Thay đổi chất lượng y tế

LÊ QUÂN 02/12/2019 10:42

Đề án 1816 - “cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” và Đề án “bệnh viện vệ tinh” đã góp phần thay đổi chất lượng y tế tại Quảng Nam...

Cần tăng cường cơ sở vật chất cho y tế tuyến dưới để có thể đủ điều kiện tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ tuyến trên. Ảnh: X.H
Cần tăng cường cơ sở vật chất cho y tế tuyến dưới để có thể đủ điều kiện tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao từ tuyến trên. Ảnh: X.H

Tại cuộc làm việc giữa Bộ Y tế và Sở Y tế mới đây, suốt quá trình triển khai đề án 1816 và đề án bệnh viện vệ tinh, ngành y tế Quảng Nam đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người dân...

Chuyển giao các tuyến

Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tròn 10 năm (2009 - 2019), đề án 1816 cho thấy đây chính là nhu cầu cần thiết đối với ngành y tế Quảng Nam nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên ở tuyến cơ sở, đồng thời giúp cán bộ chuyên môn có khả năng giải quyết độc lập các kỹ thuật y học và hỗ trợ tuyến dưới giải quyết tình trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên.

Từ tháng 9.2008, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam đã từng bước tiếp nhận và triển khai nhiều kỹ thuật mới có sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia, cán bộ chuyên môn giỏi của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh, Hội Y học thể dục thể thao TP.Hồ Chí Minh về chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tại chỗ cho các bác sĩ phẫu thuật của bệnh viện. Giai đoạn 2013 - 2020, BVĐK tỉnh tiếp tục là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế với các hoạt động đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật trong các lĩnh vực tim mạch, chấn thương và ung bướu...

Riêng trong năm 2018, BVĐK tỉnh đã cử cán bộ tập huấn đào tạo về sinh thiết lạnh, phẫu thuật cắt đại tràng bị ung thư, phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật tạo hình sau chấn thương... Đồng thời bệnh viện cũng đào tạo ê kíp phẫu thuật nội soi tiêu hóa, sản phụ khoa cho Trung tâm Y tế (TTYT) Thăng Bình; chuyển giao kỹ thuật siêu âm tổng quát, siêu âm sản phụ khoa cho các TTYT Phước Sơn, Bắc Trà My, Tiên Phước, đào tạo nâng cao PICC (đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên), xét nghiệm cho Quân y Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chẩn đoán hình ảnh cho Bệnh xá Công an...

BVĐK khu vực miền núi phía Bắc đã chuyển giao TTYT Thăng Bình phẫu thuật nội soi cắt RTV và cắt túi mật... Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đào tạo điều trị hen, COPD cho 18 TTYT huyện. Bệnh viện Mắt chuyển giao kỹ thuật mổ mộng cho TTYT Tiên Phước.

Giảm áp lực cho tuyến trên

Tính đến thời điểm này, các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ chuyên môn tại các đơn vị tuyến tỉnh, bao gồm Bệnh viện Trung ương Huế, Viện tim mạch Quốc gia, Bệnh viện 115 TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng. 

Thay vì phải đi Huế phẫu thuật như nhiều bệnh nhân khác trước đây, bà Nguyễn Thị Ngọc (59 tuổi, trú tại huyện Núi Thành) đã được điều trị ngay tại BVĐK tỉnh. Bà Ngọc bị viêm đau khớp gối trong thời gian dài, buộc phải phẫu thuật nội soi khớp. Bà chia sẻ: “Được điều trị ngay tại địa phương, tôi giảm được rất nhiều về chi phí. Các y bác sĩ ở đây tận tình, chu đáo, máy móc, kỹ thuật cũng hiện đại, không khác gì ở bệnh viện tuyến trên, khiến tôi rất yên tâm”. 

Ngay từ đầu năm các bệnh viện tuyến tỉnh đã chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá, tìm hiểu khả năng chuyên môn kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện tuyến huyện được phân công giúp đỡ. Trên cơ sở đó đã xây dựng kế hoạch chuyển giao kỹ thuật phù hợp năng lực thực tế của từng đơn vị.

Ông Phan Đình Mỹ - Giám đốc TTYT huyện Phú Ninh cho biết, bắt đầu từ đề án 1816, TTYT huyện đã phân công bác sĩ về các trạm y tế xã hỗ trợ công tác khám chữa bệnh hàng tuần, chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật thường quy từ tiêm chủng, tiêm truyền, khám thai... cho đến chuyển giao các kỹ thuật sơ cấp cứu như bất động xương gãy, xử lý vết thương phần mềm...

Ông Mai Văn Mười cho biết thêm, công tác chuyển giao kỹ thuật theo tinh thần đề án 1816 được các đơn vị thực hiện ngày càng có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, do còn thiếu bác sĩ cả ở bệnh viện chuyển giao cũng như nơi tiếp nhận, kinh phí hoạt động chưa được bố trí, trang thiết bị một số nơi chưa đảm bảo nên việc chuyển giao kỹ thuật chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề ra. Cùng với đó, tiến độ đề án bệnh viện vệ tinh của BVĐK tỉnh thực hiện chậm do nguồn lực đầu tư chưa đảm bảo.

Theo chia sẻ của đại diện Bộ Y tế, trong thời gian tới, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được các bệnh viện trung ương triển khai đến bệnh viện tuyến tỉnh và sẽ triển khai hệ thống Telemedicine (chẩn đoán, điều trị từ xa) hỗ trợ hội chẩn trực tiếp qua màn hình với các ca cấp cứu không thể chuyển lên tuyến trên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thay đổi chất lượng y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO