Mọi quyết sách đều xuất phát từ lợi ích của Nhân dân

TIỂU BAN VĂN KIỆN 06/08/2020 04:53

Nâng cao chất lượng đời sống vật chất tinh thần của nhân dân là mục tiêu xuyên suốt, chi phối toàn bộ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, được thể hiện rõ nét trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII sắp tới (dự thảo lần thứ 5). Tinh thần chung của văn kiện này khẳng định, mọi quyết sách trong thời gian tới đều phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân và phục vụ Nhân dân.

Quảng Nam sẽ phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Quảng Nam sẽ phát huy thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Dự thảo Báo cáo chính trị (lần thứ 5, sau đây gọi tắt là Dự thảo), đã được đưa ra lấy ý kiến góp ý tại đại hội đại biểu các đảng bộ cấp trên cơ sở. Qua nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ, đảng viên, các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, cán bộ hưu trí và các tầng lớp nhân dân, bản Dự thảo lần này được xây dựng cơ bản cô đọng, chặt chẽ, súc tích, bảo đảm tính cân đối giữa nội dung đánh kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới. Đáng chú ý, Dự thảo có nhiều luận điểm mới, quan trọng thể hiện tư duy, tầm nhìn, khát vọng phát triển của Quảng Nam trong chặng đường kế tiếp.

Tư duy và tầm nhìn mới

Giai đoạn 2015 - 2020, tăng trưởng kinh tế của Quảng Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, theo nhận định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành trong nước, tiềm năng và cơ hội phát triển của Quảng Nam vẫn còn rất lớn, nếu tận dụng tốt, sẽ có nhiều cơ hội bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ. Vì lẽ đó, Dự thảo đặt mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực và là động lực kết nối phát triển của cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Từ mục tiêu trên, Dự thảo đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, có tầm chiến lược không chỉ trong kế hoạch 5 năm mà xuyên suốt trong cả giai đoạn 10 năm tới và có thể còn xa hơn. Có rất nhiều luận điểm phát triển mới trên hầu khắp lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, quản lý phát triển xã hội và nguồn nhân lực. Đặc biệt, sau hơn 23 năm tái lập tỉnh (1997 đến nay), định hướng cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn mới đã có sự dịch chuyển; thay đổi ưu tiên phát triển công nghiệp – dịch vụ,  thành phát triển song song công nghiệp và dịch vụ, lấy dịch vụ - du lịch làm mũi nhọn và đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ - công nghiệp xây dựng - nông nghiệp. Đây là điểm mới, rất quan trọng, chi phối toàn bộ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, vùng miền. Minh chứng rõ nét và cụ thể là những điều chỉnh về tư duy phát triển trong cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế, cơ cấu vùng, quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược. Tiêu biểu như: ưu tiên phát triển các dịch vụ viễn thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, hàng không, cảng biển - logistics, khoa học - công nghệ, y tế - chăm sóc sức khỏe…; thay đổi tư duy phát triển du lịch từ ưu tiên thu hút số lượng khách sang chú trọng chất lượng du khách và doanh thu, gắn với đó là xây dựng các khu du lịch chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế và đa dạng các sản phẩm du lịch ở tất cả vùng miền; đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị ven biển, đi đôi với phát triển mạnh kinh tế biển, xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành vùng động lực phát triển của cả tỉnh; tạo sự đột phá trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, nhằm nhanh chóng hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động, đổi mới nền nông nghiệp từ sản xuất hàng hóa là chủ yếu sang sản xuất lương thực, thực phẩm là chủ yếu gắn với phương thức sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; đa dạng hóa các làng nghề, sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nhằm tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn… Đáng chú ý, sau nhiều năm khá lúng túng trong hoạch định chiến lược phát triển miền núi nhằm giải quyết căn cơ tình trạng đói nghèo vùng đồng bào dân tộc ít người, Dự thảo lần này đưa ra định hướng rất rõ: hoàn thiện sắp xếp dân cư, tập trung phát triển kinh tế rừng (nhất là trồng rừng gỗ lớn), mở rộng các vùng chuyên canh cây dược liệu và thúc đẩy mạnh công nghiệp dược liệu; có cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, gắn với việc giữ gìn, phát huy các giá trị sinh thái, văn hóa đặc sắc của miền núi.

Trên các lĩnh vực quản lý phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế…, Dự thảo cũng đưa ra nhiều điểm mới, mục tiêu chung là xây dựng xã hội phát triển hài hòa, bền vững, có nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc; phát huy mạnh mẽ dân chủ, giải quyết kịp thời và thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, đảm bảo công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Dự thảo nhấn mạnh: “Xây dựng đề án cụ thể để phát triển toàn diện con người về thể chất, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, năng lực thẩm mỹ, đời sống…, từng bước tạo ra thế hệ con người Quảng Nam đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn phát triển mới”.

Khơi dậy khát vọng

Điểm đặc biệt của Dự thảo lần này so với các báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiều khóa trước là nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đặt lên đầu tiên trong 14 nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển của Dự thảo. Trong các báo cáo chính trị trước đây, vấn đề về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường đặt sau các vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Sự thay đổi lần này không đơn giản là vấn đề kết cấu, bố cục, mà chính là ở quan điểm, tầm nhìn về vị trí, vai trò, yêu cầu quan trọng, mang tính quyết định của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đối với công cuộc phát triển của tỉnh.

Nhanh chóng hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp là một trong những mục tiêu của Quảng Nam trong thời gian tới. Ảnh: H.Q
Nhanh chóng hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp là một trong những mục tiêu của Quảng Nam trong thời gian tới. Ảnh: H.Q

Vì lẽ nêu trên, Dự thảo xác định trong nhiệm kỳ mới sẽ ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó nổi bật là nghị quyết mới về công tác cán bộ với tầm nhìn dài hạn, chiến lược, và lần đầu tiên là nghị quyết chuyên đề về công tác giám sát, kiểm tra của Đảng bộ tỉnh. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, và “cái gốc” này được quan tâm rất đậm nét trong Dự thảo, với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII); sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quyết liệt đổi mới công tác đánh giá, sử dụng cán bộ theo hướng lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản; có chính sách khả thi về thu hút nhân tài và đặc biệt là tăng cường, kiểm tra, kiểm soát quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị.

Yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các cấp từ tỉnh đến cơ sở thật sự gần dân, gắn bó mật thiết và biết lắng nghe dân, nuôi dưỡng khát vọng, hoài bảo và nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương là điểm nhấn lớn, có tính bức thiết và chiến lược trong Dự thảo, nhất là đặt trong bối cảnh nhiều thời cơ và cũng không ít thách thức về nguy cơ tụt hậu, chững lại của nền kinh tế trong những năm trước mắt. Và, nếu như khát vọng, ý chí, quyết tâm bứt phá bắt đầu từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, chắc chắc sẽ là luồng gió lành lan tỏa mạnh mẽ, đều khắp trong các tầng lớp nhân dân, tạo xung lực mạnh mẽ kích thích năng lực đổi mới, sáng tạo, xây dựng quê hương Quảng Nam phồn vinh, giàu đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mọi quyết sách đều xuất phát từ lợi ích của Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO