(QNO) - Nếu đang có ý định nâng cấp laptop mới cho nhu cầu công việc và giải trí trong năm nay, bạn nên cân nhắc đến việc thiết bị đó có sở hữu những tính năng sau hay không.
Từ năm 2010 trở về, người dùng cá nhân và doanh nghiệp thường nâng cấp laptop theo chu kỳ 3 năm bởi công nghệ thay đổi rất nhanh, chỉ sau hơn năm đã cảm thấy lỗi thời. Nhưng nếu laptop của bạn đang dùng được khoảng hơn 2 năm thì laptop mới hiện nay sẽ không cải thiện quá nhiều về hiệu năng. Lý do là bởi các laptop hiện nay tập trung vào độ sắc nét màn hình, chip xử lý tiết kiệm điện và thiết kế đa năng...
Dưới đây là một số tính năng mà laptop mới của năm 2015 nên có, theo đánh giá của trang công nghệ Laptopmag.
1. Màn hình độ phân giải cao
Vài năm trước, đa số màn hình laptop có độ phân giải phổ biến là 1366 x 768 pixel, kể cả với những model cao cấp. Màn hình với độ phân giải như trên hầu như chỉ đáp ứng được những nhu cầu cơ bản trong công việc và giải trí, nó không tạo được cho người dùng cảm giác chân thực khi thưởng thức các sản phẩm có chất lượng hình ảnh Full HD trở lên (phim, video ca nhạc, game).
Hiện tại, với một mức giá phải chăng, bạn có thể tìm cho mình một chiếc laptop với màn hình có độ phân giải 1080p hoặc cao hơn, tiêu biểu như Dell XPS 13 (màn hình full HD) với mức giá 799 USD (khoảng 17 triệu đồng).
2. Màn hình cảm ứng
Công nghệ màn hình cảm ứng trên laptop từ khá lâu nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ ở mức khá cao. Không những vậy, Windows 7 và Windows XP cũng không hỗ trợ tốt màn hình cảm ứng.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ với 250 USD (khoảng 5,3 triệu đồng) trở lên là bạn đã có một chiếc laptop có màn hình cảm ứng. Tất nhiên, nếu có điều kiện bạn nên bỏ thêm tiền để sở hữu một phần cứng mạnh mẽ hơn cho các nhu cầu khác của mình. Hơn nữa, từ phiên bản Windows 8 trở lên và sắp tới là Windows 10 đều hỗ trợ tốt màn hình cảm ứng, đa số các ứng dụng cho Windows 10 cũng có phiên bản cảm ứng, kể cả bộ Office của Microsoft. Vì vậy, bạn nên cân nhắc đến việc mua một chiếc máy tính hỗ trợ màn hình cảm ứng vào thời điểm này.
3. Vi xử lí Intel Broadwell
Intel vừa ra mắt chip Intel Core thế hệ thứ 5 Broadwell. Với vi xử lí mới này, chiếc laptop của bạn không chỉ hoạt động nhanh hơn mà còn tiết kiệm điện năng hơn chiếc laptop cũ cách đây 2 hoặc 3 năm.
4. Trang bị ổ cứng SSD
Những chiếc laptop cách đây 4 năm thường chỉ có ổ đĩa cứng HDD truyền thống. Nhưng hiện nay, nhiều laptop đã được tích hợp ổ cứng SSD với tốc độ xử lí nhanh gắp 300% so với thế hệ ổ cứng HDD trước đây. Với ổ cứng SSD, bạn hầu như có thể ngay lập tức đánh thức máy tính từ trạng thái "Sleep" (ngủ) hoặc khởi động ngay tức thì các ứng dụng như trình duyệt Chrome, ứng dụng Office (chỉ khoảng 1 giây). Trước đây, bạn phải thêm khoảng 300 USD cho lựa chọn ổ cứng SSD nhưng hiện nay với giá khoảng 800 USD trở về bạn đã sở hữu được một chiếc laptop với ổ cứng SSD 128GB.
5. Laptop 2 trong 1
Khi bạn cần gửi mail, lướt web hoặc làm việc không gì tốt hơn là dùng laptop có bàn phím và touchpad truyền thống. Tuy nhiên, nếu đang ở trên máy bay hoặc đang xếp hàng trước một cửa hiệu và chỉ muốn kiểm tra Facebook thì một chiếc tablet lại tỏ ra hữu ích hơn. Nhiều chiếc laptop thế hệ mới được thiết kế với tính năng 2 trong 1, nghĩa là nó có thể hoạt động như một chiếc laptop thông thường và khi cần thiết bạn có thể gấp lại như một chiếc tablet, điều mà những chiếc laptop cách đây 3 năm ít khi làm được.
6. Hỗ trợ Wi-Fi 802.11ac
Ngày nay, hầu hết laptop đều hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 802.11ac vì nó có tốc độ nhanh hơn 3 đến 10 lần so với chuẩn cũ, đặc biệt là khi bạn di chuyển chiếc laptop của mình cách xa định tuyến. Để tận dụng sức mạnh của chuẩn Wi-Fi 802.11ac trên chiếc laptop mới, bạn nên bỏ ra khoảng 100 USD (hơn 2 triệu đồng) để mua một router mới hỗ trợ chuẩn này. Các thiết bị di động như điện thoại cũng được hưởng lợi từ điều này vì hầu hết các smartphone phát hành gần đây đều hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 802.11ac.
7. Tích hợp camera RealSense của Intel
Trong khi điện thoại và máy tính bảng đã được trang bị máy ảnh có độ phân giải cao với nhiều tính năng thú vị hơn trong những năm vừa qua thì có vẻ như những chiếc webcam trên laptop vẫn chưa có nhiều thay đổi.
Tuy nhiên, nếu chiếc laptop của bạn được trang bị camera RealSense 3D của Intel thì mọi thứ có thể sẽ khác vì camera này được trang bị hai cảm biến chiều sâu cùng một ống kính tiêu chuẩn để quét khuôn mặt và biến nó thành avatar (loại bỏ cả hình nền phía sau của bạn) và có khả năng kiểm soát cử chỉ khá tốt. Thậm chí, camera này còn có thể quét 3D các vật thể.
Một số laptop có trang bị tính năng này là Dell Inspiron 15 5000, Acer V 17 Nitro và Lenovo ThinkPad Yoga 15. Dự kiến trong năm nay sẽ có nhiều laptop trang bị camera RealSense ra mắt trên thị trường.
8. Hỗ trợ USB 3.0
Mọi người đều thích kết nối USB vì nó giúp sao chép dữ liệu từ các thiết bị với nhau mà không phải tốn cước phí. Những chiếc laptop thế hệ cũ cũng có cổng USB nhưng không hỗ trợ chuẩn USB 3.0. Chuẩn USB 3.0 có tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh gấp 10 lần chuẩn 2.0 và cho phép bạn sử dụng một loạt thiết bị ngoại vi với tốc độ cao.
9. Xuất nội dung lên màn hình lớn không dây
Khoảng 4 năm trước đây, công nghệ xuất nội dung trên màn hình không dây chỉ xuất hiện trên một vài laptop nhưng tốc độ truyền hình ảnh còn chậm và hay bị lag. Tuy nhiên, những chip mới của cả Intel và AMD hiện nay đều hỗ trợ tính năng này trên những chiếc laptop. Cụ thể, bạn có thể xuất nội dung từ màn hình laptop sang TV với sự hỗ trợ của một thiết bị chuyển đổi hoặc chuẩn Miracast.
10. Chạy Windows 8.1 hoặc Windows 10
Sự hiện diện của Windows 8.1 cũng là một trong số những lí do khiến nhiều người quyết định mua laptop. Mặc dù bạn có thể thấy khó thao tác với màn hình điều khiển của Windows 8.1 nhưng tốc độ xử lí tác vụ của phiên bản này có thể thuyết phục bạn hoàn toàn. Quan trọng hơn, từ Windows 8.1 bạn có thể được nâng cấp miễn phí lên phiên bản Windows 10 mới nhất với sự tích hợp cả trợ lí ảo Cortana.
Theo vnreview