Cảnh báo gia tăng bệnh sán chó mèo

LÊ QUÂN 04/07/2019 15:03

Sán chó mèo - còn gọi bệnh do nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo gia tăng khi số gia đình nuôi chó mèo trong nhà ngày càng nhiều. Chưa kể, chó mèo thả rông phóng uế bừa bãi gây khó cho việc kiểm soát mầm bệnh trong môi trường đất cát.

Cần kiểm soát việc nuôi chó mèo tránh tình trạng phát tán các ấu trùng giun sán... Ảnh: ITN
Cần kiểm soát việc nuôi chó mèo tránh tình trạng phát tán các ấu trùng giun sán... Ảnh: ITN

Khó kiểm soát mầm bệnh

Anh Trần Văn T. (thị xã Điện Bàn) vào tận Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Quy Nhơn (Bình Định) với 2 đợt điều trị dài ngày, được chẩn đoán nhiễm sán chó. Anh T. cho biết, mình thường xuyên ăn rau sống cũng như các loại thức ăn sẵn bán tại chợ, cách đây mấy tháng bị ngứa khắp người. Sau 2 đợt điều trị, anh cho biết, các bác sĩ tại Viện Ký sinh trùng cho kết quả xét nghiệm bạch cầu ái toan trong giới hạn bình thường, tình trạng bệnh đã ổn định nên không cần điều trị tiếp.

Bác sĩ Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) chia sẻ, hiện nay bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo đã không còn hiếm gặp. Ký sinh trùng này trên chó có tên khoa học là Toxocara canis và mèo là Toxocara cati. Đây là các loại giun tròn sống ký sinh ở ruột non của chó hay mèo. Khi trưởng thành, các loại giun này sẽ đẻ trứng trong lòng ruột của chó, mèo, trứng giun sẽ theo phân ra ngoài môi trường. Sau 1 - 2 tuần trứng giun hóa phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Sau khi trứng vào cơ thể người, ấu trùng giun sẽ được phóng thích, chúng di chuyển xuyên qua thành ruột và theo đường máu đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể người tiêu diệt.

Các ấu trùng tuy ngừng phát triển nhưng chúng đã gây tổn thương tại các mô. Nếu bị nhiễm sán chó mèo ở mắt, có thể gây giảm thị lực, thậm chí mù lòa; nhiễm ở não sẽ gây viêm não, nhức đầu, co giật. Tuy nhiên, một số người bị nhiễm không có triệu chứng. Một số người có các biểu hiện ngứa da, nổi mề đay dị ứng. Theo bác sĩ Kiệm, khi nhiễm ký sinh trùng loại này, người bệnh thường không có triệu chứng, chỉ một số người thấy ngứa nhưng đa số đến bệnh viện khám với triệu chứng ngứa. Có một số bệnh nhân đã tự mua thuốc uống nhưng không bớt, đi khám da liễu cũng không hết ngứa; có bệnh nhân bị nhức đầu, chóng mặt, gầy ốm lâu năm không rõ nguyên nhân và trị hoài không bớt khi chưa gặp bác sĩ chuyên khoa.

Vệ sinh - cách phòng ngừa hữu hiệu

Tỷ lệ gia đình nuôi chó mèo tăng cao cũng như việc thiếu kiểm soát chó mèo thả rông là nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm sán chó mèo ngày càng nhiều. Nhiều người dù không tiếp xúc với chó mèo nhưng vẫn nhiễm do ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó mèo phát tán ra môi trường. Bác sĩ Trần Văn Kiệm cho biết, vì bệnh có thể lây lan khi dùng thức ăn có chứa ấu trùng giun nên để phòng tránh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. “Thường xuyên lau dọn nhà sạch sẽ. Ăn chín, uống sôi. Không cho chó đi vào nhà thường xuyên, không ôm ngủ chung với chó. Tắm cho chó thường xuyên, tẩy giun định kỳ. Nếu trong nhà có trẻ em, không để trẻ chơi với chó, không để bé bò dưới đất (nhất là những nơi chó thường nằm). Không cho chó vào khu vực trồng rau của vườn nhà để tránh nhiễm trứng giun từ phân chó” - bác sĩ Kiệm khuyến cáo.

Nhiễm sán chó mèo là một bệnh rất dễ nhiễm và cũng rất dễ tái nhiễm. Theo số liệu của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương tại TP.Hồ Chí Minh, trung bình cứ 10 người đi khám bệnh về ký sinh trùng có đến 6 người nhiễm sán chó mèo. Ngoài việc tự vệ sinh phòng ngừa, kiểm soát chó mèo nuôi tại khu vực sinh sống cũng là yêu cầu cần thiết. Theo đó, cần áp dụng vệ sinh đặc biệt và khử trùng chuồng nuôi chó và bất kỳ nơi nào sử dụng cho chó trưởng thành hoặc chó con, phân chó phải được xử lý hàng ngày. Nếu các gia đình có trẻ nhỏ hay tiếp xúc gần gũi với chó hoặc chó con, phải được hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn nhằm tránh tiếp xúc với chất thải của vật nuôi, không được liếm tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi…

Bắt đầu từ năm 2019, CDC Quảng Nam đã có sự đầu tư khá lớn vào trang thiết bị, tăng cường sàng lọc, phát hiện và điều trị cho người nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo. Hiện nay tại Phòng khám Đa khoa thuộc CDC Quảng Nam đã triển khai và làm các xét nghiệm phát hiện bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo tại số 135 Trưng Nữ Vương TP.Tam Kỳ. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp người dân tránh được các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo gia tăng bệnh sán chó mèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO