Gỡ khó cho y tế miền núi

XUÂN HIỀN 11/03/2021 08:27

Tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân tại các huyện miền núi của Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Rào cản lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực và trang thiết bị còn thiếu thốn tại các cơ sở y tế.

Thiếu nhân viên y tế thôn bản là vấn đề đặt ra hiện nay đối với việc tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho người dân các huyện miền núi trong tỉnh. Ảnh: N.D
Thiếu nhân viên y tế thôn bản là vấn đề đặt ra hiện nay đối với việc tiếp cận và chăm sóc sức khỏe cho người dân các huyện miền núi trong tỉnh. Ảnh: N.D

Nhiều rào cản

Ông Nguyễn Huy Thông - Giám đốc TTYT huyện Tây Giang cho biết, nhiều năm liền huyện không tổ chức đào tạo cô đỡ thôn bản, vì nếu đào tạo lực lượng này thì khác nào đưa người dân trở lại với tập tục sinh tại nhà. Theo đó, TTYT huyện tổ chức tuyên truyền thường xuyên, vận động chị em mang thai thăm khám định kỳ; đặc biệt, căn cứ thời gian dự sinh để chủ động đến cơ sở y tế trước để an dưỡng chờ sinh. Do đó, hầu hết phụ nữ mang thai ở Tây Giang tới cơ sở y tế để sinh đẻ chứ không sinh tại nhà.

Ông Trần Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Trà My cho biết, do điều kiện đường sá đi lại khó khăn, số phụ nữ mang thai chọn sinh con tại nhà ở địa phương chiếm đến 70%. Dù phụ nữ vẫn chọn thăm khám thai tại các trạm và TTYT, nhưng gần đến kỳ sinh nở họ quyết định chọn sinh tại nhà. Ngoài một phần ảnh hưởng do tập tục, cái chính là họ sợ đi xa, đường sá không tiện.

Với hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, cộng với địa hình phức tạp, dân cư phân bố theo thôn, nóc rộng khắp, muốn đi thăm khám tại TTYT có khi phải mất cả ngày đường, vì vậy hoạt động y tế cơ sở và hưởng lợi từ y tế của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng tại địa phương này cũng chỉ mới đạt 50 - 60% so với các địa phương khác trong khu vực và rất thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh.

“Muốn tiêm vắc xin cho người dân ở các nóc xa, cán bộ y tế phải đi tới nơi, rất vất vả. Chưa kể, nhân viên y tế thôn bản hiện nay đối với Nam Trà My là một khó khăn. Trước đây chúng tôi có 120 nhân viên y tế thôn bản, sau này huyện tổ chức sáp nhập thôn, hiện chỉ còn 70 người. Lực lượng này kiêm luôn việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em lẫn công tác dân số” - ông Trần Văn Thu chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Huy Thông - Giám đốc TTYT huyện Tây Giang nói, cán bộ y tế tại địa phương rất vất vả vì có nhiều nóc ở xa, người dân lại không chủ động đến cơ sở y tế. Hiện nay, trạm y tế là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, thế nhưng trên thực tế nhiều trạm chưa đảm đương được yêu cầu đề ra do thiếu trang thiết bị, nhân lực yếu chuyên môn. Trong khi đó, danh mục thuốc ít, nghèo nàn và chi từ quỹ bảo hiểm xã hội cho người dân khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở còn hạn chế...

Thiếu bác sĩ chuyên ngành sản, nhi tại các huyện miền núi cũng như các kỹ thuật về cấp cứu sản khoa, tầm soát, chăm sóc sơ sinh còn quá nhiều hạn chế; công cụ hỗ trợ theo dõi chăm sóc bà mẹ trẻ em chưa được triển khai thường quy... là những khó khăn khiến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các địa phương miền núi vẫn là khoảng trống khó lấp trong thời gian ngắn. Chưa kể, việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao hay hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật, thậm chí có máy móc thiết bị nhưng không có người vận hành nên gặp ca khó đành chuyển tuyến trên. 

Nâng cấp y tế miền núi

Hiện nay dù các xã miền núi trên địa bàn tỉnh đều có trạm y tế và TTYT các huyện thường xuyên được đầu tư, nhưng do nguồn lực còn yếu nên chưa thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, để giúp đồng bào vùng cao giảm bớt khó khăn trong khám chữa bệnh, ngành y tế Quảng Nam từng bước tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ cũng như đầu tư trang thiết bị cho các TTYT ở huyện miền núi nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Theo ông Trần Văn Thu, để nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cơ sở ở miền núi, cần có cơ chế cho phép TTYT được thay thế, bổ sung cán bộ và nhân viên y tế thôn bản theo điều kiện của địa phương mình. Đồng thời nâng mức phụ cấp của lực lượng này, còn như hiện nay không thể đủ để họ gắn bó với công việc của mình.

Còn ông Nguyễn Huy Thông cho rằng, từ TTYT huyện Tây Giang chuyển bệnh lên tuyến trên như Đà Nẵng hay Tam Kỳ cũng mất gần 200km nên rất khó đảm bảo sức khỏe bệnh nhân. Do đó, cần một đội ngũ cán bộ y tế đủ năng lực cũng như trang bị các thiết bị máy móc để họ có thể vận hành khi gặp trường hợp bệnh nhân nặng, cần cấp cứu.

Tại đề án xây dựng và phát triển sự nghiệp y tế dân số giai đoạn 2021 - 2025, Sở Y tế đưa ra các mục tiêu thiết yếu về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có nội dung cải thiện chất lượng y tế miền núi. Theo đó, chỉ tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một TTYT đa chức năng, thôn bản nào cũng có nhân viên y tế thôn bản - cộng tác viên dân số - gia đình và trẻ em hoạt động. Đồng thời chuẩn hóa đội ngũ y tế thôn bản, đào tạo lực lượng này cho khoảng 150 thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận dịch vụ y tế xã trong tổng số 421 thôn của 6 huyện miền núi cao. Theo đó, ít nhất mỗi thôn bản có 1 cô đỡ thôn bản đã qua đào tạo 6 tháng, đồng thời đào tạo đạt chuẩn trình độ chuyên môn cho khoảng 1.522 nhân viên y tế thôn bản.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gỡ khó cho y tế miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO