Không rõ cơ duyên nào mà nhà văn Nguyễn Một lại gắn với cái nghề truyền thông và nay phụ trách công tác truyền thông của một tập đoàn lớn – Thaco, Ô tô Chu Lai – Trường Hải. Anh suy ngẫm và cùng lãnh đạo Thaco chắt lọc “8 chữ T” cho việc xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Đó là TẬN TÂM, TÔN TRỌNG, TRUNG THỰC, TRUNG TÍN, TRÍ TUỆ, TỰ TIN, THUẬN TIỆN, TẬN TÌNH.
Nói về hoạt động của doanh nghiệp, người ta hay bàn về giá trị đóng góp, giá trị phục vụ và giá trị cống hiến. Theo Nguyễn Một, chính văn hóa tạo ra các giá trị đó. Rõ hơn, với Thaco, văn hóa sản xuất và văn hóa kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ sẽ góp phần hình thành giá trị đóng góp của doanh nghiệp; văn hóa thương hiệu và văn hóa vì cộng đồng là cơ sở hình thành giá trị phục vụ. Hai giá trị đóng góp và phục vụ lại tiếp tục làm nên giá trị cống hiến của nhân sự Thaco đối với bản thân doanh nghiệp và của Thaco đối với đất nước. Trong đó, nền tảng cho “văn hóa Thaco” là văn hóa kỷ luật dựa trên “8 chữ T” vừa kể.
“Văn hóa kỷ luật” là khái niệm mà nhiều người còn băn khoăn. Và, có người cho rằng trong sản xuất kinh doanh ai cũng mong kiếm chữ T quan trọng: Tiền. Vậy nên cách làm ra và sử dụng đồng tiền có hàm chứa phẩm giá con người, giá trị ứng xử văn hóa là điều nên đề cao trước tiên. Nhưng suy ngẫm “8 chữ T” của Thaco đề ra và hướng tới, áp dụng cho nguyên tắc ứng xử trên cả hai thực thể là con người cá nhân và tập thể pháp nhân không phải không có những lý lẽ xác đáng. Bởi vì, làm ra tiền nhưng doanh nghiệp không tuân thủ luật pháp, không minh bạch tài chính, không trung thực trong sở hữu công nghệ, không tận tâm, tận tình, tôn trọng đối với người làm ra sản phẩm và đối tác khách hàng thì đồng tiền có bền vững đâu. Ở phương diện cá nhân, trong dây chuyền sản xuất công nghiệp không thể không có tính kỷ luật cao, do vậy “8 chữ T” quy định ứng xử của mỗi người trong doanh nghiệp với đồng nghiệp, với lãnh đạo, đối tác khách hàng. Như thế, từ ý thức kỷ luật, xây dựng con người kỷ luật, hình thành văn hóa kỷ luật chi phối toàn bộ mối quan hệ ứng xử trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ thực hiện được khát vọng vươn lên tạo các giá trị cho cá nhân và tập thể công ty.
Sẽ còn nhiều bàn cãi, tuy nhiên từ “8 chữ T” của Thaco bất giác người viết liên tưởng về bài báo “Thợ Quảng” của anh Trương Điện Thắng đăng tải trên báo Quảng Nam mới đây. Theo anh Thắng, tác phong lao động, tính kỷ luật không cao là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn nhân lực lao động của Quảng Nam chưa được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà thầu xây dựng, ưng ý. Thời buổi công nghiệp mà vào công ty làm ăn cứ xin nghỉ đi…đám giỗ liên miên, tiền công thì đòi thêm phần… “uống nước nửa buổi”, rồi “giải mỏi” rượu bia mỗi chiều, ai chịu thấu (!?). Đã thế, cũng nêu thêm một nhận xét rằng người Quảng “hay cãi”, việc gì không phải của mình cũng thắc mắc, tính khí “ngang như cua” nên gặp chuyện không ưng ý, định kiến không tốt với ai là “phang” tơi bời. Ông Trần Bá Dương, khi nói về người Quảng trong Ô tô Chu Lai – Trường Hải, cũng xác tín sự “hay cãi”, vì vậy ông đặt ra tính kỷ luật, yêu cầu công nhân nghe, tuân thủ sự điều hành trước rồi hãy cãi gì tính sau.
Trở lại với Nguyễn Một, là người con Duy Xuyên, Quảng Nam, anh bôn ba vào xứ Biên Hòa - Đồng Nai, dạy học, viết báo, viết văn, đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật, rồi làm truyền thông cho doanh nghiệp nhưng vẫn giữ niềm đam mê chữ nghĩa, nghiên cứu văn hóa. Ngả rẽ của đời người mang duyên phận, khuôn mặt hằn vết xô đẩy nhiều lớp sóng thời gian, hẳn Nguyễn Một cũng đã thấm với những cái hay và cả mặt xấu của tính “hay cãi”. Vì thế, “8 chữ T” mà Nguyễn Một cùng đồng sự muốn gầy dựng cho “văn hóa kỷ luật” trong doanh nghiệp là điều đáng suy ngẫm.
NGUYỄN ĐIỆN NAM