Phòng bệnh tay chân miệng

XUÂN HIỀN 04/10/2019 15:51

Bộ Y tế vừa có công văn gửi các Sở Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng dịp khai trường. Bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm nhưng thường ghi nhận số mắc cao vào các tháng 9 - 11.

Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ sốt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và xử lý bệnh. Ảnh: X.H
Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao không hạ sốt cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời phát hiện và xử lý bệnh. Ảnh: X.H

Gia tăng số ca mắc

Bà Nguyễn Thị Thu Tâm (phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) cho biết, cháu trai của bà bị sốt liên tục trong 2 ngày, sau đó xuất hiện các nốt phỏng ở tay, chân nên đã đưa tới cơ sở y tế để chữa bệnh. “Cháu cứ sốt kéo dài, cho uống thuốc hạ sốt cũng không giảm. Sau khi phát hiện các nốt phỏng chúng tôi mới biết đó là bệnh tay chân miệng” - bà Tâm nói. Thời điểm này, bệnh tay chân miệng bắt đầu xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương ở các đối tượng trẻ dưới 10 tuổi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), trên toàn tỉnh tổng số ca mắc tay chân miệng (TCM) cộng dồn từ đầu năm đến nay lên đến 734 ca, riêng trong tuần thứ 38 có 22 trường hợp mắc.

So với cùng kỳ năm 2018 với số mắc là 678 ca, hiện tại, các ca mắc tay chân miệng tại Quảng Nam đang tăng nhẹ. Trong khi đó, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2019 đến nay, số mắc bệnh tay chân miệng tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018, ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung. Thời điểm bệnh bùng phát cũng là lúc trẻ nhỏ và các em học sinh bước vào năm học mới.

Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình. Đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Ngay từ đầu năm học mới, tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường...

Bệnh tay chân miệng đa số xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng dễ có triệu chứng nặng hơn. Các biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông và những vết loét ở miệng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Nam cho biết, đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh rất dễ lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.

Chủ động phòng bệnh

Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên những trường mẫu giáo, mầm non đặc biệt thận trọng khâu vệ sinh an toàn. Theo các giáo viên mầm non của cơ sở Happy (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), việc vệ sinh sạch sẽ sàn nhà hay chú ý vệ sinh cho các em học sinh sau khi đi vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn cho trẻ là điều được đặt lên hàng đầu.

Theo đó, việc dạy trẻ nâng cao ý thức giữ tay sạch sẽ bằng cách rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, là cách phòng bệnh cơ bản nhưng tối ưu nhất. Khi trẻ có biểu hiện của bệnh thì lập tức báo cho phụ huynh để cách ly, tránh lây lan ra cho những thành viên khác trong lớp.

Để số ca mắc bệnh tay chân miệng hạn chế bùng phát mạnh trong những tháng tới, ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc CDC Quảng Nam chia sẻ, hiện nay CDC tăng cường phối hợp với các trường mầm non, nhà trẻ mẫu giáo và các hộ gia đình nhận nuôi trẻ về công tác truyền thông để nhận biết bệnh tay chân miệng. Đồng thời, phối hợp với cơ sở y tế để khi có bệnh thì cơ sở y tế sẽ đến cùng với nhà trường vệ sinh trường lớp đảm bảo môi trường không có mầm bệnh, giúp các cháu được học tập, sinh hoạt tốt. Cùng với đó, công văn của Bộ Y tế cũng yêu cầu các sở y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng bệnh tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO