2016, năm cải cách hành chính

NGUYÊN ĐOAN - VINH ANH (thực hiện) 01/01/2016 08:03

Năm 2016 được Quảng Nam xác định là năm cải cách hành chính (CCHC), và quyết tâm tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Trao đổi với Báo Quảng Nam trước thềm năm mới 2016, các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ quyết liệt chỉ đạo công tác CCHC ngay từ năm đầu nhiệm kỳ.

Giai đoạn mới, Quảng Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại, lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm.  Ảnh: T.DŨNG
Giai đoạn mới, Quảng Nam quyết tâm thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại, lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm. Ảnh: T.DŨNG

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY PHAN VIỆT CƯỜNG: Nỗ lực ngay từ đầu

Theo định hướng phát triển, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định 4 khâu đột phá cần chỉ đạo quyết liệt đó là: CCHC, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết:

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngoài việc chỉ đạo các nhiệm vụ thường xuyên, Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Toàn tỉnh nêu cao quyết tâm chính trị phải tạo chuyển biến nhanh ngay trong năm 2016 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

* Nhìn nhận lại kết quả thực hiện công tác CCHC của tỉnh thời gian qua, đồng chí có đánh giá như thế nào?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Có thể khẳng định công tác CCHC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các nội dung được chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát yêu cầu của chương trình tổng thể, kế hoạch CCHC giai đoạn 2011 - 2015 và các quy định, chỉ đạo có liên quan của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các giải pháp bảo đảm CCHC được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sát thực tế giúp nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo và tăng cường hiệu quả thực hiện. Từ thực tiễn triển khai CCHC, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều sáng kiến, cách làm đột phá, đẩy nhanh tiến trình thực hiện trên địa bàn tỉnh, được cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều sáng kiến qua kiểm nghiệm thực tiễn đã trở thành cơ chế, chính sách quản lý và phục vụ nhân dân. Kinh nghiệm phối hợp triển khai các đề án, nhiệm vụ CCHC giữa các sở, ngành, địa phương được nâng lên rõ rệt.

Những kết quả đạt được trong công tác CCHC đã tác động tích cực vào hoạt động quản lý điều hành, nâng cao một bước hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính các cấp. Góp phần ổn định, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội; môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều tiến bộ, thu hút được nhiều dự án đầu tư mới; tạo được khí thế phấn khởi và bước đầu nhận được sự tin tưởng của nhân dân.

* Vậy, còn những mặt nào hạn chế, thưa đồng chí?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Có thể thấy, một số kết quả và tiến bộ đạt được chưa đồng đều giữa các địa phương, đơn vị và chưa thật sự bền vững. Việc tham mưu đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa đạt yêu cầu về nội dung, tiến độ thực hiện. Tỉnh xác định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng vẫn còn một số lĩnh vực, công việc chưa thật sự được quan tâm rà soát để đơn giản hóa. Nền công vụ từ tỉnh đến cơ sở chưa thực sự chuyển biến tốt theo hướng phục vụ nhân dân; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm; tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân cũng như hiệu quả và chất lượng công việc ở một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Vẫn còn trường hợp công chức, viên chức vi phạm kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật, làm giảm niềm tin của nhân dân.

*  Đồng chí có thể cho biết quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với công tác CCHC thời gian đến?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Trước yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện công tác CCHC như đã nêu, đòi hỏi Quảng Nam phải tiếp tục đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016 - 2020 với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn. Định hướng chung là tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác CCHC của tỉnh. Đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện CCHC của tỉnh trong thời gian qua để xem xét, bổ khuyết các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện việc đẩy mạnh công tác CCHC giai đoạn 2016 - 2020 được đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Tỉnh ủy cũng vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện, các đoàn thể chính trị - xã hội, từ nay về sau, không tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao (kể cả luyện tập) trong giờ hành chính, trừ những trường hợp đặc biệt trong khuôn khổ hoạt động lễ hội do Trung ương chủ trì.

Quyết tâm chính trị của tỉnh là phải thực hiện cho được mục tiêu ba giảm, đó là: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện CCHC.

*  Như vậy, nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC sẽ là gì, thưa đồng chí?

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Trọng tâm công tác CCHC của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng dịch vụ công và đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo giảm thành phần hồ sơ, giảm thời gian xử lý, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện thật sự có hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại, lấy người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân làm thước đo thành công trong công tác CCHC của tỉnh.

- Xin cảm ơn đồng chí!

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH HUỲNH KHÁNH TOÀN: Thước đo đánh giá năng lực người đứng đầu

Năm 2016, Quảng Nam xác định là năm cải cách hành chính (CCHC). Theo đó, công tác CCHC phải là khâu đột phá quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và lấy kết quả thực hiện CCHC, chỉ số CCHC làm thước đo đánh giá trình độ, năng lực của người đứng đầu, của tập thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt và là cơ sở quan trọng để xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nâng ngạch, nâng lương, thi đua khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thông qua kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: T.DŨNG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khai trương Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: T.DŨNG

Trong năm 2016, toàn tỉnh tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết, ở một số lĩnh vực như: đầu tư, thành lập doanh nghiệp, đất đai, môi trường... góp phần thực hiện các chương trình, mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính. Vừa qua UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh nhằm tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp với quy định, sát với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế hiện nay. Trong đó tập trung vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề xuất phương án, lộ trình sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu quả, không chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo tôi, mục tiêu cuối cùng của CCHC là đem lại sự hài lòng cho người dân và cơ quan, tổ chức khi có nhu cầu đến giao dịch với cơ quan công quyền. Vì vậy, ngoài các giải pháp hiệu quả, yếu tố con người vẫn mang tính quyết định. Do đó, bên cạnh nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn sâu, kỹ năng làm việc thành thạo, giàu tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, chúng ta cũng cần có cơ chế phát huy động lực làm việc, tạo môi trường làm việc, khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trong thời gian đến, các cấp, các ngành thuộc tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đề ra nhiều biện pháp để tổ chức thực hiện, khắc phục những hạn chế về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi trễ - về sớm, làm việc riêng, nhất là uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa của ngày làm việc...

TINH GIẢN BIÊN CHẾ

Thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đặc biệt là việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, huyện, góp phần thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Nói về công tác này, ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:

Năm 2015, tỉnh đã trình Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thẩm định 335 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc ngay, cụ thể có 12 người thuộc khối Đảng, 318 người thuộc khối Nhà nước, 3 người thuộc khối doanh nghiệp và 2 người thuộc các tổ chức hội. Trong đó có 327 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi và 8 trường hợp thôi việc ngay. Qua đó, Bộ Nội vụ đã thẩm định thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 với Quảng Nam là 211 cán bộ công chức, viên chức (trong đó cán bộ công chức 46 người, viên chức 162 người). Đối với năm 2016, tỉnh đã trình Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thẩm định 223 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc ngay, trong đó có 214 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi và 9 trường hợp thôi việc ngay. Bộ Nội vụ đã thẩm định, đồng ý thực hiện tinh giản biên chế đợt 1 năm 2016 đối với 185 cán bộ công chức, viên chức (trong đó cán bộ công chức 32 người, viên chức 153 người).

Hướng dẫn người dân điền hồ sơ tại bộ phận một cửa.
Hướng dẫn người dân điền hồ sơ tại bộ phận một cửa.

* Trong quá trình thực hiện tinh giản biến chế có gặp khó khăn nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Sáng: Người đứng đầu là điểm mấu chốt đầu tiên và quan trọng nhất, cũng là điểm khó nhất trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế. Dù biện pháp có hay và phù hợp đến đâu, nếu người đứng đầu không quyết tâm, không có bản lĩnh, tâm huyết thì không thể nào tinh giản được biên chế. Hiện nay, cơ chế chính sách, thẩm quyền tinh giản biên chế được giao cho người đứng đầu, nhưng đâu đó vẫn có tình trạng cấp trên e ngại, nể nang, thiếu bản lĩnh, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu khách quan, công tâm khi thực hiện việc đánh giá, phân loại. Thậm chí, có người còn muốn chạy theo thành tích, muốn đơn vị mình không có người nào hạn chế về năng lực hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, kết quả đánh giá, phân loại cuối năm, tỷ lệ cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ tốt, hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ không phản ánh đúng với chất lượng công tác.

Bên cạnh đó, việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức được coi là tiền đề quan trọng trong tinh giản biên chế nhưng lại được cho là khâu nhạy cảm nhất. Ai sẽ trong diện phải ra đi, không phải là bài toán đơn giản. Bởi, dù hình ảnh một công chức yếu kém đã được phác họa nhưng để đánh giá thực chất, minh bạch và công khai trong thực tế thì gặp vô vàn khó khăn. Các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức mới chủ yếu mang tính chất định tính, thiếu tính định lượng, rất khó xác định mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ cụ thể. Do đó, các bản đánh giá cuối năm của cán bộ công chức, viên chức cứ na ná nhau. Hầu hết công chức hàng năm đều được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, trong khi phẩm chất, năng lực của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, lại có trường hợp cán bộ công chức, viên chức có nguyện vọng thực hiện tinh giản biên chế nhưng vì trình độ đào tạo trên chuẩn, phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nên không thể đưa vào diện tinh giản biên chế. Công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động bình thường và hàng năm đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, đưa vào diện tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự và cơ cấu lại công chức, viên chức theo vị trí việc làm là không phù hợp quy định.

* Những rào cản trên sẽ được khắc phục theo hướng nào để vừa đạt yêu cầu tinh giản biên chế vừa phù hợp với quy định, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Sáng: Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ công chức, viên chức và để tạo sự đồng thuận khi tổ chức triển khai thực hiện phải là nhiệm vụ hàng đầu. Đi kèm với đó là việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện. Các sở, ngành, địa phương xây dựng đề án tinh giản biên chế với các chỉ tiêu cụ thể để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không đạt được chỉ tiêu đề ra, người đứng đầu đơn vị sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời phải đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, để trên cơ sở đó bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Trong quá trình thực hiện, chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN ĐOAN - VINH ANH (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
2016, năm cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO