình phức tạp, khó cho việc đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt.

“Dù vậy, với hàng loạt chương trình, chính sách, chính quyền đã rất nỗ lực trong việc xây dựng các bể nước tự chảy cấp nước cho dân. Nhưng do khâu quản lý, bảo trì, tu sửa gặp khó, cộng thêm việc di dân khiến cho hiệu quả của các công trình này chưa được phát huy đúng mức. Hiện nay, bằng chủ trương sắp xếp, bố trí dân cư theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, chúng tôi đã từng bước đồng bộ hóa hạ tầng, trong đó chú trọng đến nguồn nước sinh hoạt, kết hợp vận động nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân để công trình mang tính bền vững hơn” - ông Phước nhấn mạnh.

GIỮ RỪNG ĐỂ GIỮ NGUỒN NƯỚC

Dù chưa có đánh giá chính thức, song nhiều ý kiến nhận định việc mở rộng diện tích rừng sản xuất tác động rõ rệt đến nguồn nước, có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng trong những năm gần đây. Vì thế, bảo vệ rừng được xem là giải pháp phi công trình nhưng đem lại hiệu quả lâu dài.

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, diện tích cây keo hiện nay trên toàn huyện lên đến 17 nghìn hecta. Rừng sản xuất ngày càng mở rộng, có xu hướng xâm lấn một số khu vực đầu nguồn, trong khi cây keo là cây trồng ngắn hạn nên không giữ được nước. Thực trạng này đang đặt ra yêu cầu phải bảo vệ nghiêm ngặt hơn rừng đầu nguồn, đồng thời có hướng xoay chuyển từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho hay, một số xã biên giới dù cũng trải qua nắng nóng gay gắt, nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước từ các khe suối. Điều này cho thấy vai trò cực kỳ quan trọng của việc giữ rừng tự nhiên. “Huyện Tây Giang chỉ có một diện tích nhỏ ở các xã vùng thấp canh tác keo, còn lại chúng tôi không khuyến khích người dân mở rộng, nhất là khu vực đầu nguồn, rừng phòng hộ, biên giới. Đồng bào Cơ Tu có truyền thống giữ rừng, sống dựa vào rừng, cũng là một lợi thế lớn trong việc tuyên truyền vận động. Việc này góp phần đặc biệt quan trọng để giữ được nguồn nước trong cộng đồng, đặt vào bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường” - ông Linh nói.

Song song với việc hạn chế mở rộng rừng sản xuất, các địa phương miền núi bắt đầu áp dụng những giải pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế tác động vào rừng tự nhiên. Trong đó, có việc nghiêm cấm người dân đốt nương ở rừng đầu nguồn, đồng thời khuyến khích chuyển đổi trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng các mô hình kinh tế bền vững, phù hợp với điều kiện canh tác gắn với giữ rừng. Đây cũng là bài học cần được nhân rộng cho miền núi trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng cao xoay xở vì thiếu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO