Với trẻ con, cần sự nhẹ nhàng

LÊ QUÂN 26/02/2021 09:36

Bước qua năm thứ 21 trong ngành y, với ThS-BS. Huỳnh Thị Thanh Thúy, những buồn vui đã trải, đặc biệt cảm xúc với trẻ con, gần như chưa bao giờ vơi.

ThS-BS. Huỳnh Thị Thanh Thúy - “thầy thuốc ưu tú” của Quảng Nam. Ảnh: NVCC
ThS-BS. Huỳnh Thị Thanh Thúy - “thầy thuốc ưu tú” của Quảng Nam. Ảnh: NVCC

Một ngày tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và bệnh lý sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, hình như ít ngày nào vắng tiếng bác sĩ Thúy. Người phụ nữ cao gầy này dường như gom vào mình rất nhiều toan lo của bao nhiêu bà mẹ khác. Bởi đây gần như là khoa đặc biệt nhất - khi bệnh nhân đều gặp phải những bệnh lý ở dạng nặng hoặc còn rất nhỏ.

Riêng các câu chuyện xảy ra tại phòng cấp cứu, hầu như ở bệnh viện nào cũng chứa đựng đầy những kịch tính. Ở đó, niềm vui và nỗi buồn đan xen lẫn nhau, những cung bậc cảm xúc thay đổi từ khi nhận bệnh cho đến lúc chuyển khoa cho bệnh nhân. Với riêng bệnh nhi, đó còn là bao nhiêu lo lắng của bậc cha mẹ.

BS. Huỳnh Thị Thanh Thúy nói: “Làm việc trong ngành y tế, đặc biệt là chuyên ngành Nhi là một áp lực rất lớn. Hơn nữa, Bệnh viện Nhi Quảng Nam mới thành lập, còn nhiều khó khăn về nhân lực và trang thiết bị, đặc biệt là những thiết bị chuyên biệt cho sơ sinh”.

Dường như cuộc đời người nữ bác sĩ này gắn liền với những áp lực. Năm 2000, khi vừa ra trường, bác sĩ Thúy làm việc tại Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, Đà Nẵng; đến năm 2006 về làm việc tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, lúc bấy giờ là Bệnh viện Nhi Quảng Nam. Từ đây, bác sĩ Thúy chuyên tâm để nâng cao tay nghề và liên tục cập nhật những kiến thức y khoa mới trong điều trị.

Nhiều năm liền, ê kíp bác sĩ Thúy cùng đồng nghiệp đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, hạ thấp tỷ lệ tử vong. Trong đó có những trường hợp rất nặng như trẻ bị uốn ván sơ sinh nặng với thời gian thở máy kéo dài gần 1 tháng, nhiều trường hợp sốc nhiễm trùng có suy đa phủ tạng, bệnh màng trong nặng độ 3 - 4.

Cũng chính người phụ nữ này đã tiên phong đề xuất triển khai nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, từ việc lần đầu sử dụng Surfactant để điều trị bệnh màng trong cho trẻ đẻ non; đặt catheter vào tĩnh mạch trung tâm qua tĩnh mạch ngoại vi (PICC); đặt catheter động mạch, tĩnh mạch rốn; ứng dụng phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo cho trẻ suy thở...

Đặc biệt hơn, sự dấn thân của bác sĩ Thúy giúp nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài cho trẻ sơ sinh cực non tuổi thai 26 - 28 tuần, nhiều trẻ trọng lượng 740gram - 1.100gram đã được cứu sống; triển khai kỹ thuật thay máu điều trị vàng da sơ sinh nặng…

Nghề y là nghề mà hàng ngày phải đối mặt với những áp lực. Áp lực về sự quá tải, áp lực bệnh nhân nặng cũng như áp lực từ chính bản thân mình về chuyên môn. Có những lúc mải miết làm việc quên cả thời gian, bác sĩ Thúy nói, chị vẫn luôn tâm niệm rằng “hễ còn ý kiến chê trách về tinh thần thái độ phục vụ là chưa hết lòng thương yêu bệnh nhân”, thì chị vẫn còn phải phấn đấu nhiều hơn. Và dĩ nhiên, bên cạnh y đức của một thầy thuốc, riêng bác sĩ cho trẻ con, còn là sự nhẹ nhàng, ngọt ngào và dịu dàng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Với trẻ con, cần sự nhẹ nhàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO