Tuyến đầu chống dịch

XUÂN HIỀN (thực hiện) 08/08/2020 08:31

Như mỗi một đòn cân ở hai đầu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam đang trong những ngày làm việc căng thẳng và đặc biệt nhất. Ở đó, họ trực tiếp đối diện với dịch bệnh Covid-19.

Đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tập huấn các kỹ thuật cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BV ĐKTW Quảng Nam
Đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tập huấn các kỹ thuật cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: BV ĐKTW Quảng Nam

Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 của Quảng Nam - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã chính thức hoạt động từ ngày 4.8 từ quyết định của Bộ Y tế. Tất cả bệnh nhân dương tính trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận đã và sẽ được đưa về đây điều trị.

Ở cánh phía bắc Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận 94 bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển vào điều trị từ ngày 3.8 - với mục đích “chia lửa” với vùng tâm dịch. Nguyên tắc làm việc, công tác điều trị, những khó khăn về thiết bị, vật tư y tế, điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ y bác sĩ… đều phải được tính toán ở mức kỹ lưỡng nhất. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo của 2 bệnh viện này.

Bác sĩ Đinh Đạo - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam: Tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc an toàn trong phòng chống dịch

Hiện không khí làm việc nơi đây cực kỳ tập trung, mỗi người mỗi việc, tất cả đều hạ quyết tâm sớm điều trị khỏi cho người bệnh và hoạt động hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp. Chúng tôi đã thực hiện phương châm bốn tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ), với sự chi viện của bác sĩ tuyến Trung ương, sự nỗ lực của đội ngũ anh em bệnh viện và sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành liên quan và ý thức phòng chống dịch của người dân. Hy vọng rằng đại dịch này sẽ sớm kết thúc. Hiện chúng tôi đang tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và nghiên cứu phác đồ điều trị cho những người bệnh trong thời gian tới.

Các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam đang trực tiếp điều trị cho các ca bệnh nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về. Ảnh: TÔ MƯỜI
Các y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam đang trực tiếp điều trị cho các ca bệnh nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về. Ảnh: TÔ MƯỜI

Đối với bệnh truyền nhiễm, nguyên tắc số 1 là phải cách ly thật tốt. Đối với đại dịch này, đặc biệt trong khu vực bệnh viện phải đảm bảo nguyên tắc tuyệt đối cách ly nguồn bệnh. Do vậy, khi người bệnh bắt đầu bước chân vào, bệnh viện phải tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc cách ly của Bộ Y tế. Điều tiên quyết là có phương pháp bảo vệ và cố gắng không để các thầy thuốc bị lây bệnh và không để lây từ bệnh viện ra cộng đồng. Đối mặt với nguy cơ lây bệnh bất cứ lúc nào, nên chúng tôi yêu cầu tất cả nhân viên cẩn trọng tối đa, tuân thủ đầy đủ quy trình phòng hộ cá nhân và sẵn sàng ở lại khu cách ly điều trị để chăm sóc, điều trị bệnh nhân, sẵn sàng tự cách ly theo dõi sức khỏe bản thân sau khi kết thúc nhiệm vụ cho đến khi an toàn để trở về với gia đình và cộng đồng.

Chúng tôi chia bệnh viện thành 3 khu: vùng đỏ, vùng vàng và vùng xanh. Trong đó, 149 y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân dương tính ở khu vùng đỏ. Khu vùng vàng dành cho bệnh nhân đã âm tính. Khu vùng xanh là hành chính, để tiếp nhận các đoàn đến hỗ trợ. Tính đến sáng 6.8, bệnh viện đang điều trị cho 27 ca dương tính và đang tiếp nhận 8 ca nặng phải thở máy từ Bệnh viện Đà Nẵng.

Bác sĩ Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam: Hạn chế đến mức thấp nhất lây chéo cho cán bộ y tế

Mọi sự hỗ trợ, đều quý!

Thiếu nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, dụng cụ bảo hộ, những nhu yếu phẩm... Đó chính là tình trạng sẽ phải đối diện nay mai và cả trong hiện tại của rất nhiều cơ sở y tế. Bác sĩ Bùi Minh Hòa - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, chia sẻ: “Hiện nay, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các y bác sĩ trong bệnh viện phải xa cha mẹ, vợ chồng các con trong ít nhất một tháng. Bên cạnh đó còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm, điều kiện sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn”. Sự quan tâm, chia sẻ, sự chung tay góp sức của mọi người khắp nơi, sẽ giúp ít nhiều cho công tác phòng chống dịch hiện nay, nhất là với tuyến đầu y tế - “phòng tuyến” đối diện với nhiều hiểm nguy nhất.

Ngoài 94 ca điều trị cho bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về, chúng tôi vẫn tiếp tục điều trị và khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Hiện bệnh nhân cũ tại bệnh viện là 300 bệnh. Chúng tôi chia bệnh viện thành 2 khu, khu điều trị cách ly và khu khám chữa bệnh. Ở khu điều trị cách ly, chúng tôi điều phối 300 nhân viên y tế bao gồm y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… trực tiếp chăm sóc cho 94 ca bệnh này. Chưa kể, chúng tôi phải sắp xếp cho 20 người phục vụ hậu cần, chuyên lo việc nấu nướng sinh hoạt cho y bác sĩ và cả người nhà của 94 ca bệnh. Ở khu cách ly, chúng tôi yêu cầu đội ngũ y tế phải tuân thủ nguyên tắc an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch. Đây cũng là điều lo lắng nhất. Dù 94 ca này đã được xác định là âm tính, tuy nhiên nguy cơ mắc phải vi rút nCoV vẫn ở mức báo động từ cả bệnh nhân lẫn người nhà. Các ca được tiếp nhận đa số là ca bệnh nặng, phải thở máy 6 ca. Quan trọng nhất là phải hạn chế việc lây chéo cho nhân viên y tế, dù chúng tôi đã quán triệt kỹ đến từng cán bộ, nhưng lo lắng vẫn thường trực.

Lực lượng bệnh viện phải tập trung điều trị cho cả 2 khu, không thể chỉ tập trung hoàn toàn cho khu điều trị cách ly, vì người bệnh cũ và người dân tại địa phương vẫn đang cần đến đội ngũ y bác sĩ. Thiết bị, thuốc men của bệnh viện hiện nay phải đảm bảo trên 100% công suất của bệnh viện. Số lượng máy thở của bệnh viện đã có tính đến thời điểm này là 30 máy, có thể tiên lượng đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân nặng.

Tuy nhiên, điều khó nhất hiện nay là trang phục bảo hộ cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh điều trị tại khu vực cách ly. Hiện trong kho bệnh viện vẫn còn, nhưng với số lượng người đang điều trị và đội ngũ y tế tại bệnh viện như hiện nay, cộng với tình hình dịch bệnh đang diễn biến khó lường, chúng tôi e sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn các dụng cụ bảo hộ y tế.

Quảng Nam ơi, bao giờ đoàn viên?

Chị L.P.T là nhân viên Phòng truyền thông của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Chồng T. là bác sĩ T.H.Hải cũng làm việc tại bệnh viện. Bác sĩ Hải, theo lịch, từ ngày 4.8 làm việc tại “vùng đỏ” cùng hơn 145 y, bác sĩ khác để điều trị bệnh nhân dương tính với Covid-19. Những dòng nhật ký này chúng tôi đọc được trên dòng thời gian của T.: “Ngày đầu tiên bệnh viện thực hiện cách ly hoàn toàn, ai ai cũng vội vã hoàn thành các công việc còn lại trước khi đón bệnh nhân nhiễm Covid-19 vào. Sáng nay anh cũng lên để nhận nhiệm vụ vào khu đỏ là khu điều trị bệnh nhân hồi sức nặng. Hồi hộp lắm chứ, lo lắng lắm chứ nhưng cũng chỉ dám nói một câu: “Trước khi nhận ca và sau khi giao ca là điện báo cho mẹ biết nhé!”. Chồng ở trong khu đỏ, vợ ở ngoài khu xanh, chỉ cách có mấy bước chân nhưng không thể gặp mặt. Hết sức bảo trọng, giữ vững tinh thần lạc quan để chiến đấu cùng đồng đội ba nhé! Quảng Nam ơi, bao giờ mới được đoàn viên?”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuyến đầu chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO