Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết: Cần trách nhiệm cộng đồng

XUÂN HIỀN 22/10/2019 13:37

Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng liên tục trong các tuần gần đây cho thấy diễn biến khá phức tạp của bệnh này. Tuy nhiên, người dân lại khá thờ ơ trong công tác phòng chống dịch bệnh...

Phun thuốc tiêu độc khử trùng cũng như dọn dẹp vệ sinh môi trường sẽ hạn chế nguy cơ mắc SXH. Ảnh: ÁNH MINH
Phun thuốc tiêu độc khử trùng cũng như dọn dẹp vệ sinh môi trường sẽ hạn chế nguy cơ mắc SXH. Ảnh: ÁNH MINH

Sốt xuất huyết tăng cao

Nếu các năm trước, vào mùa cao điểm (từ tháng 9 - 11), bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường rơi vào trẻ em chủ yếu, thì năm nay, số lượng bệnh nhân SXH chủ yếu ở người lớn. Đặc biệt, đối tượng mắc bệnh năm nay ghi nhận ở mức độ nặng và rất nặng tăng cao hơn so với các năm trước. Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), tính đến ngày 14.10 toàn tỉnh có hơn 4.855 ca mắc SXH, tăng gấp 1,6 lần so với cả năm 2018.

Bệnh viện các tuyến đều ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc SXH nhập viện tăng cao. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Võ Khoa - Trưởng khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) cho biết, hiện nay số lượng bệnh nhân nhập viện do SXH tại khoa này chiếm đến 50% tổng số lượt bệnh nhân điều trị tại khoa. Chưa kể, thống kê sơ bộ cho thấy có đến hơn 20% tổng số ca nhập viện do SXH rơi vào thể nặng, rất nặng. “Năm nay quy mô, lượng bệnh nhiều hơn so với các năm trước. Do tuýp virut mắc phải nên mức độ của bệnh cũng nặng hơn các năm trước” - bác sĩ Khoa nói. 

Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, số lượng bệnh nhân mắc SXH từ đầu năm đến nay tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018, với hơn 440 bệnh nhân nhập viện. Dự báo số lượng ca bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do tính chất chu kỳ bệnh cũng như tình hình diễn biến thời tiết thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Địa phương ghi nhận có số ca mắc SXH nhiều nhất từ đầu năm đến nay là thị xã Điện Bàn với 840 ca. Trong khi đó, tại huyện Duy Xuyên, tính đến ngày 18.10, toàn huyện đã có 805 ca mắc SXH và tính riêng xã Duy Nghĩa đã có 199 ca mắc SXH.

Cần cộng đồng chung tay

Tăng cường công tác phòng chống SXH

 Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc sở tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH.

Theo tổng hợp, bệnh SXH đã xảy ra ở 191 xã, phường, thị trấn tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố; toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 162 ổ dịch tại các địa phương. Dự báo, hiện nay bắt đầu vào những tháng cao điểm mùa dịch SXH, cộng với sự diễn biến bất lợi của thời tiết là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh, các địa phương và ngành chức năng cần triển khai quyết liệt hoạt động diệt lăng quăng (bọ gậy) với khẩu hiệu “Không có lăng quăng, không có SXH”, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch SXH trên từng địa bàn.(VĂN PHIN)

Đảm bảo nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân cũng như các hóa chất tiêu độc khử trùng trong cộng đồng là điều được quan tâm hàng đầu. Mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành thống nhất với các cơ sở khám chữa bệnh, thanh toán chi phí tinh bột este hóa dạng tiêm truyền trong điều trị SXH Dengue, immune globulin dạng tiêm trong điều trị bệnh sởi. Do vậy, dịch truyền cho bệnh nhân SXH sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán. Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết, hiện tại, đối với trường hợp trong khu dân cư có 3 - 4 ca mắc bệnh SXH sẽ được tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng sau khi tiến hành kiểm tra môi trường sống tại vùng đó. “Để đảm bảo dịch SXH không bùng phát, lây lan trên diện rộng, người dân cần phải chung tay với các cơ quan chức năng để làm sạch môi trường sống. Đồng thời chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, khi bị sốt hãy đến ngay trung tâm y tế để được chăm sóc và xác định có phải mắc SXH hay không, qua đó kịp thời có phương án điều trị” - ông Kiệm nói. Hiện ngành y tế đã đẩy mạnh việc giám sát véc tơ định kỳ tại các địa bàn trọng điểm ở các xã điểm, đồng thời cung cấp đầy đủ hóa chất, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động xử lý và chống dịch tại các địa phương. “Hiện tại, các cơ sở y tế đều đã có mạng để báo cáo trực tiếp trên phần mềm bệnh truyền nhiễm TT54, qua đó cập nhật để phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp ghi nhận SXH để điều tra, giám sát và xử lý sớm...” - ông Trần Văn Kiệm cho biết.

Tuy SXH đang diễn biến rất phức tạp nhưng người dân tại nhiều địa phương vẫn tỏ ra khá thờ ơ. Tại xã Duy Nghĩa - một trong những điểm nóng của Duy Xuyên về số ca bệnh và có nguy cơ bùng phát thành dịch SXH rất cao trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, nhưng người dân địa phương vẫn còn rất chủ quan. Đoàn công tác của Sở Y tế cho biết, người dân tại đây không dọn dẹp môi trường xung quanh, tạo điều kiện để lăng quăng phát triển, chính vì thế công tác phòng chống dịch tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, hầu hết người dân chỉ đảm bảo vệ sinh trong căn nhà mình, trong khi đó, tại một số nơi như các khu vực chưa có người sinh sống quanh nhà, hoặc các bãi đất trống, bãi phế liệu... lại không được phát quang, dọn dẹp. Đây chính là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sôi. 

Hiện tại, công tác phòng chống dịch bệnh SXH trong trường học cũng đang được ngành y tế phối hợp cùng ngành giáo dục triển khai. Hầu hết các trường mẫu giáo, mầm non bán trú đều thực hiện việc mắc màn cho trẻ ngủ trưa. Đại diện Phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết, phòng đã yêu cầu các trường học dọn dẹp, phát quang bụi rậm, thường xuyên vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, phế liệu để hạn chế nguy cơ mắc SXH... Ngành chức năng nhận định, với tình hình dịch bệnh hiện tại, cộng với việc đã bước vào mùa mưa, diễn biến bệnh sẽ còn nhiều phức tạp, ngoài các biện pháp phòng chống dịch chủ động của ngành y tế, cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cộng đồng để hạn chế dịch bệnh nguy hiểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết: Cần trách nhiệm cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO