A Rầng I, bản vùng cao hiếu học

Hoàng Yên - A Lăng Tạo 16/08/2013 08:42

Thôn A Rầng I (xã A Xan, Tây Giang) được người dân nơi đây gọi là “bản hiếu học” bởi dù còn nhiều khó khăn nhưng các gia đình đều quyết tâm cho con “theo cái chữ” đến cùng.

Học trò miền núi đi học. Ảnh: A LĂNG TẠO
Học trò miền núi đi học. Ảnh: A LĂNG TẠO

Không để cho cái nghèo khó đeo đẳng mãi, người dân thôn A Rầng I đã đầu tư cho con cái mình được ăn học đến nơi đến chốn để có thể vươn lên trong cuộc sống. Nơi đây là điểm sáng về sự hiếu học cho các thôn, xã khác noi theo. Anh A Lăng Tư (38 tuổi) giáo viên trường Tiểu học A Xan nhớ lại: “Ngày xưa cuộc sống còn khó, cứ mỗi buổi sáng trước khi đi học tôi thường đi đến từng nhà gọi các bạn cùng trang lứa đến trường, hành trang đi học chỉ có vài quyển vở, không dép mang, không cặp sách. Kỷ niệm khó quên nhất đối với tôi và những đứa trẻ trong làng là lần đầu xa cha mẹ để tìm con chữ. Vào những ngày mưa lũ phải vượt suối, đồi dốc hiểm trở, gùi trên lưng lương thực và dựng lều tạm để ngủ qua đêm giữa núi rừng lạnh giá. Dù cực khổ, nhưng phần lớn bạn bè lúc ấy đều quyết tâm theo con chữ đến cùng, trở thành “cái nếp” trong việc học để các bạn sau này noi theo”.

Ông A Lăng Zil (85 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, một trong những người con ưu tú của thôn A Rầng I nói: “Tinh thần hiếu học của con em nơi đây xuất phát từ mong ước thoát khỏi cuộc sống còn nhiều khó khăn để có được tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy, nhiều gia đình luôn ủng hộ, động viên các em học tập. Sự đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của gia đình và chính các em sẽ tạo ra nguồn nhân lực trẻ quay về phát triển quê hương giàu đẹp”.

Bằng tinh thần hiếu học và nỗ lực vượt khó, những người con của “làng hiếu học” đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển quê hương. Theo thống kê, hiện thôn  A Rầng I có 40 em đã và đang học đại học, cao đẳng trong cả nước. Điển hình nhất có gia đình ông A Lăng Zím, thương binh hạng 2/4 có 4 người con đỗ đại học, trong đó có 3 người ra trường và đang làm việc tại huyện nhà. Ông Zim chia sẻ: “Ngày xưa kinh tế gia đình tôi rất khó khăn nhưng vẫn quyết tâm không cho các con bỏ học. Đến bây giờ các con tôi đã trưởng thành và chứng minh một điều đầu tư cho sự học không bao giờ lỗ. Hiện tôi không phải làm rẫy nữa, các con đều có công ăn việc làm ổn định. Gia đình tôi vinh dự được công nhận gia đình hiếu học cấp tỉnh”.

Già làng Pơloong Jim cho hay: “Sở dĩ A Rầng I được gọi là bản hiếu học xuất phát từ truyền thống và sự quan tâm của thôn bản. Hễ nhà nào có con em đỗ đại học, cao đẳng là bà con đến chúc mừng và kịp thời khen thưởng, từ đó tạo động lực cho những em nhỏ cố gắng học tập. Từ năm 2003 đến nay cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, trường học được xây dựng khang trang, hiện đại và đã có trường cấp 2 ngay tại địa bàn xã A Xan, việc đi lại của các em cũng thuận lợi phần nào, góp phần phát huy hơn nữa tinh thần hiếu học”.

Chú trọng đầu tư cho giáo dục

Theo thống kê từ Hội Khuyến học huyện Tây Giang, năm 2012, huyện có 19 chi hội khuyến học, trong đó 16 hội khuyến học ở các ban ngành của huyện, xã và 3 chi hội khuyến học của các trường đóng trên địa bàn, với 70/70 chi hội thôn. Ngoài ra, toàn huyện còn có 20/31 dòng họ hiếu học. Tiêu biểu như tộc họ Alăng, Y Đêl...  Năm qua,  toàn huyện đã vận động được trên 100 triệu đồng quỹ khuyến học. Từ nguồn quỹ này, hội khuyến học, chi hội khuyến học và dòng họ hiếu học đã trích động viên, khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập nhân dịp năm học mới. Toàn huyện có 482 sinh viên được tuyển chọn để theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Trong đó, có 184 em đang học đại học, 63 em học cao đẳng và 235 em đang học trung cấp.

Nhằm tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học, Đoàn xã A Xan phối hợp với đồn Biên phòng 649 tổ chức xây dựng thí điểm mô hình “Mỗi học sinh một góc học tập” tại thôn A Rầng I, xã A Xan. Đến nay đã xây dựng được 16 góc học tập cho các em học sinh THCS và tiểu học tại gia đình của các em. Hằng tuần vào buổi tối thứ Ba và thứ Năm, chi đoàn cử 2 đồng chí cán bộ, đoàn viên làm công tác địa bàn đến hướng dẫn cho các em học bài. Đây là một mô hình mới đầy sáng tạo giúp các em học sinh có động lực vươn lên học tập, góp phần tạo nguồn nhân lực tại chỗ để phát triển địa phương một cách hiệu quả. T.B (tổng hợp)

Hoàng Yên - A Lăng Tạo

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
A Rầng I, bản vùng cao hiếu học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO