Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh (KCB): Quảng Nam cần nguồn lực lớn hơn

XUÂN HIỀN - VINH ANH 13/12/2020 06:42

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành y tế gần như là điều bắt buộc để tiến tới xây dựng nền y tế thông minh. Tuy nhiên, nếu so sánh với bức tranh chung về ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng như trong ngành y tế toàn quốc, y tế Quảng Nam vẫn còn rất nhiều điều phải cải thiện.

 

CÔNG NGHỆ QUẢN LÝ BỆNH VIỆN

Cả người bệnh lẫn bệnh viện (BV) đều được “nhờ” khi đầu tư cho CNTT. Hiện nay, tất cả đơn vị y tế tuyến tỉnh đều đã trang bị hạ tầng CNTT ở mức cơ bản cũng như các ứng dụng phần mềm trong quản lý nhân lực, quản lý tài sản, phần mềm kế toán, phần mềm KCB, quản lý các bệnh truyền nhiễm...

Thí điểm bệnh án điện tử

Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc (BVĐKMN) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT vào hỗ trợ công tác KCB của Quảng Nam. Theo khảo sát từ Sở Y tế, nếu hạ tầng CNTT có 7 mức thì phần lớn các BV đạt ở mức 2 hoặc 3, trong khi đó BVĐKMN đạt ở mức 6.

Ông Tô Mười - Giám đốc BVĐKMN chia sẻ, ngay từ năm 2019, BV đã trang bị khá đầy đủ hệ thống máy móc cũng như tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn dành cho đội ngũ nhân viên. BV đang vận hành mô hình BV thông minh cũng như vận hành thí điểm hồ sơ bệnh án điện tử. Trung bình mỗi ngày BVĐKMN tiếp nhận từ 700 - 800 bệnh nhân, trong đó số lượng bệnh nhân điều trị nội trú gần 1.100 người/ngày. Tại tất cả phòng khám đều trang bị màn hình LCD và loa gọi giúp người bệnh khi đến khám nhìn thấy công khai thứ tự của mình.

Bà Nguyễn Thị Bảy – người dân huyện Nông Sơn, cho biết, tại BVĐKMN, người dân đến KCB không phải đợi quá lâu. “Trước đây mỗi khi đến khám bệnh, chúng tôi phải xếp hàng, chờ khá lâu. Hiện nay, theo hướng dẫn của BV, tôi chỉ cần đến bàn đăng ký, sơ bộ về bệnh lý, tình trạng sức khỏe, mọi thứ còn lại như cần khám ở phòng nào, cần đi chụp, chiếu ở đâu, đều được thông tin trên hệ thống nên cứ theo đó mà làm, rất tiện” – bà Nguyễn Thị Bảy nói.

Theo bác sĩ Tô Mười, việc ứng dụng CNTT vào quy trình KCB đã giúp người dân đơn giản hóa các thủ tục, giảm thời gian chờ đợi, đồng thời giúp đội ngũ y bác sĩ dễ dàng truy xuất thông tin, bệnh án của người bệnh để có phương án chăm sóc sức khỏe tối ưu. Với hồ sơ bệnh án điện tử, bác sĩ đã nắm được tiền sử bệnh tật của người bệnh thông qua việc kết nối với hồ sơ quản lý sức khỏe của mỗi người, giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác và quan trọng là không mất nhiều thời gian truy lục như trước đây. Bác sĩ chỉ mất thời gian rất ngắn để truy cập bệnh án người bệnh, từ đó có đầy đủ thông tin về người bệnh và đưa ra y lệnh điều trị kịp thời. Do vậy, ứng dụng CNTT mang đến rất nhiều tiện lợi cho các y bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Công nghệ ứng phó với dịch bệnh

Bắt đầu từ ngày 21.10, BVĐK tỉnh triển khai triển khai đăng ký KCB online qua điện thoại và internet nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian chờ đợi cho người đến khám bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Văn Khoa – Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, đây là một trong các hoạt động tiến tới xây dựng BV thông minh, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho bệnh nhân. Theo đó, Khoa Khám bệnh của BV sẽ tiếp nhận điện thoại của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân qua số điện thoại 1900969646 và qua kênh website http://www.bvdkquangnam.vn.

Sau khi bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đăng ký thành công, BV sẽ in phiếu đăng ký KCB của người bệnh với đầy đủ thông tin cá nhân, số thứ tự, tên bàn khám, giờ khám dự kiến và gọi điện để xác nhận thông tin; thông báo đăng ký thành công và nội dung phiếu đăng ký khám bệnh.

Tuy không mới nhưng động thái này được thực hiện rất kịp thời trong mùa cao điểm ứng phó với đại dịch Covid-19 cùng yêu cầu cao về giãn cách xã hội. Bác sĩ Khoa cho biết thêm, tại BVĐK tỉnh, bệnh nhân khi đến khám đã có hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử nên việc tra cứu các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ những lần khám trước rất nhanh chóng, thay cho việc phải chờ đợi các thủ tục hành chính để rút các hồ sơ bệnh án như trước.

Các khoa dự trù và cấp phát thuốc đều được thực hiện minh bạch, do đó người bệnh được công khai thuốc hàng ngày qua các phiếu in có đầy đủ thông tin về tên thuốc, hàm lượng, số lượng, nước sản xuất… đến giá tiền. CNTT còn giúp giảm 2/3 thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các thầy thuốc có thêm thời gian chăm sóc và tiếp xúc bệnh nhân.

Nhiều BV cả công lập và tư nhân đã chủ động xây dựng hệ thống CNTT hiện đại, cho phép xử lý trực tuyến nhiều nghiệp vụ cùng lúc. Báo cáo từ Sở Y tế cho biết, các BV đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế hai chức năng đã sử dụng phần mềm quản lý BV trong việc quản lý, điều hành và ứng dụng trong công tác KCB và thanh toán BHYT do Viễn thông Quảng Nam và Viettel cung cấp. Tất cả đều có phần mềm kết nối tự động các máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, tự động trả kết quả trên hệ thống, đảm bảo nhanh chóng thuận tiện, giúp bác sĩ có những y lệnh nhanh chóng xử lý với tình trạng của người bệnh.

Trong bối cảnh các dạng bệnh không lây nhiễm đang gia tăng trên toàn cầu và tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm đến 71% số tử vong toàn cầu, các hệ thống y tế đang phải đưa ra những quyết định khó khăn để đáp ứng nhu cầu KCB cấp bách do Covid-19, cùng lúc duy trì các dịch vụ y tế cho BN mắc bệnh không lây nhiễm, vốn đã quá tải. Do vậy, việc số hóa trong y tế là điều bắt buộc phải được thực hiện.

Ông Phạm Hồng Sơn - Giám đốc Điều hành GE Healthcare Việt Nam cho rằng, những biến động như dịch Covid-19 là tác nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế, đưa y tế đi theo một hướng mới hoàn toàn.

“Đại dịch khiến nhu cầu về y tế tăng đột biến, khó có thể đáp ứng theo cách trực tiếp truyền thống. Điều này đã nhanh chóng thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong y tế, việc mà trước đây có thể còn vướng mắc. Đây cũng là dịp để thấy rõ được hiệu quả và vai trò của công nghệ” - ông Sơn chia sẻ.

Lợi ích rõ ràng nhất của công nghệ số chính là cải thiện hiệu quả chẩn đoán bệnh, giảm tối đa lỗi do con người gây ra, tăng độ chính xác và quản lý bệnh nhân tốt hơn.

BV Đa khoa tỉnh đang thực hiện lộ trình xây dựng y tế thông minh, tạo diều kiện khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân.Ảnh: H.A
BV Đa khoa tỉnh đang thực hiện lộ trình xây dựng y tế thông minh, tạo diều kiện khám chữa bệnh tốt nhất cho người dân.Ảnh: H.A

CHƯA ĐỒNG NHẤT GIỮA CÁC ĐƠN VỊ

Hiện tại Sở Y tế vẫn chưa hình thành chương trình hành động, chưa có khung kiến trúc chính quyền điện tử, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong các lĩnh vực quản lý nhân sự, dược, trang thiết bị... Tại các đơn vị y tế dự phòng, mức độ áp dụng CNTT để thu thập, phân tích, theo dõi và cảnh báo dịch bệnh, quản lý vệ sinh lao động, y tế học đường, vệ sinh môi trường còn thấp...

Đây là những tồn tại được ngành y tế nhìn nhận trong quá trình tái kiến thiết để bắt đầu ứng dụng công nghệ số.

Thiếu và yếu

Ông Chơ Rum Thanh Vòm – Giám đốc TTYT huyện Nam Giang chia sẻ, hiện tại hạ tầng kỹ thuật CNTT tại đơn vị này chỉ mới đáp ứng ở mức cơ bản. Phần mềm, cơ sở dữ liệu, định dạng dữ liệu... chưa hoàn toàn đồng nhất giữa các đơn vị và hầu hết chưa đáp ứng các quy định chuẩn. Trong khi đó, việc quản lý trạm y tế xã còn nhiều phần mềm riêng lẻ, chưa bao phủ toàn bộ nghiệp vụ, chưa liên thông lên tuyến trên. Việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân chưa được thực hiện đồng bộ.

Riêng tại Sở Y tế, hiện chưa có các phần mềm quản lý dịch vụ hành chính công của ngành, từ quản lý hành nghề y, quản lý hoạt động thanh tra y tế, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý nhân lực, quản lý và phê duyệt danh mục kỹ thuật... Tất cả dịch vụ hành chính công trực tuyến do Sở Y tế cung cấp hiện thông qua Trung tâm hành chính công của tỉnh.

Ở lĩnh vực KCB, trừ một số đơn vị có hạ tầng kỹ thuật CNTT đáp ứng yêu cầu, còn lại vẫn chưa tạo dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến hồ sơ bệnh án điện tử như  LIS, PACS... Đại diện Sở Y tế cho rằng, vấn đề PACS còn liên quan đến hạ tầng CNTT, đường truyền..., do đó, việc thực hiện không dễ truyền tải dữ liệu. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn thông tin chưa được chú trọng đúng mức.

Trong khi đó, ở lĩnh vực dự phòng, ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, hiện các đơn vị vẫn chưa áp dụng CNTT trong theo dõi, thu thập, phân tích và cảnh báo dịch bệnh. Việc quản lý vệ sinh lao động, y tế học đường, vệ sinh môi trường... vẫn còn dừng ở mức cơ bản nhất. 

Khoảng trống nhân lực

Một cán bộ ngành y tế nhận định, trong thời gian qua, hầu hết đơn vị triển khai ứng dụng CNTT tùy theo nhu cầu, khả năng. Tuy nhiên, tại một số cơ sở vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong y tế. Với các bệnh viện công lập, nguồn lực đầu tư ứng dụng CNTT còn hạn chế và chủ yếu từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị, chi phí cho CNTT chưa được tính vào giá dịch vụ y tế. Mặt khác, thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ cho nhân viên chuyên trách CNTT trong các cơ sở y tế không cao, khó thu hút nhân lực đáp ứng yêu cầu, hoặc khó tuyển dụng vì liên quan đến biên chế, nguồn thu để hợp đồng ngoài chỉ tiêu...

Nhân lực phụ trách CNTT trong ngành y tế vẫn là một khoảng trống từ nhiều năm nay. Ở tuyến tỉnh, tại 3 đơn vị BVĐK chỉ có từ 3 - 4 cán bộ CNTT. Trong khi tại BV Da liễu, BV Mắt và BV Y học cổ truyền hiện vẫn chưa có cán bộ phụ trách CNTT. Tuyến huyện còn 5 đơn vị chưa có cán bộ CNTT bao gồm các trung tâm y tế Đại Lộc, Núi Thành, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My.

Nhiều ý kiến cho rằng, chế độ, chính sách đãi ngộ cho nhân viên chuyên trách CNTT trong ngành y tế không cao nên khó thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Trong khi đó nhiều đơn vị chưa quan tâm đến kiện toàn tổ chức lực lượng chuyên trách CNTT. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng CNTT tại chỗ lẫn cán bộ viên chức cũng chưa được quan tâm đúng mức…

TẬP TRUNG HOÀN CHỈNH TRUNG TÂM DỮ LIỆU

Một đề án về “Triển khai ứng dụng CNTT trong ngành y tế Quảng Nam giai đoạn 2020-2025” với cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ vừa được Sở Y tế xây dựng. Với những mục tiêu và hoạt động cụ thể, việc ứng dụng CNTT góp phần xây dựng hệ thống y tế tỉnh Quảng Nam hiện đại, chất lượng, minh bạch, giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất.

Ứng dụng CNTT trong ngành y tế là điều bắt buộc trong xu thế 4.0. Ảnh: H.A
Ứng dụng CNTT trong ngành y tế là điều bắt buộc trong xu thế 4.0. Ảnh: H.A

Theo đó, đề án tập trung hoàn chỉnh hạ tầng trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành y tế. Ứng dụng các công nghệ thông minh để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách y tế phù hợp. Hình thành cơ sở dữ liệu thống kê y tế, cung cấp số liệu phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách của ngành y tế.

Đại diện Sở Y tế cho biết, trong năm 2020, sở ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn ngành, bao gồm phần mềm thống kê y tế điện tử (đã triển khai cả 4 tuyến xã, huyện, tỉnh và tuyến trung ương), phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin quản lý nguồn nhân lực y tế kết nối thông suốt giữa các tuyến, hệ thống thông tin quản lý cung ứng thuốc, kiểm nghiệm thuốc và tiêu chuẩn kỹ thuật ngành dược, hệ thống thông tin quản lý trang thiết bị y tế...

Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện các phần mềm quản lý và số hóa BV cũng như đồng bộ mã số định danh y tế, từng bước xây dựng “BV thông minh”. Tại tất cả cơ sở KCB theo lộ trình tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt...

Ứng dụng khám chữa bệnh từ xa

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam có 12 cơ sở y tế trong tổng số 1.000 điểm cầu KCB từ xa Telehealth của đề án “Khám chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 do Bộ Y tế xây dựng. Đây là cơ hội cho bệnh nhân của Quảng Nam được chữa bệnh với bác sĩ tuyến trung ương, tuyến trên. Thông qua nền tảng CNTT, các cơ sở y tế tuyến dưới được hỗ trợ chuyên môn định kỳ và đột xuất từ các BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Theo đó, các BV tuyến trên sẽ thực hiện giao ban trực tuyến định kỳ và có những hướng dẫn, hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời về mặt chuyên môn trong công tác KCB, đồng thời thực hiện hội chẩn các ca bệnh nặng, ca khó chẩn đoán, vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới qua hệ thống Telehealth này.

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Trung tâm CNTT của VNPT Quảng Nam cho biết, ngoài phần mềm KCB, đích cuối là các BV phải triển khai bệnh án điện tử. Hiện nay, gần như 100% các BV, phòng khám có phần mềm quản lý KCB, việc thanh toán bảo hiểm đã được đẩy lên cổng dữ liệu. Vấn đề ứng dụng CNTT trong ngành y tế hiện “trăm hoa đua nở”. Trước đây, bên bảo hiểm chưa siết chặt việc thanh toán bảo hiểm thì các BV không quan tâm đến phần mềm quản lý KCB. Nhưng bây giờ thì một bệnh nhân vừa vào BV khám xong thì lập tức dữ liệu được đẩy lên cổng dữ liệu Bộ Y tế.

Nói vậy nhưng so với những thành phố lớn thì việc ứng dụng CNTT của Quảng Nam cũng còn rất hạn chế, nhất là trong việc triển khai hệ thống lưu trữ và chuyển tải hình ảnh. Đây là mảng phức tạp, tốn tiền, do phải đầu tư lớn, đồng bộ chứ không phải muốn là làm được. Dù các máy xét nghiệm đã có cổng kết nối, dễ dàng đẩy lên phần mềm, nhưng mảng chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chiếu phim… thì cần đầu tư rất lớn.

“Các thiết bị chẩn đoán hình ảnh của mình đã đầu tư từ lâu, lỗi thời, hiện không thể cập nhật dữ liệu lên phần mềm. Vì thế bắt buộc phải đầu tư những thiết bị, máy móc hiện đại hơn. Nhưng nếu bây giờ phải thay toàn bộ thiết bị chẩn đoán hình ảnh ở các BV thì cả vấn đề. Còn về phần mềm thì không vướng lắm vì đã có đầy đủ tất cả model. Vẫn là câu chuyện về đầu tư nhưng nếu không triển khai được hệ thống lưu trữ và chuyển tải hình ảnh thì không thể nào triển khai bệnh án điện tử được” - ông Nguyễn Văn Bình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh (KCB): Quảng Nam cần nguồn lực lớn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO