Không nên trì hoãn khám bệnh vì sợ Covid-19

ÁNH MINH 04/09/2020 08:15

Sợ lây nhiễm dịch Covid-19, nhiều người bệnh đã ngần ngại, trì hoãn đến khám tại các cơ sở y tế và tự ý mua thuốc về sử dụng khiến bệnh càng trầm trọng hơn.

Người nhà khai báo y tế tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Ảnh: ÁNH MINH
Người nhà khai báo y tế tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam. Ảnh: ÁNH MINH

Suýt nguy kịch vì ngại đến bệnh viện

Cả tuần nay, bà Nguyễn Thị Lệ (82 tuổi, Tam Thái, Phú Ninh) có biểu hiện mắt mờ, đau ngực và nhức đầu. Bà Lệ có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp 4 năm qua, có giấy hẹn tái khám từ tháng trước, nhưng vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên chần chừ không đến bệnh viện. Đến khi bà Lệ bị nhức đầu và mắt mờ hơn mới đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám. Tại đây, bác sĩ cho biết, huyết áp của bà là 190/85 mmHg, và bệnh đái tháo đường đã gây biến chứng đục thủy tinh thể.

“Lâu nay hàng tháng tôi phải đi xét nghiệm, kiểm tra và nhận thuốc uống. Thời gian qua lo ngại dịch Covid-19 nên tôi không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, vì vậy bệnh nặng hơn” - bà Lệ nói.

Tương tự, anh Thái Văn Tuấn (Bình Quý, Thăng Bình) bị suy giáp sau phẫu thuật tuyến giáp đã 2 năm nay, anh đi khám và nhận thuốc định kỳ tại Phòng khám Đa khoa  - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam. Tuy nhiên, ngày tái khám vừa rồi gặp ngay thời điểm dịch đỉnh điểm, huyện Thăng Bình cũng bị giãn cách xã hội, nên anh không tái khám đúng lịch hẹn. Nay anh thấy hồi hộp, mạch đập nhanh, nên đến để tái khám. Cũng may bác sĩ cho biết bệnh của anh chưa phải nguy kịch.

Hay như trường hợp cháu Lê Thanh T., 4 tuổi (Quế Phú, Quế Sơn) nhập cấp cứu Trung tâm Y tế Quế Sơn với biểu hiện sốt cao 39,5°C, co giật. Ông Lê Thanh Hoàng (bố cháu T.) cho biết, vì ngại đưa con đến nơi đông người nên vợ chồng ông tự cho cháu uống thuốc hạ sốt tại nhà. Tuy nhiên cháu chỉ hạ sốt được vài ba tiếng đồng hồ rồi lại sốt cao, đến khi cháu bị co giật thì gia đình hốt hoảng gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện. “Cứ nghĩ là cháu uống thuốc rồi sẽ ổn, không ngờ bệnh càng nặng thêm” - ông Hoàng chia sẻ.

Có thể thấy, tâm lý sợ lây nhiễm khi đến bệnh viện giữa mùa dịch Covid-19, dẫn tới nhiều người nhập viện trong tình trạng đáng lo ngại. Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị trong điều kiện đảm bảo thực hiện các khâu an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn.

Đảm bảo an toàn tại cơ sở y tế

Tại cổng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, có bảng hướng dẫn cụ thể  “Các bệnh nhân có triệu chứng: sốt, ho, đau họng, khó thở hãy đến tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để được khám và tư vấn”.

Tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện có lập chốt kiểm soát, nhân viên đo thân nhiệt cho người bệnh đến khám, yêu cầu sát khuẩn tay và kê khai y tế. Nếu có các yếu tố dịch tễ liên quan đến các địa phương đang xảy ra dịch bệnh sẽ được nhân viên bệnh viện chuyển qua khu vực tiếp nhận bệnh nhân sốt, ho, viêm phổi.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Văn Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết: “Với tiêu chí đặt ra là bệnh viện “sạch Covid” khám chữa bệnh cho người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, bệnh viện phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêu chí bệnh viện an toàn bằng cách thường xuyên khử trùng bệnh viện, chống lây nhiễm chéo trong cán bộ nhân viên. Hiện tại mỗi khoa phòng đều thực hiện các bước sàng lọc trước khi vào khoa, người chăm nuôi phải có thẻ mới được vào”.

Ở Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, bệnh nhi và người nhà đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và khai báo y tế khi vào bệnh viện. Những trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan vùng dịch hoặc có triệu chứng sốt, ho sẽ được đưa đến vùng có nguy cơ lây nhiễm cao. Công tác phân luồng kiểm soát nhiễm khuẩn cũng được bệnh viện thực hiện nghiêm ngặt.

Ngay cổng ra vào Phòng khám Đa khoa CDC Quảng Nam bố trí khu vực sát khuẩn tay và có biển hướng dẫn lối đi cho bệnh nhân đến khám. Ở khu vực tiền sảnh, có bảng thông báo thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi vào khu khám. Theo đó, nhân viên sẽ đo thân nhiệt, khai báo y tế và yêu cầu cài đặt ứng dụng Bluezone. Nếu có trường hợp nghi ngờ sẽ đưa vào phòng cách ly và được yêu cầu lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Theo khuyến cáo của bác sĩ Trần Đình Vũ - Phụ trách Phòng khám Đa khoa CDC Quảng Nam, mọi người dân khi đi khám bệnh phải đeo khẩu trang đúng quy cách. Mỗi người bệnh ngồi cách nhau ít nhất 2m, không nói chuyện, không cười nói, không bắt tay... Khi ho, hắt hơi cần che miệng bằng khăn ướt hoặc bằng khuỷu tay, không khạc nhổ bừa bãi. Khi khám xong nhanh chóng rời bệnh viện, hạn chế thời gian lưu lại trong bệnh viện khi không cần thiết. Về đến nhà, việc đầu tiên là sát khuẩn tay bằng cách rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch (tốt nhất là sát trùng tay bằng dung dịch sát khuẩn).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không nên trì hoãn khám bệnh vì sợ Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO