40 năm hồi sinh Thượng Đức

HOÀNG LIÊN 06/08/2014 10:39

Sau 40 năm giải phóng, mảnh đất nghèo Thượng Đức (Đại Lãnh, Đại Lộc) một thời là chiến trường khốc liệt, bom cày đạn xới đã dần hồi sinh và phát triến.

Vùng đất anh hùng

Chúng tôi theo chân đoàn cựu binh Sư đoàn 304, Sư đoàn 324, lực lượng vũ trang Mặt trận 4 Quảng Đà… về thăm chiến trường Thượng Đức sau 40 năm. Cảm xúc như vỡ òa trên gương mặt những người từng chiến đấu ngoan cường trên mảnh đất ba sông - Đại Lãnh. Với họ, ký ức về vùng đất, con người, chiến công hiển hách dường như sống lại và Thượng Đức như một phần máu thịt. Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức sau gần một năm rưỡi thi công đến nay cơ bản đã hoàn thành đúng dịp lễ kỷ niệm chiến thắng, khắc thêm một mốc son chói lọi, là địa chỉ đỏ để bao thế hệ tìm về. Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 304 xúc động: “Tượng đài này được kết tinh bởi xương máu các anh hùng liệt sĩ. Đây là việc làm chúng tôi tạ tội với anh linh các anh hùng liệt sĩ bởi trong chiến đấu chúng tôi là những người chỉ huy chưa tốt để các anh phải hy sinh. Mong các anh nghìn lần tha thứ cho chúng tôi”…   

Khu thương mại - dịch vụ Tân An.Ảnh: H.LIÊN
Khu thương mại - dịch vụ Tân An.Ảnh: H.LIÊN

Ông Lê Tấn Hiểu - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Lãnh, một người con của quê hương chia sẻ, mới ngày nào, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cứ điểm Thượng Đức, nhân dân phiêu tán khắp nơi lần lượt trở về làng cũ bắt tay xây dựng đời sống mới, hàn gắn vết thương chiến tranh trên đống điêu tàn, đổ nát. Còn nhớ, cái đói cái nghèo và dịch bệnh hoành hành, bom mìn, đạn pháo từ cuộc chiến còn nằm chi chít trên Thượng Đức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, nhân dân Đại Lãnh chung sức khai hoang vỡ hóa, đắp đập giữ nước, làm bờ xe nước dẫn nước vào đồng ruộng... với khẩu hiệu “Thanh niên Đại Lãnh bắt núi phải quỳ, bắt đất ì phải dậy”. Chiến dịch “tháo gỡ bom mìn” do bộ đội và lực lượng vũ trang xã thực hiện đã góp phần giảm thiểu rủi ro, thiệt hại tính mạng, tài sản cho nhân dân. Đại Lãnh hình thành tổ hợp tác sản xuất trên cơ sở vòng đổi công, xã viên tham gia sản xuất được quy đổi 10 điểm lấy 2kg lúa, nhân dân hưởng ứng tích cực. Rồi khóa khai giảng đầu tiên của trường mẫu giáo và trường phổ thông cấp 1 Đại Lãnh đã ra đời vào giai đoạn 1974-1975… “Đại Lãnh như sống lại, có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng và công ơn của biết bao chiến sĩ đã ngã xuống” - ông Hiểu bày tỏ. Năm 2005, Đảng bộ và nhân dân Đại Lãnh - Đại Hưng long trọng đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho vùng đất anh hùng.

Trẻ em hồn nhiên tụ tập trên đường làng.
Trẻ em hồn nhiên tụ tập trên đường làng.

Bứt phá đi lên

Đúng dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức, con đường dẫn từ Ba Khe lên ngã ba sông đã được bê tông thẳng tắp, thỏa lòng dân Đại Lãnh. Dọc trục ĐT 609, khu vực chợ Hà Tân, khu trung tâm Tân An, nhà cửa, hàng quán đông đúc, sầm uất, là vùng diễn ra các hoạt động trao đổi, giao thương của nhân dân vùng A và các khu vực từ xã Cà Dăng, Bến Giằng từ Nam Giang qua, Đà Nẵng vào. Theo ông Phạm Thế Chất - Bí thư Đảng ủy xã Đại Lãnh, từ một xã thuần nông, Đại Lãnh đã có những bứt phá nhất định để đi lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành thương mại - dịch vụ lên 46,79% trong cơ cấu kinh tế. “Nhiều năm qua, từ một xã nghèo thuần nông, địa phương đã từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo (hiện còn hơn 14%). Mục tiêu theo nghị quyết của HĐND xã là năm 2017, Đại Lãnh cơ bản đảm bảo tiêu chí về hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới” - ông Chất khẳng định.  Để làm được điều đó, theo ông Chất, địa phương đang cố gắng phấn đấu tạo việc làm cho con em bằng cách tổ chức một số lớp đào tạo nghề, mở các xưởng dịch vụ - sản xuất thương mại như chổi đót, làm hương, mây tre đan… để tạo công việc cho lao động nhàn rỗi.

Với diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu lên đến 200ha, mô hình cánh đồng mẫu đang từng bước định hình nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đem lại nguồn thu nhập khá hơn cho nông dân. Nhân dân toàn xã nhờ phát huy tính cần cù, chịu khó học hỏi, nắm vững kỹ thuật sản xuất thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất đã từng bước ổn định đời sống. Khâu cơ giới hóa nông nghiệp từng bước giải phóng sức lao động khi toàn xã có 6 - 7 máy gặt đập liên hợp, 13 máy làm đất. Lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến tích cực với tổng đàn trâu 415 con, đàn bò gần 900 con, heo 5.600 con, dê 160 con và gia cầm 22.000 con. Công tác phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ tổng đàn gia súc, gia cầm trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh được đảm bảo nhiều năm liền.

Theo ông Trần Văn Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, sau 40 năm, không chỉ vươn lên về kinh tế mà lĩnh vực văn hóa và an sinh xã hội của Đại Lãnh cũng có chuyển biến rõ nét. Ví như những đợt lũ lụt gần đây, người dân vùng ba sông vốn thường xuyên đối diện với thiên tai, lũ lụt đã giảm bớt nỗi lo khi hơn 80% nhà cửa trên địa bàn đã được kiên cố hóa. Ngoài ra, từ nhiều nguồn hỗ trợ, 50 chòi tránh lũ đã được xây dựng phục vụ công tác phòng tránh thiên tai, bão lũ tại địa phương. 90% hộ dân Đại Lãnh đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh khi nhà máy nước sạch trên địa bàn xã đã đi vào hoạt động, cải thiện chất lượng nguồn nước uống và nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng. Chất lượng giáo dục trên địa bàn xã không ngừng được nâng lên khi 4 trường học các cấp tại Đại Lãnh được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 và nhiều trường giữ vững được mức chuẩn đó trong nhiều năm liền. “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nhân dân và chính quyền Đại Lãnh hưởng ứng mạnh mẽ. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa với đình làng, nhà sinh hoạt, bia tưởng niệm, khu thể dục thể thao… hay tại nhiều khu dân cư, cảnh quan cổng ngõ, đường làng trở nên khang trang, sạch đẹp đã cho thấy, một Thượng Đức với diện mạo mới đang trên đà phát triển” - ông Mai nhận định.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
40 năm hồi sinh Thượng Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO