Sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Quảng Nam nhanh chóng bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước vượt qua khó khăn và ngày càng đạt được những thành tựu phát triển quan trọng. Qua mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển ghi đậm dấu ấn lãnh đạo với những chủ trương đúng đắn của Đảng.
Hàn gắn vết thương chiến tranh
Là vùng chiến tranh ác liệt ở khu 5 nên sau ngày giải phóng mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng bị tàn phá nặng nề. Chính quyền cách mạng đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Có quá nhiều công việc cần phải giải quyết, trong đó nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là phải nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng, quân và dân toàn tỉnh ra sức thực hiện các phong trào rà phá bom mìn, khai hoang - phục hóa, phát triển diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trồng các loại cây lương thực ngắn ngày và rau màu nhằm chống đói trước mắt. Đồng thời tổ chức đưa hàng nghìn người dân lưu lạc ở các nơi bị địch dồn ép, xúc tát cư trú tại vùng chúng tạm chiếm trước đây trở về quê cũ làm ăn, sinh sống.
Công trình đại thủy nông Phú Ninh hình thành từ quyết định táo bạo nhưng đầy bản lĩnh của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Với bản lĩnh chính trị vững vàng và sự năng động, sáng tạo, sau 10 năm đầu giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã tập trung quyết liệt các giải pháp khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước vượt lên khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu và đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng trên các lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp - công nghiệp, văn hóa - xã hội; củng cố, xây dựng chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Thực hiện chủ trương hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã vận động, lãnh đạo nông dân xây dựng và tham gia các hợp tác xã nông nghiệp. Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương có phong trào hợp tác hóa nông nghiệp mạnh mẽ và thành công ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ở cơ sở, nhiều hợp tác xã dệt vải, sản xuất tre mây, mành trúc được khuyến khích thành lập, thu hút hàng nghìn lao động, góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân, nhất là phụ nữ. Phong trào tăng gia sản xuất, tự túc lương thực phát triển mạnh mẽ, đều khắp và có tác dụng thiết thực đối với nhân dân toàn tỉnh trong hành trình hàn gắn vết thương chiến tranh lúc bấy giờ. Theo ông Nguyễn Thành - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm chung của toàn dân, các nghị quyết, chủ trương của Đảng đều được thực hiện khá thành công. Trong đó thành công nhất phải kể đến việc tập trung giải quyết vấn đề thủy lợi, khai thác lợi thế tự nhiên để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Đại công trình thủy nông Phú Ninh được xây dựng hoàn thành đã đáp ứng nhu cầu bức bách về nước tưới cho một vùng sản xuất nông nghiệp rộng lớn với hơn 20.000ha. Nhờ chủ động nguồn nước tưới nên sản xuất nông nghiệp của các địa phương hưởng lợi được khởi sắc, năng suất lúa tăng cao. Công trình đại thủy nông Phú Ninh chính là niềm tự hào của toàn tỉnh, là công trình ít tốn kém nhất, được xây dựng với quyết tâm cao nhất và được nhân dân đồng thuận, đóng góp công sức nhiều nhất”.
Đổi mới
Vết thương chiến tranh dần lành miệng, màu xanh đã phủ trên những vùng đất một thời bị bom đạn cày xới. Tuy nhiên, do hậu quả chiến tranh để lại quá nặng nề, một số chủ trương, chính sách chưa thật sát với tình hình thực tế, còn bị hạn chế do chủ quan, duy ý chí đã làm cho tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đứng trước nhiều thách thức, như Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (tháng 10.1986) đã nhận định: “Nền kinh tế - xã hội của tỉnh ta phát triển chậm hơn, có mặt dừng lại, có biểu hiện giảm sút và đang đứng trước những khó khăn gay gắt”. Đề cập về tình hình lúc này, ông Nguyễn Thành - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng chia sẻ, chúng ta đi ra từ trong chiến tranh gian khổ, khi bắt tay vào làm kinh tế nhất định sẽ không tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm. Nhưng cái quan trọng nhất ở thời điểm này chính là chúng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để đề ra các giải pháp khắc phục, sửa chữa. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện cải cách chính sách ruộng đất (giao lại cho hộ nông dân sản xuất), cải tạo công thương, hợp tác xã (chuyển từ chấm công điểm sang bình công chấm điểm)... Nhưng vấn đề quan trọng nhất lúc này là phải thực hiện đổi mới về tư duy trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh. Đảng bộ tỉnh đã tổ chức nhiều lớp quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng tại Trường Nguyễn Ái Quốc nhằm nhận thức rõ về những khuyết điểm, hạn chế của tư duy bao cấp; yêu cầu về thực hiện đường lối đổi mới như thế nào... “Khi ấy, Đảng bộ tỉnh xác định thực hiện đổi mới là cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của quy luật phát triển và việc khắc phục các khuyết điểm, sai lầm đã được chỉ ra là không nóng vội, thực hiện với quyết tâm cao nhất và tập trung ưu tiên vào những vấn đề cấp thiết nhất. Công tác đào tạo, bố trí cán bộ cũng được Đảng bộ tỉnh chú trọng thực hiện, xem đây là giải pháp quan trọng để tiến hành thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới. Để có cán bộ đáp ứng nhu cầu sử dụng của tỉnh, tôi được phân công đi Hà Nội để “xin” cán bộ. Ra đó, tôi đã tìm gặp và đặt vấn đề đối với các cán bộ khoa học kỹ thuật - nhất là cán bộ ngành kỹ thuật nông nghiệp là con em Quảng Nam - Đà Nẵng, những người yêu mến và có nguyện vọng cống hiến cho sự phát triển của Quảng Nam - Đà Nẵng đang sinh sống, làm ăn ở Hà Nội về địa phương công tác. Mặt khác, Đảng bộ tỉnh cũng lựa chọn, cử nhiều cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa anh em” - ông Thành kể.
Nâng cao năng lực
Qua 10 năm đổi mới, nền kinh tế của tỉnh đã vượt qua giai đoạn trì trệ, từng bước ổn định và tăng trưởng; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu lực quản lý của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên một bước; hoạt động của mặt trận và các tổ chức đoàn thể đạt nhiều kết quả thiết thực. Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, cuối năm 1996, Quảng Nam và Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính độc lập. Trong 18 năm qua, cùng với nhiệm vụ tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ Quảng Nam quan tâm thực hiện đồng bộ trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bằng nhiều giải pháp tích cực, sáng tạo, hiệu quả, công tác cán bộ đạt nhiều tiến bộ, góp phần tạo đột phá trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển của tỉnh.
Đối với Đảng bộ Quảng Nam, bên cạnh tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm, thì việc tăng cường công tác xây dựng Đảng chính là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu khách quan của tình hình mới. Ngoài việc đổi mới tư duy, nâng tầm trí tuệ của Đảng bộ, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong cán bộ, đảng viên, công tác cán bộ tiếp tục được chú trọng thực hiện. Quảng Nam quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, vững vàng về chính trị, có phẩm chất đạo đức, có năng lực, trình độ, có tâm và có tầm để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó hết sức coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ nữ, trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, đội ngũ trí thức... (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang) |
Theo ông Trần Xuân Thọ - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, trên cơ sở đánh giá, phân loại cán bộ, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp, lãnh đạo các đơn vị đã chủ động thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Nhất là tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các mục tiêu Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về công tác cán bộ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy tăng cao. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt ba chuẩn chiếm 62%, tăng 10,17% so với nhiệm kỳ trước. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 13-NQ/TU để các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thật sự vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nay, toàn tỉnh có 1.705/1.718 thôn, tổ dân phố có chi bộ độc lập, đạt tỷ lệ 99,2%. Hàng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đều có báo cáo chuyên đề về công tác kết nạp đảng viên mới, kịp thời biểu dương những đảng bộ làm tốt công tác này; đồng thời rút kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Nhờ vậy, công tác kết nạp đảng viên đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy đã tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Trong đó, việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chị thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực, ý thức tự giác tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được nâng lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, tận tụy phục vụ nhân dân, được dư luận đồng tình, ủng hộ.
NGUYÊN ĐOAN