Xâm hại trẻ em: S.O.S

DIỄM LỆ 22/10/2019 09:51

Thực trạng xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây nên những bức xúc trong dư luận xã hội, tác động nguy hiểm đến sự phát triển của trẻ em. Trước tình hình đó, chương trình giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em” sẽ là chuyên đề giám sát cấp cao của Quốc hội trong năm 2020. Và năm 2019 này, 63 tỉnh thành phải thực hiện giám sát để báo cáo Quốc hội, trong đó có Quảng Nam. Bảo vệ quyền trẻ em là điều hết sức cần kíp, đảm bảo cho trẻ em một môi trường sống lành mạnh.

Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em rất cần thiết. Ảnh: D.L
Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em rất cần thiết. Ảnh: D.L

NHỮNG VỤ ÁN CHẤN ĐỘNG

Có những vụ án đã bị khởi tố, cơ quan tố tụng đã đưa kẻ phạm tội ra trước vành móng ngựa để thực thi công lý. Nhưng dư âm của những vụ án đó vẫn âm ỉ, đặt ra câu hỏi nhức nhối về sự suy đồi đạo đức xã hội, sự quan tâm của gia đình đối với trẻ em và việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ...

Đối tượng thân quen

Trong những vụ án đã được TAND tỉnh đưa ra xét xử, có một điểm chung: đối tượng phạm tội phần lớn là người quen, thân với nạn nhân. Lợi dụng mối quan hệ thầy - trò, đối tượng Nguyễn Quang Chung đã phạm tội hiếp dâm, dâm ô nhiều học sinh ở Thạnh Mỹ (Nam Giang). Theo bản án, từ năm 2015 đến tháng 3.2016, Chung công tác tại một trường tiểu học tại Thạnh Mỹ, với công việc chuyên môn là Tổng phụ trách Đội. Trong thời gian này, lợi dụng sự ngây thơ của học sinh, Chung đã nhiều lần gọi học sinh lớp 1 và lớp 3 vào phòng làm việc để thực hiện hành vi hiếp dâm và dâm ô.

Cơ quan điều tra đã phát hiện trong máy tính cá nhân của Chung nhiều đường link, trang web khiêu dâm, kích dục. Dù Chung không nhận tội nhưng qua chứng cứ thu thập được, cơ quan tố tụng đã truy tố và đưa vụ án ra xét xử. Tháng 11.2018, tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh tuyên phạt Chung 24 năm tù về 2 tội danh trên. Chung làm đơn kháng cáo kêu oan và phủ nhận tội danh. Tại phiên xử phúc thẩm vào ngày 8.4.2019, TAND cấp cao tại TP.Đà Nẵng tuyên phạt Chung mức án chung thân về tội hiếp dâm trẻ em và dâm ô trẻ em -  mức án cao hơn so với phiên sơ thẩm, trừng trị thích đáng hành vi đồi bại do Chung gây ra.

Truyền thông rộng rãi tại cộng đồng, cho trẻ em và phụ huynh hiểu và cùng ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em đang được thực hiện. Ảnh: D.L
Truyền thông rộng rãi tại cộng đồng, cho trẻ em và phụ huynh hiểu và cùng ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em đang được thực hiện. Ảnh: D.L

Một vụ án khác, ở vị trí là cha dượng, ông Đặng Văn Huệ (Hà Nội, tạm trú xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) đã nhiều lần hiếp dâm con riêng (7 tuổi) của vợ. Vụ việc chỉ bị phát giác khi bà nội của cháu bé phát hiện cháu thường xuyên ốm, xanh xao, sợ hãi. Bà gặng hỏi, cháu bé mới kể ra và bà đã tố cáo hành vi của ông Huệ đến công an huyện Núi Thành.

Kết quả điều tra cho thấy, người mẹ đi làm công nhân, thường xuyên vắng nhà nên cháu ở với cha dượng. Người cha dượng đã thực hiện hành vi hiếp dâm cháu nhiều lần, và đe dọa cháu bé nên cháu sợ sệt, không dám kể với bất kỳ ai. Qua đấu tranh, ông Huệ khai nhận từ cuối năm 2016 đến khi bị bắt đã 4 lần hiếp dâm cháu bé. Đến ngày 21.8.2017, ông Huệ đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam về hành vi hiếp dâm trẻ em. Và tại phiên tòa ngày 24.8.2018, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Huệ tù chung thân vì tội hiếp dâm trẻ em.

Thực trạng phức tạp

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Thiện - Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh, các bị cáo bị xét xử hành vi xâm hại trẻ em thuộc nhiều nhóm đối tượng và độ tuổi khác nhau, tập trung chủ yếu từ 17 - 40 tuổi, ngoài ra còn có nhiều vụ đối tượng hơn 50 tuổi, cá biệt có vụ đối tượng hơn 70 tuổi. Về nghề nghiệp, chủ yếu là lao động tự do hoặc không có nghề nghiệp, nghề không ổn định, lười lao động, ham mê rượu chè, có lối sống lệch chuẩn, bệnh hoạn, biến thái. Đối tượng xâm hại trẻ em thường là người thân, quen với nạn nhân. Một số đối tượng lợi dụng nghề nghiệp để xâm hại trẻ em như giáo viên, nhân viên y tế, người nuôi dưỡng trẻ... Tội phạm thực hiện xâm hại trẻ em với nhiều hành vi khác nhau, như hiếp dâm, dâm ô, giao cấu với trẻ em, cố ý gây thương tích. Phương thức, thủ đoạn xâm hại của đối tượng đối với trẻ em tương tự nhau, đầu tiên là nhắm vào trẻ em, tiếp cận và xây dựng niềm tin khiến trẻ em không có sự nghi ngờ, cảnh giác, thuyết phục trẻ giữ lời hứa hoặc đe dọa, ép buộc trẻ không tiết lộ sự việc, dần dần các đối tượng sẽ thực hiện hành vi xâm hại. Vụ việc hầu như xảy ra ở khu vực miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với hành vi xâm hại liều lĩnh và nguy hiểm cho xã hội.

Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, hành vi xâm hại trẻ em rất phức tạp, ngày càng tinh vi và gia tăng. Theo thống kê của Công an tỉnh từ ngày 1.1.2015 đến tháng 6.2019 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 88 vụ phạm tội xâm hại trẻ em, có 90 đối tượng phạm tội và 107 trẻ em bị xâm hại. Trong đó có 32 vụ hiếp dâm trẻ em, 26 vụ giao cấu trẻ em, 18 vụ dâm ô trẻ em, 2 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ giết trẻ em và hành vi khác 9 vụ. Trung bình hàng năm xảy ra hơn 20 vụ, 24 trẻ em bị xâm hại, thấp hơn nhiều so với các tỉnh thành khác trong toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ông Dũng thì đó chỉ là số vụ việc bị phát hiện, điều tra, xử lý; trên thực tế có thể cao hơn bởi còn những vụ khác vì nhiều nguyên nhân khiến gia đình nạn nhân thỏa hiệp, âm thầm chịu đựng, không tố cáo với cơ quan chức năng. Từ đó cho thấy tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có thể trở thành một trong những vấn đề nhức nhối đối với công tác bảo vệ trẻ em cũng như đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

TỔN HẠI NẶNG NỀ

Xâm hại trẻ em gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, tác động xấu đến sự phát triển của trẻ. Không chỉ gây đau đớn, thương tật về thể xác, nó còn gây tổn hại nặng nề đến tinh thần của trẻ.

Trẻ em bị xâm hại thường sợ sệt, không dám tố cáo nếu không có gia đình ở bên can thiệp, động viên. Ảnh: D.L
Trẻ em bị xâm hại thường sợ sệt, không dám tố cáo nếu không có gia đình ở bên can thiệp, động viên. Ảnh: D.L

Ảnh hưởng lâu dài

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây ra tổn thương cho các em về thân thể, mà trẻ em phải chịu đựng những tổn thương về tinh thần rất nặng nề. Đặc biệt kẻ xâm hại trẻ em là người quen, thân, bố dượng, thậm chí có trường hợp mang tính chất loạn luân vì là người cùng huyết thống, gây ảnh hưởng suốt đời đứa trẻ, thậm chí làm các em bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, khiến các em hoàn toàn mất niềm tin vào chính gia đình mình, vào nhà trường, vào xã hội. “Thực tế thì từ 2010 đến nay, xâm hại tình dục đã khiến 2 trẻ bị tử vong, 36 trẻ bị rối loạn tâm thần, 440 trẻ bị tác động khác về thể chất lẫn tinh thần. Theo tôi, loại tội phạm này cần phải bị trừng trị thích đáng, bị lên án, và xã hội phải vào cuộc để tố giác hành vi này, nhất là các bậc làm cha làm mẹ không nên thỏa hiệp, không vì sợ ảnh hưởng mà dung túng cho hành vi nguy hiểm này, ảnh hưởng vô cùng xấu tới trẻ em và tới xã hội”.

Làm sao để trẻ em được bảo vệ, trước mắt phải là sự vào cuộc của các bậc cha mẹ, của gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Tĩnh - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh nhận định, số vụ và số trẻ bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục cho thấy tình trạng rất nghiêm trọng, có nhiều vụ xảy ra trong thời gian dài mới phát hiện, nạn nhân có những em còn rất nhỏ, thậm chí có trẻ bị khuyết tật thiểu năng trí tuệ. Điều này gióng lên hồi chuông báo động toàn xã hội, nhất là trong thời đại công nghệ số, có những mặt trái của internet và sự suy thoái về đạo đức xã hội, lối sống thiên về giá trị ảo như hiện nay khiến loại tội phạm xâm hại trẻ em sẽ phức tạp hơn nhiều.

Cảnh báo toàn xã hội

Để cảnh báo cho xã hội về những hành vi xâm hại trẻ em, Công an tỉnh đã chỉ rõ những phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em của đối tượng xấu. Qua các vụ án mà Công an tỉnh đã điều tra, cho thấy một số thủ đoạn mang tính phổ biến. Đối tượng lợi dụng tâm lý trẻ em thích đồ chơi, thích được cho tiền mua quà bánh nên tìm cách gạ gẫm, mua chuộc hoặc hứa hẹn hấp dẫn để rủ rê trẻ em đi cùng đến một địa điểm đã chọn sẵn rồi thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em. Sau đó, đối tượng lợi dụng sự lệ thuộc, sợ hãi của nạn nhân để đe dọa, cưỡng bức, dụ dỗ nạn nhân khiến họ không dám chống cự khi bị giao cấu trái ý muốn.

Nghiêm trọng và đê tiện hơn, đối tượng lợi dụng cả việc nạn nhân bị khiếm khuyết về trí tuệ, không có khả năng chống cự để thực hiện hành vi đồi bại. Gia đình lỏng lẻo trong quản lý con cái, nạn nhân có lòng tin với người thân, quen cũng là điểm yếu để các đối tượng xấu lạm dụng. Thậm chí khi trẻ kể lại vụ việc, có gia đình vì sợ xấu hổ, mặc cảm nên không dám tố cáo, kẻ xấu lợi dụng điều này để mua chuộc hoặc đe dọa.

Theo Viện KSND tỉnh, những vụ án xâm hại trẻ em thường không được phát hiện kịp thời, có một số trường hợp sau khi bị xâm hại tình dục một thời gian dài mới tố cáo nên việc thu nhập, đánh giá chứng cứ rất khó khăn. Phần lớn các vụ án bị can đều chối tội, không khai nhận chính xác hành vi phạm tội... dẫn đến việc xét xử dựa trên chứng cứ gián tiếp gặp khó. Do vậy, một số vụ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm chưa thống nhất trong việc đánh giá chứng cứ và xác định tội danh của người thực hiện hành vi phạm tội. Chính vì thế, để loại tội phạm này bị trừng trị đúng người đúng tội, hành động tố cáo kịp thời của gia đình nạn nhân là hết sức cần thiết. Các bậc cha mẹ, người thân của trẻ em cũng cần trở thành những người bạn của trẻ em, để trẻ em dám kể mọi chuyện với gia đình, đề phòng trường hợp các cháu bị dụ dỗ hoặc đe dọa từ kẻ xâm hại.

CẦN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ

Việc xử lý các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn từ nhiều phía. Chính vì thế, việc xét xử loại tội phạm này vẫn còn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc hoàn thiện khung pháp lý là điều hết sức cần, nhằm bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện giám sát tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: D.L
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện giám sát tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Ảnh: D.L

Những bất cập    

Ông Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng: “Các vụ án xâm hại trẻ em trên địa bàn Quảng Nam hầu hết là xâm hại tình dục. Hiện nay, có một bất cập trong thống kê báo cáo là các ngành chưa áp dụng tiêu chí thống kê người bị hại là người chưa thành niên, nên con số báo cáo dễ bị lệch giữa các cơ quan tố tụng. Ngành công an chủ yếu báo cáo về số liệu thụ lý giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Trong khi đó, công tác phòng ngừa, theo dõi địa bàn vẫn chưa có vụ nào được phát hiện nên vụ án chỉ thể hiện qua hoạt động của cơ quan điều tra. Tình hình xâm hại trẻ em theo Điều 4 của Luật Trẻ em khá rộng, nên cần bổ sung thêm một số mảng ngoài mảng cơ quan điều tra”.

Ông Dũng cho biết thêm, ở Quảng Nam, các cơ quan tố tụng xử lý các hành vi phạm tội đối với trẻ em rất nghiêm. Một vài vụ có quan điểm khác nhau, cũng do quy định của pháp luật như giữa “hiếp dâm” hay “dâm ô” chưa quy định rõ ràng. Quy định này đã đặt ra, và Tòa án tối cao cũng đang nghiên cứu một nghị quyết rõ ràng về tội danh này. Việc xử lý có vụ kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Đây là loại án đặc biệt nghiêm trọng, đưa bị can vào vòng tố tụng thì kết án 20 năm, chung thân hoặc tử hình, nên phải hết sức thận trọng. Cái khó của các vụ hiếp dâm trẻ em là thường sau một thời gian trẻ em mới kể lại, rồi mới tố cáo thì không còn kịp thời, cơ quan điều tra không thể tìm được chứng cứ. Lời khai của trẻ em nhiều khi không trùng khớp nhau, gây khó khăn cho điều tra. Đối tượng phạm tội này thường chối tội, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng. Ông Dũng khuyến nghị trong điều tra, cơ quan chức năng cần làm hết trách nhiệm, nhưng các đơn vị khác cũng cần vào cuộc, giúp cơ quan điều tra, tố tụng thực hiện tốt chức năng của mỗi đơn vị.

Ông Nguyễn Ngọc Tĩnh - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng một số tội danh trong Bộ luật Hình sự quy định chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi cần xử lý, cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng xem thường pháp luật. Ông Tĩnh dẫn chứng: “Ví dụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu Khoản 2 thì chỉ phạt tù cao nhất đến 20 năm, vì vậy nếu cha hiếp con mà trẻ từ 10 tuổi trở lên thì không thể áp dụng hình phạt tử hình hoặc chung thân, điều này tạo ra dư luận xã hội không đồng tình, vì hành vi phạm tội mất hết nhân tính. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 đã cụ thể hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Trong Bộ luật Hình sự 2015 có quy định “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, đây là quy định phù hợp. Nhưng hiện nay lại chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”, vì vậy để hiểu đúng cụm từ này cần được hướng dẫn sớm, nếu không sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan tố tụng khi xác định hành vi xâm hại, rõ ràng sẽ tránh bỏ lọt tội phạm.

Cần cả xã hội vào cuộc

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em đã được Công an tỉnh thực hiện nhiều đợt. Nâng cao ý thức phòng ngừa tội phạm cho người dân luôn là phương thức đầu tiên của các cơ quan, nhằm ngăn chặn từ đầu các hành vi phạm tội. Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ cũng được Công an tỉnh cũng như Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị thực hiện thường xuyên, như nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em cho các bậc cha mẹ, cho người dân; nắm tình hình tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em, tình hình gia đình các trẻ em có bố mẹ ly hôn, phạm tội, đang mắc bệnh hiểm nghèo...; quản lý chặt chẽ các loại tội phạm có khả năng, điều kiện phạm tội xâm hại trẻ em, đối tượng có tiền án, tiền sự về tội xâm hại trẻ em để chủ động có kế hoạch ngăn ngừa, ngăn chặn các vụ việc có thể xảy ra.

Đặc biệt trong môi trường mạng, tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp khi những kẻ cố tình muốn xâm hại trẻ em kết bạn, rủ rê qua zalo, facebook... nên cán bộ nghiệp vụ cũng phải được đào tạo thường xuyên để nâng cao nghiệp vụ. Điều tra thân thiện với trẻ em cũng là một biện pháp nghiệp vụ cần thiết được bồi dưỡng cho cán bộ tham gia quá trình tố tụng các vụ án liên quan đến trẻ em. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật để phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em cần phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương.

Viện KSND tỉnh đã kiến nghị các cơ quan chức năng Trung ương cần có những quy định cụ thể để bảo đảm quyền hạn pháp lý khi thực hiện can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi, cơ nhỡ, khuyết tật. Cần có những quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cấp, đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vị xâm hại trẻ em và phối hợp điều tra về hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt những quy định trong Bộ luật Hình sự cần được hướng dẫn cụ thể để tránh lọt tội phạm, bảo vệ trẻ em tốt hơn trong bối cảnh như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xâm hại trẻ em: S.O.S
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO