Hôm nay 16.12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15.11.2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (gọi tắt Nghị quyết 41). Thời gian qua nhờ những hoạt động tích cực, môi trường ở Quảng Nam có nhiều chuyển biến, xử lý dứt điểm nhiều “điểm đen” gây ô nhiễm.
Khắc phục hậu quả
Các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh trước đây thực hiện chính sách ưu đãi thu hút các dự án phát triển công nghiệp nên khâu đánh giá tác động môi trường, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải gần như chưa chú trọng. Các KCN như Bắc Chu lai, KCN và hậu cần cảng Tam Hiệp, Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, Thuận Yên, Đông Quế Sơn và Điện Nam – Điện Ngọc đưa vào hoạt động những năm đầu gần như “trắng” hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện tại KCN Bắc Chu lai và Điện Nam – Điện Ngọc đã khắc phục, đầu tư hệ thống xử lý mới đạt chuẩn và đều đánh giá ĐTM. Điểm sáng môi trường ở mô hình CCN, điển hình nhất là CCN Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) bởi nơi đây xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 200m3/ngày đêm từ dự án của Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Thêm nữa, 16 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được xác định gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hai năm trước bây giờ đã khắc phục, thoát khỏi “danh sách đen”. Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh giải quyết được 1.870 hồ sơ giảm thiểu tác động xấu của ngành công nghiệp đến môi trường. Trong đó, tỉnh phê duyệt 258 hồ sơ tác động môi trường, 44 hồ sơ đề án bảo vệ môi trường (BVMT) chi tiết, Sở Tài nguyên - môi trường cấp 324 sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Kè mềm bảo vệ nước biển xâm thực gây xói lở đất tại bờ biển Cửa Đại. Ảnh: T.H |
Môi trường không chỉ cải thiện ở KCN, CCN mà cả khu dân cư. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, sau gần 2 năm thực hiện đã có 116 xã, thị trấn thuộc các huyện, thành phố triển khai đề án quản lý chất thải rắn vùng nông thôn. Tổng khối lượng rác thải thông thường do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam và Công ty CP Công trình công cộng Hội An mỗi ngày thu gom, vận chuyển, xử lý 680 tấn. Từ khi Nghị quyết số 41 ra đời, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể hóa bằng các chương trình hành động. Chính quyền các địa phương lần lượt xây dựng mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT” gắn chặt với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; mô hình tự quản bảo vệ cây xanh đường phố, đường làng; mô hình thu gom rác thải tập trung; mô hình giảm thiểu túi ni lông, “Phụ nữ cam kết không vứt rác thải bừa bãi, xây dựng hố rác gia đình”. Ngoài ra, một số nơi triển khai mô hình điểm chuồng trại xa nhà, giếng nước, nhà tiêu hợp vệ sinh và nâng cấp tu sửa đường bê tông, cống rãnh thoát nước, thu gom, xử lý chất thải nông thôn và chất thải trong chăn nuôi. Thông qua hợp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực đông dân nghèo, Bộ Tài nguyên - môi trường đầu tư 18 tỷ đồng trình diễn các dự án cải thiện môi trường chợ Bà Rén (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn); thu gom và xử lý nước thải CCN Trường Xuân và khu giết mổ gia súc tập trung phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ); xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn đảo Cù Lao Chàm; xây dựng hệ thống cấp nước sạch và cải tạo môi trường đất cho xã Quế Lưu (Hiệp Đức).
Nhiều việc cần làm
Do quản lý nhà nước lỏng lẻo nên nhiều nơi vi phạm phổ biến pháp luật về BVMT. Đơn cử, phần lớn các CCN trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống nước cấp tập trung phục vụ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong các CCN, khu đô thị đầu tư thiếu đồng bộ. Chưa kể yếu kém trong khâu điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt, nước ngầm, hiện trạng khai thác, sử dụng nước, quy hoạch tài nguyên nước, khoanh định các khu vực nguồn nước bị cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Theo báo cáo của các địa phương, hiện có trên 400 doanh nghiệp sử dụng nước và xả nước thải thuộc trường hợp phải xin cấp phép tài nguyên nước, nhưng chỉ có 137 doanh nghiệp đáp ứng thủ tục hồ sơ đúng quy định.
Đánh giá về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41, UBND tỉnh cho rằng, chuyển biến tích cực nhất là huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng, từng bước khắc phục hậu quả môi trường. Hàng trăm tỷ đồng dành cho các hợp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường đô thị TP.Tam Kỳ. Đáng nói, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân đã thay đổi nhận thức về pháp luật BVMT. |
Khâu xử lý chất thải nguy hại còn bất cập do hầu hết doanh nghiệp tự bảo quản và lưu giữ chất thải tại cơ sở sản xuất. Việc lưu giữ quá lâu, bảo quản chưa đúng cách sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường nhìn nhận, công tác BVMT còn nhiều việc phải làm trước phức tạp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nguồn vốn cho lĩnh vực môi trường chủ yếu từ ngân sách của tỉnh, chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế, xã hội tham gia, số dự án có nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực BVMT chiếm tỷ lệ thấp. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, vì nguồn lực có hạn nên các địa phương chưa có biện pháp BVMT lâu dài như xây dựng các quy hoạch sử dụng đất lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng chính sách sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng gió). Các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên các dòng sông, ngọn núi, tình trạng chặt phá rừng vẫn còn xảy ra… góp phần tạo ra nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, lũ quét. “Quan điểm của tỉnh là khi chọn các dự án đầu tư “sát hạch” kỹ mức độ tác động tiêu cực của dự án đến môi trường và vốn mà dự án bố trí cho công trình xử lý chất thải. Ưu tiên dự án sử dụng công nghệ sạch, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; kiên quyết từ chối các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường ” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho biết.
Theo UBND tỉnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41, tỉnh sẽ siết chặt hơn nữa quản lý nhà nước trong hoạt động BVMT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Cạnh đó, nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư về thuế và tài chính để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án thu gom và xử lý rác thải, cơ sở hạ tầng BVMT.
TRẦN HỮU