Chuyển đổi số trong y tế

LÊ QUÂN 09/03/2021 07:44

Xác định tác động của công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế sẽ rất mạnh, do đó, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này là điều cấp thiết trong thời gian tới.

Chuyển đổi số trong y tế là điều tất yếu hiện nay. Ảnh: L.Q
Chuyển đổi số trong y tế là điều tất yếu hiện nay. Ảnh: L.Q

Tại hội thảo “Chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế trên địa bàn Quảng Nam” diễn ra sáng qua 8.3, hầu hết đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đều mong sẽ đẩy nhanh việc ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh cũng như tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại...

Hiện trạng hạ tầng

Ông Nguyễn Văn Văn thông tin, sắp tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai Sổ sức khỏe điện tử khi thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19. Thông qua Sổ sức khỏe điện tử, cơ quan quản lý sức khỏe các cấp có thể nhanh chóng phân tích, theo dõi các thông tin số liệu cho việc triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc như: xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin theo từng nhóm đối tượng, địa bàn và thời gian; quản lý và theo dõi toàn bộ quá trình tiêm vắc xin đồng bộ, chính xác, cập nhật. Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử giúp mỗi người dân theo dõi lịch sử tiêm vắc xin phòng Covid-19 và các tình trạng sức khỏe liên quan của bản thân, chủ động phản hồi thông tin về phản ứng sau tiêm và tình trạng sức khỏe với cơ quan y tế.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, hiện nay tất cả đơn vị tuyến tỉnh đều đã trang bị hạ tầng CNTT như máy vi tính, internet, ứng dụng phần mềm trong quản lý nhân lực, quản lý tài sản, phần mềm kế toán, phần mềm khám chữa bệnh...

“Nếu hạ tầng CNTT có 7 mức thì phần lớn các bệnh viện đạt ở mức 2 - 3, trừ Bệnh viện Đa khoa miền núi phía bắc ở mức 6. Các phần mềm quản lý, khám chữa bệnh - HIS, hệ thống lưu trữ và chuyển tải hình ảnh mới chỉ đạt ở mức cơ bản” - ông Văn nói.

Tuy nhiên, tại các bệnh viện hiện vẫn chưa có giải pháp sao lưu và phục hồi dữ liệu. Đối với hệ thống trạm y tế, dù 100% trạm y tế xã đều được trang bị máy vi tính, kết nối internet, sử dụng các phần mềm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu nhưng đa số máy móc đều đã sử dụng lâu năm. Nhiều xã ở vùng cao chưa đáp ứng tối thiểu về cơ sở hạ tầng. 

Trong khi đó, phần mềm, cơ sở dữ liệu, định dạng dữ liệu... chưa hoàn toàn đồng nhất giữa các đơn vị và hầu hết chưa đáp ứng các quy định về chuẩn. Chưa tạo dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung, đặc biệt là các phần mềm liên quan đến việc xây dựng bệnh án điện tử cũng như vấn đề đảm bảo an toàn thông tin chưa được chú trọng đúng mức.

Hiện tại, ở lĩnh vực dự phòng vẫn chưa áp dụng CNTT trong theo dõi, thu thập, phân tích và cảnh báo dịch bệnh, trong quản lý vệ sinh lao động, y tế học đường, vệ sinh môi trường... Việc quản lý trạm y tế xã còn nhiều phần mềm riêng lẻ, chưa bao phủ toàn bộ các nghiệp vụ, chưa liên thông lên tuyến trên. Việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân chưa được thực hiện đồng bộ. 

Ngoài ra, nhân lực về CNTT vẫn còn là câu chuyện đối với các đơn vị y tế. Hiện nay, bộ phận trực tiếp ứng dụng CNTT là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đòi hỏi phải được đào tạo, hướng dẫn. Đối với bộ phận chuyên trách CNTT hiện mới chỉ đáp ứng 60% theo nhu cầu trên toàn tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, dù hạ tầng CNTT tại Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong công tác phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ. Từ phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, cũng như triển khai hiệu quả việc thống kê, báo cáo, quản lý nhân lực, quản lý văn bản điện tử, thủ tục hành chính trong các giai đoạn của dịch bệnh.

Ông Mười cho biết, khó nhất hiện nay vẫn là nguồn lực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin y tế còn hạn chế, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, việc thiếu quy định liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế nên việc kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế trong ngành còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều loại máy móc, trang thiết bị y tế đời cũ không hỗ trợ kết nối cũng là khó khăn cho tiến trình chuyển đổi số.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Y tế sẽ tập trung hoàn chỉnh hạ tầng trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành y tế cũng như hình thành cơ sở dữ liệu thống kê y tế, cung cấp số liệu phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách của ngành y tế, 100% người dân được định danh y tế.

Đối với chuyển đối số trong bệnh viện, ngành y tế ưu tiên triển khai hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện nhằm bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân) nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi số trong y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO