Xây “bệnh viện” cho chim yến

HOÀNG LIÊN 07/10/2020 08:56

Để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn, phát triển đàn chim yến đảo Cù Lao Chàm, Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm (Hội An) đã nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cứu hộ chim non rơi khỏi tổ và phát triển bền vững đàn yến.

Yến sào Cù Lao Chàm được xem là “vàng trắng” của xứ Quảng. Ảnh: T.N
Yến sào Cù Lao Chàm được xem là “vàng trắng” của xứ Quảng. Ảnh: T.N

Làm rõ tác nhân suy giảm đàn

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là nơi tập trung phần lớn các đàn chim yến tự nhiên với 223 hang yến đảo tự nhiên. Sau tỉnh Khánh Hòa, đảo Cù Lao Chàm là khu vực thứ hai có đàn yến đảo và số lượng tổ yến khai thác mỗi năm lớn. Yến đảo Cù Lao Chàm có hàng trăm nghìn con, phân bố tại 10 hang thuộc 3 đảo. Trong đó, đảo Hòn Khô có hang Khô, Mỏ Đùng; đảo Hòn Lao có hang Tò Vò, hang Trăn, hang Cả, hang Mũi Dứa; đảo Hòn Tai có hang Cạn, hang Bắc Cầu, hang Xanh Rêu, hang Kỳ Trâu. Nguồn lợi từ khai thác yến sào mỗi năm đem lại cho ngân sách TP.Hội An từ 60 - 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, đàn yến đảo suy giảm nghiêm trọng về số lượng, tăng trưởng chậm, chất lượng tổ yến liên tục suy giảm, hiện tượng rơi tổ và rơi chim non khỏi tổ trong mùa sinh sản ngày càng cao.

Kỹ sư Huỳnh Ty (Ban Quản lý và khai thác Yến Cù Lao Chàm) - chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo tại Cù Lao Chàm” cho biết, chính yếu tố biến đổi khí hậu, nạn săn bắt chim yến làm thực phẩm, tình trạng nở rộ nhà dẫn dụ yến là tác nhân khiến đàn yến đảo suy giảm số lượng, chủng loài. Nguyên nhân quan trọng nữa là do cấu trúc hang yến. Chim yến thường chọn những hang cách biệt, hẹp, trơ trọi, nơi đầu sóng gió, nhất là tại các hang có đáy ngập nước biển... như đặc tính sinh tồn loài, lại hạn chế thiên địch. Cấu trúc hang ảnh hưởng tới các nhân tố khác như: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và nếu các yếu tố này không đảm bảo cũng ảnh hưởng lớn tới sự sinh sôi, phát triển tổng đàn. Việc khai thác yến mỗi năm 2 vụ và xác định thời điểm khai thác hợp lý, đảm bảo khai thác khi chim non đã rời tổ cũng là yếu tố quan trọng làm tổng đàn giảm hay tăng mỗi năm. Chưa kể do yếu tố cạnh tranh sinh tồn, các yếu tố ngoại cảnh, thiên địch, đặc biệt tình trạng chim non rơi khỏi tổ là nguyên nhân quan trọng khiến tổng đàn suy giảm.

Cứu hộ chim non

Kỹ sư Huỳnh Ty - Ban Quản lý và khai thác Yến Cù Lao Chàm cho rằng: “Quá trình nghiên cứu, nhóm phát hiện số lượng trứng chim yến thu được hoặc bỏ đi ở lần khai thác tổ yến đợt 1 ở 2 tại khu vực hang Khô, Tò Vò, hang Cả lên đến trên 32.500 trứng. Nếu số trứng đó được ấp nở và bảo vệ, chăm sóc tốt, chim non mới nở, sẽ bổ sung vào đàn yến một lượng cá thể mới. Từ ngày 25.6.2019 - 6.7.2019, nhóm cũng thu được 569 chim non rơi khỏi tổ. Cùng với việc triển khai giải pháp kỹ thuật làm mái che, đập chắn sóng, di đàn đến hang mới... thì giải pháp cứu hộ chim non rơi tổ, nuôi dưỡng chim non đến khi hòa nhập với đàn là vô cùng cấp thiết”.

Theo Kỹ sư Huỳnh Ty, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều giải pháp tác động để hạn chế hiện tượng rơi trứng, rơi tổ và rơi chim non như làm mái che, đập chắn sóng, di đàn đến hang mới, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho đàn yến sinh sôi, nảy nở. Nhóm nghiên cứu lắp đặt 3 hệ thống camera tại hang Khô, hang Tò Vò và khu vực nhà nuôi yến con; xây dựng hệ thống đo nhiệt ẩm đặt tại hang Khô, hang Tò Vò và nhà nuôi chim; trang bị lưới mờ, vợt thu mẫu chim yến trưởng thành, lồng nhốt chim, dụng cụ chăm sóc chim non là tổ giả, máy phun sương, đèn hồng ngoại, quạt gió, thiết bị gắp cho ăn...

Điểm mới của đề tài là nhóm nghiên cứu xây dựng một “bệnh viện” cứu hộ cho chim non rơi tổ tại hang Mũi Dứa (Hòn Lao). “Năm 2017, Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm đã triển khai quy trình cứu hộ chim non. Đợt này, nhóm đã thu tổng cộng 569 chim non rơi tổ tại 3 hang (Khô, Cả, Tò Vò) và lựa chọn 450 chim non đảm bảo điều kiện để đem về hang Mũi Dứa nuôi thí nghiệm, chăm sóc. Chúng tôi cũng đã thử nghiệm, tìm công thức cho ăn phù hợp, chủ yếu là trứng kiến vàng, bột tổng hợp, côn trùng được pha chế theo tỷ lệ phù hợp... Xây dựng nhà nuôi chim non với tường xây gạch, đổ sàn bê tông, trang bị hồ nước làm mát, có hệ thống cửa thông thoáng, có hệ thống tổ giả để nuôi chim non. Xây dựng nhà lưới hỗ trợ chim non tập bay, nhân nuôi côn trùng như ruồi giấm, ruồi lính đen, mọt bột để tạo thức ăn cho chim non” - kỹ sư Huỳnh Ty nói.

Thành công của đề tài nghiên cứu đã đóng góp lớn vào sự phát triển của đàn yến đảo Cù Lao Chàm, nhất là xây dựng quy trình cứu hộ chim yến non rơi tổ với các công đoạn: tiếp nhận chim rơi, sơ cứu chim, phân loại chim theo ngày tuổi, vận chuyển chim về địa điểm nuôi, kiểm tra và loại chim yếu, chim dị tật, nuôi dưỡng chim, tập bay trong nhà lưới, thả chim bay theo đàn… Quy trình cứu hộ chim non 1 - 14 ngày tuổi và quy trình chăm sóc chim non đạt 15 - 30 ngày tuổi, 31 - 42 ngày tuổi. Chim sau 45 ngày tuổi được chuyển qua nhà lưới tập bay giúp chim con thích nghi với môi trường sống tự nhiên. Chim non cứu hộ khi đủ tháng đủ ngày sẽ được thả ra để tiếp cận ngay với đàn chim tự nhiên vào buổi chiều tối, khi đàn về hang và chim sẽ bay theo đàn tự đi kiếm ăn sáng hôm sau...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây “bệnh viện” cho chim yến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO