Đưa nhiệm vụ phòng dịch lên mức độ cao nhất

XUÂN HIỀN 03/02/2021 05:08

Triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch cũng như tổ chức giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 trong dịp Tết Tân Sửu là điều vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay. 

TP. Tam Kỳ triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: H.L
TP. Tam Kỳ triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trong cộng đồng. Ảnh: H.L

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh vào chiều qua 2.2, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, đây là lúc cao điểm khi các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội đều dồn cho thời điểm này. Đồng thời biến thể mới của chủng vi-rút được phát hiện gần đây có khả năng lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh lâu... Do đó chủ động các biện pháp phòng chống dịch cũng như tăng cường giám sát, phát hiện sớm, nâng cao năng lực xét nghiệm tại địa phương là điều cần ưu tiên hiện nay.

Chủ động các tình huống

“Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, Quảng Nam đưa nhiệm vụ phòng dịch lên mức độ cao nhất; đánh giá rà soát tất cả yếu tố bên ngoài, kể cả con người và hàng hóa. Rà soát danh sách các tổ Covid-19 cộng đồng để kiểm soát đến mức cao nhất tình hình người đến và đi tại các địa phương. Trong đó, khai báo tất cả đối tượng đến và đi về địa phương, bao gồm con em đi học xa nhà, người thân từ các tỉnh thành khác về. Đề nghị Biên phòng tỉnh củng cố, kiểm soát chặt đường mòn lối mở. Đối với đường biển, tất cả tàu chở hàng hóa về khu vực Quảng Nam phải khử khuẩn; trong trường hợp kinh phí vượt sức của chủ tàu, Quảng Nam sẽ xem xét hỗ trợ để giảm bớt phần khó khăn”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh)

Ngành y tế tỉnh cho biết đã vạch các phương án ứng phó theo từng cấp độ với việc dự lường hai tình huống có thể xảy ra: một là, chỉ có ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài và dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập cộng đồng; hai là, có ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài và có ca bệnh xâm nhập cộng đồng cùng các cấp độ lây lan khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đã tăng cường việc giám sát tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; đặc biệt là giám sát chặt chẽ người về từ địa phương có ca dương tính, cũng như phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

“Chúng tôi đã yêu cầu chỉ cho phép nhập cảnh các trường hợp có đầy đủ thủ tục và thực hiện phân loại cách ly y tế theo đúng các quy định hiện hành. Tuy nhiên không loại trừ nguồn lây từ trường hợp nhập cảnh trái phép và nguồn lây từ nơi khác về. Theo nhận định của ngành y tế, nên tập trung vào 2 tình huống như đã nêu” - ông Văn nói.

Hiện nay, Quảng Nam đã mua 10 nghìn test xét nghiệm, củng cố các đội phản ứng nhanh chống dịch, đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm, chủ động dự trữ thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng khi có dịch bệnh xảy ra. Đây chính là các biện pháp để xử lý kịp thời nếu phát hiện có ca mắc trong cộng đồng, không để dịch lan rộng, kéo dài, hạn chế thấp nhất biến chứng nặng. Cho rằng Quảng Nam đã được cấp quyền thẩm định xét nghiệm, ông Văn đề nghị địa phương chủ động truy vết F1, F2 khi có kết quả dương tính lần 1 phát hiện tại địa phương mình.

Còn ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, năng lực xét nghiệm của Quảng Nam hiện có thể đáp ứng đủ về nhân lực cũng như các sinh phẩm, hóa chất liên quan. Tuy nhiên, trong trường hợp phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng, ông Kiệm đề nghị UBND tỉnh huy động các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh có khả năng thực hiện việc xét nghiệm như Trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An), Quân khu 5, Bệnh viện Vĩnh Đức (Điện Bàn), Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (Núi Thành)… cùng hỗ trợ CDC.

“Năng lực hiện tại CDC có thể thực hiện được 200 mẫu/ngày. Tuy nhiên nếu gộp tất cả đơn vị của Quảng Nam thì khả năng thực hiện được 1.000 mẫu/ngày” - ông Kiệm nói. 

Cương quyết nhưng linh hoạt

Yêu cầu nghiêm túc kiểm soát các đường mòn lối mở, cũng như các cửa khẩu, hàng không, ga tàu, các phương tiện giao thông, tuy nhiên đại diện nhiều sở ngành cho rằng, dù cương quyết nhưng phải linh hoạt vì thời điểm này bà con về quê ăn tết đông.

Hiện tại các cơ sở y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: A.M
Hiện tại các cơ sở y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: A.M

Đại diện Cảng Hàng không Chu Lai cho biết, theo lịch thì từ ngày 25 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng, tần suất bay tại đây tăng khoảng 300%, mỗi ngày trung bình 25 - 29 chuyến. Trong đó, có 20% khách đến từ Hà Nội và 80% là khách về từ TP.Hồ Chí Minh.

“Hiện khách qua lại nhà ga lên đến 7 - 8 nghìn người, bao gồm từ các địa phương về ăn tết. Do đó, nguy cơ F0 qua lại nhà ga vẫn sẽ xảy ra. Những trường hợp này sẽ được triển khai các biện pháp tầm soát và các thủ tục liên quan. Đề nghị CDC Quảng Nam tiếp tục bám trụ hỗ trợ cùng đơn vị trong thời gian cao điểm sắp tới” - đại diện Cảng Hàng không Chu Lai cho biết. 

Đại diện Cảng vụ Cảng Hàng hải Quảng Nam cho biết, hiện cảng vụ đã phối hợp với CDC Quảng Nam rà soát tất cả thuyền viên từ nơi khác về, đặc biệt là người về từ vùng có dịch. Trong thời điểm này, những tàu từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương đề nghị UBND tỉnh cho phép triển khai các biện pháp phòng chống dịch mạnh hơn. Bên cạnh đó, việc phun khử trùng sẽ làm tăng kinh phí cho chủ tàu, do vậy đại diện Cảng Hàng hải đề nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ các tàu này.

Đại diện Công an tỉnh cho biết, hiện nay có nhiều trường hợp từ vùng dịch trở về nhưng không khai báo. Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải có tuyến đón khách tại những địa phương có dịch cần phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống. Ngoài ra, xác định nòng cốt ở cơ sở là điều vô cùng quan trọng, nhiều đại biểu tại cuộc họp cho rằng, cần nâng cao các hoạt động của Tổ Covid-19 cộng đồng để sớm phát hiện các trường hợp nghi ngờ. 

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết ngành đã thành lập các đoàn kiểm tra tất cả đơn vị y tế trên địa bàn để siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành quyết định tổ chức điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại 2 cơ sở là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Phòng khám Đa khoa Điện Nam - Điện Ngọc thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực phía bắc Quảng Nam (Điện Bàn), tất cả bệnh nhân chạy thận và hồi sức cấp cứu được đưa về Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. 

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu sở ngành nhanh chóng thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm soát công tác phòng chống Covid ở đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi ra đường, tuân thủ nghiêm các quy định do UBND tỉnh ban hành; tăng cường công tác truyền thông để người dân không hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, nghiêm túc thực hiện khuyến cáo “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) của Bộ Y tế…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa nhiệm vụ phòng dịch lên mức độ cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO