Phòng chống sốt xuất huyết, bạch hầu

XUÂN HIỀN 31/10/2019 11:56

Sáng qua 30.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân có buổi làm việc với Sở Y tế về tình hình hoạt động của ngành trong 10 tháng qua và công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bạch hầu trên địa bàn tỉnh.

Phun hóa chất tại các ổ dịch để ngăn ngừa SXH phát triển trên diện rộng. Ảnh: LÊ HIỀN
Phun hóa chất tại các ổ dịch để ngăn ngừa SXH phát triển trên diện rộng. Ảnh: LÊ HIỀN
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh yêu cầu ngành chức năng không lơ là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình, chủ động và tích cực triển khai các biện pháp phòng chống với mục tiêu dịch sốt xuất huyết (SXH).

Số ca mắc liên tiếp tăng

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam) thông tin, đến nay tỉnh ghi nhận hơn 6 nghìn ca mắc SXH, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số ca mắc nằm rải rác ở 195 xã phường thị trấn trên toàn tỉnh. CDC Quảng Nam đã phối hợp cùng y tế cơ sở phát hiện và xử lý 171 ổ dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 25 ổ dịch nhỏ tại 23 xã của 9 huyện đồng bằng và huyện Tiên Phước hiện vẫn chưa dập dịch xong.

Từ nay đến cuối năm, dự báo diễn biến của dịch bệnh SXH còn phức tạp, bởi điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển. Thêm vào đó, hiện nay vẫn còn một số cơ sở y tế tuyến xã, huyện chưa phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch SXH, chưa triển khai phun lần 2, chưa vận động người dân làm tốt công tác diệt bọ gậy. Chính vì những đặc điểm dịch tễ như vậy, nguy cơ dịch SXH lan rộng và kéo dài trong những tháng cuối năm 2019 là rất lớn.

Thị xã Điện Bàn đang là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất trên toàn tỉnh, với 1.087 ca và 59 ổ dịch lớn nhỏ. Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, mặc dù đã chỉ đạo công tác phòng chống dịch ngay từ đầu năm, nhưng không thể nào khống chế được dịch bệnh lây lan. “Địa phương có diện tích rộng, đất nông nghiệp chủ yếu, cộng với sinh hoạt tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư đông đúc nên khó kiểm soát dịch bệnh. Trong các tháng gần đây, rác trong khu dân cư ùn ứ nhiều cũng là nguyên nhân gây gia tăng dịch bệnh SXH” - ông Nguyễn Xuân Hà nói. 

Cần nâng cao ý thức cộng đồng

Ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chia sẻ, năm nào huyện cũng là nơi xuất phát bệnh SXH. Việc phòng chống được tập trung tại địa phương này ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, dù chính quyền địa phương có nỗ lực nhưng người dân thờ ơ, chủ quan thì vẫn xem như công tác phòng chống chưa hiệu quả. 

Ông Trần Văn Kiệm cho biết, điều khó khăn hiện nay trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là SXH chính vì ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, xem hoạt động diệt bọ gậy là trách nhiệm của ngành y tế. Một số hộ gia đình chưa thật sự hợp tác khi cán bộ đến phun thuốc, trong khi còn một số địa phương ở cấp xã chưa quan tâm phối hợp cùng ngành y tế trong công tác phòng chống. Một số địa phương có số ca mắc cao nhưng nhiều ca bệnh ngoại lai, thông tin, địa chỉ không đầy đủ dẫn đến công tác điều tra xử lý dịch gặp nhiều khó khăn. Vấn đề xử lý dụng cụ chứa nước, vật dụng có bọ gậy như lốp xe tại các ga ra, lon đồ hộp, chậu cây cảnh, dụng cụ đựng nước sinh hoạt... hết sức khó khăn nếu không có sự can thiệp của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho rằng, các dịch bệnh khác đều có thể khống chế trong thời gian ngắn, riêng SXH hiện nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể để khống chế tốt nhất. “Chính quyền địa phương, người dân quan tâm nhưng thiếu trách nhiệm. Các biện pháp phòng chống hiện nay lại không cụ thể tại các địa phương. Người dân đến giờ vẫn chưa thực sự có ý thức cao, chủ quan trong việc vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Đến khi có bệnh mới bắt đầu lo lắng. Đề nghị địa phương và ban ngành đoàn thể quan tâm, có chỉ đạo sâu sát, kế hoạch cụ thể. Tôi nghĩ nên giao nhiệm vụ tập trung cho từng tổ chức cụ thể. Với bạch hầu, đề nghị các trung tâm y tế huyện và chính quyền địa phương vận động để người dân thực hiện tiêm chủng miễn dịch” - ông Nguyễn Văn Hai nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu sự vào cuộc của toàn thể các cấp ngành nhằm tăng cường vận động người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, vệ sinh môi trường cũng như phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, chuẩn bị tốt nguồn thuốc và dịch cao phân tử điều trị... để hạn chế dịch bệnh phát triển trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống sốt xuất huyết, bạch hầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO