Tiếp lửa cho tuyến đầu Quảng Nam

XUÂN HIỀN - VINH ANH 10/08/2020 08:41

Người cuối cùng bước qua cánh cửa tại Cảng Hàng không Chu Lai chiều 8.8 là Lê Thị Trang Nhung, một trong số ít các cô gái trong tổng số 38 bác sĩ, điều dưỡng tại tỉnh Phú Thọ tình nguyện vào “chi viện” cho các bệnh viện của Quảng Nam.

Y bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong buổi chia tay đơn vị để vào Quảng Nam. Ảnh: N.V.C.C
Y bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong buổi chia tay đơn vị để vào Quảng Nam. Ảnh: N.V.C.C

“Chào các bạn, chúng tôi lên đường”

Dòng thời gian trang cá nhân Facebook của Trang Nhung tràn ngập những lời động viên “Mạnh mẽ lên nhé”, “Đại thắng nhé các anh chị!”…, dù cô điều dưỡng xinh đẹp của Khoa Tư vấn và chăm sóc sức khỏe gia đình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ - Lê Thị Trang Nhung chỉ vỏn vẹn viết mấy chữ: “Chào các bạn, chúng tôi lên đường”.

Lân la bắt chuyện với cô gái có đôi mắt đẹp, và sống mũi thật cao sau lớp khẩu trang, chúng tôi bị bủa vây bởi bao nhiêu kinh ngạc. Và thầm ngưỡng mộ. Nhung kể lại chuyện đăng ký vào Quảng Nam sau lời phát động của Sở Y tế: “Ba mẹ mình già rồi, lại ở quê nên thông tin về dịch bệnh đôi khi không đúng. Để tránh ông bà phải lo lắng, mình gửi con cho chị gái chăm sóc hộ, rồi lên đường”.

Cùng với đoàn y bác sĩ của tỉnh Phú Thọ, chiều ngày 8.8, đoàn cán bộ Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn (thuộc Bộ Y tế, đóng tại Bình Định) gồm 10 người đã đến Quảng Nam hỗ trợ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.

“Liệu một điều dưỡng chỉ chuyên công việc chăm sóc sức khỏe gia đình, sẽ phải đối diện với môi trường làm việc đầy áp lực lẫn hiểm nguy như thế nào?”. Trang Nhung bật cười, cô nói, mười năm làm điều dưỡng đủ để bản thân trải qua những áp lực lẫn căng thẳng của công việc chăm sóc người bệnh. Và rằng “ngay trong lúc phải đối chọi với bệnh dịch, ngoài thuốc men, người bệnh cần được tiếp sức thêm về tinh thần”. Họ đã hình dung về những công việc mình phải thực hiện khi đặt chân đến đất Quảng. Trang Nhung chia sẻ, đoàn chỉ có khoảng chừng một ngày để sắp xếp bàn giao công việc, sau đó về nhà thu xếp hành lý để sáng ngày 8.8 lên đường.

Bác sĩ Trần Xuân Quang - Trưởng đoàn Y bác sĩ tình nguyện của tỉnh Phú Thọ cho biết, chỉ trong vòng hơn tiếng đồng hồ phát động trong toàn ngành, số lượng y bác sĩ, điều dưỡng đăng ký đến hơn 100 người. Sau khi lựa chọn bằng những tiêu chí riêng, đoàn được hình thành với 38 thành viên. Họ đã có một quãng thời gian để cùng ngồi với nhau, chia sẻ các phương pháp tác nghiệp tại vùng dịch cũng như nắm bắt tâm tư của từng người. Bác sĩ Trần Xuân Quang nói, những cảm xúc riêng tư của mỗi thành viên được san sẻ, và họ đồng lòng cùng đi chuyến bay đến vùng “đặc biệt”.

Vào vùng dịch

Chấp nhận mọi nguy cơ, gác lại nỗi niềm riêng tư để cùng hướng đến mục tiêu cao cả mà người chọn bước vào con đường Y khoa đã từng thề trước khi khoác lên mình chiếc áo blouse, cao nhất là cứu lấy sinh mệnh con người.

Đoàn y bác sĩ tình nguyện của tỉnh Phú Thọ chi viện cho tuyến đầu Quảng Nam. Ảnh: T.N
Đoàn y bác sĩ tình nguyện của tỉnh Phú Thọ chi viện cho tuyến đầu Quảng Nam. Ảnh: T.N

Bác sĩ Bùi Quốc Cường, sinh năm 1994, công tác tại Khoa Thận - lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ, thời gian 4 năm làm việc tại khoa đủ để anh biết cách tự trấn an mình trước mỗi ca nguy hiểm. “Trẻ mà!”, điều Cường nói ngay khi chúng tôi hỏi anh lý do tình nguyện đến Quảng Nam. Đó cũng là điều các y bác sĩ Phú Thọ chọn về xứ Quảng lần này chia sẻ tại buổi tiếp nhận. Nhưng hẳn cao hơn cả sức trẻ, là ý thức làm việc nghiêm túc của mỗi một “chiến sĩ” Y khoa.

Bác sĩ Phi Đình Phú, sinh năm 1987, làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay khi nhìn thấy hình ảnh đồng nghiệp của mình tại các đơn vị y tế ở Đà Nẵng, Quảng Nam đang căng mình chống dịch trong những bộ đồ bảo hộ kín bưng, anh đặt quyết tâm vào “vùng dịch” để cùng chia lửa với đồng nghiệp.

Chuyến đi này, các y bác sĩ gọi là đi “chi viện” cho đồng nghiệp xứ Quảng thân yêu. Họ đến để “hội quân” cùng với hàng trăm y bác sĩ đang trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (huyện Núi Thành), Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc), Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (thị xã Điện Bàn) và Trung tâm Y tế TP.Hội An. Những chiếc áo trắng từ đất Tổ đã không ngại ngần xắn tay áo cùng lực lượng chống dịch tuyến đầu của Quảng Nam, chỉ để mong đẩy lùi đại dịch.

“Hết dịch mới về nhà” - bác sĩ Bùi Thị Đến, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Phụ sản Nhi Phú Thọ đặt quyết tâm như vậy, ngay khi xác định tên mình sẽ phải có trong danh sách đến Quảng Nam. Người phụ nữ chúng tôi áng chừng vừa 40 tuổi này hài hước bảo rằng con mình đã quen với việc mẹ chúng phải đi liên tục những đợt dài ngày.

“Sẽ nhớ con, nhớ chồng. Nhưng quan trọng bây giờ không phải để cho những cảm xúc ấy lấn át. Chúng tôi sẽ hết mình hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ của Quảng Nam trong cuộc chiến này” - chị Bùi Thị Đến nói.

Buổi tiếp nhận đoàn y bác sĩ tình nguyện của Phú Thọ đến với Quảng Nam chỉ diễn ra chưa đầy nửa tiếng đồng hồ. Lực lượng y tế của Quảng Nam phải tranh thủ với từng công tác kiểm soát dịch bệnh ở các địa phương. Các y bác sĩ của Phú Thọ chưa kịp quen với cái nắng gắt gỏng tháng 8 của miền Trung, lại vội vã khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ kín mít, chia nhau đến các cơ sở y tế. Ở đó, bệnh nhân đang cần họ!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp lửa cho tuyến đầu Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO