Sự chậm trễ trong tiến độ thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có nguyên nhân vì lúng túng xác định nguồn gốc, thu hồi đất của chính quyền địa phương, thiếu thống nhất trong chính sách áp giá bồi thường – hỗ trợ (BT-HT)…
|
Nhập nhằng
Nhiều địa phương đến nay vẫn chưa ra quyết định thu hồi đất, lập phương án BT-HT theo quy định với nhiều thửa đất ở, đất trồng cây lâu năm. Tại huyện Thăng Bình, tranh chấp quyền sử dụng đất giữa chính quyền xã với người dân kéo dài. Chính vì vậy mà gói thầu số 5 và số 6 thi công đường công vụ vẫn còn rải rác số đoạn ách tắc, nhất là thi công hạng mục cầu, cống. Theo thống kê, toàn huyện có 110 thửa đất đang tranh chấp dai dẳng về nguồn gốc đất giữa người dân với UBND các xã Bình Quý, Bình Chánh, Bình Quế và Bình An. Đây là các thửa đất hoang và đất công ích 5% do UBND xã quản lý nhưng người dân lấn chiếm, canh tác sử dụng suốt thời gian dài. Theo điều tra của chúng tôi, một số xã thuộc các huyện Thăng Bình, Núi Thành gặp rắc rối trong việc xử lý quyền lợi đất công ích 5%. Chủ đầu tư đã chi tiền BT về cho UBND một số xã.
Nhà thầu chưa triển khai mố A2 của cầu LRB06 (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) vì vướng một số hộ dân. Ảnh: C.T |
Không ít trường hợp sau khi thu hồi đất, phát sinh phần đất ở còn lại ngoài vạch giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn hơn quy định của khung chính sách dự án đường cao tốc (100m2). Hộ ông Nguyễn Văn Thanh (thôn Quý Phước 1, xã Bình Quý, Thăng Bình) có diện tích đất ở nông thôn còn lại ngoài vạch GPMB hơn 132m2. Theo ông Thanh, khi đường cắt đi qua, đất ở gia đình còn lại có hiện trạng giống như hình tam giác, chiều dài cạnh lớn nhất 5m, không có đường vào, diện tích còn lại hầu như bị “ảnh hưởng trắng”. Ông Thanh nói: “Tôi có đất ở mà cũng như không, đường cao tốc đi qua khiến diện tích đất còn lại rơi vào ngõ cụt nên đề nghị Nhà nước thu hồi và bồi thường loại đất ở theo quy định”. Có rất nhiều trường hợp ngoài vạch GPMB bị ảnh hưởng đất ở, đất sản xuất trên địa bàn huyện Thăng Bình tương tự như ông Thanh, đang được địa phương kiến nghị tỉnh xem xét, thống nhất thu hồi đất.
Tại thị xã Điện Bàn, 36 hộ dân thôn Phong Thử 1 (xã Điện Thọ) vẫn chưa có phương án BT-HT đất ở, nhà cửa bị ảnh hưởng do chính quyền chưa giải quyết đất tái định cư. Hai hộ ông Trần Công Hảo và Nguyễn Văn Phong (xã Điện Tiến) chưa bàn giao mặt bằng do không thỏa mãn với việc giải quyết nguồn gốc đất trang trại, ao hồ mà họ canh tác. Hai hộ này đề nghị được giao sử dụng lâu dài phần đất không nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án, nhưng chính quyền chỉ đồng ý cho thuê đất hằng năm. Việc giải quyết kéo dài đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, đường công vụ vào gói thầu số 4 tại km24+120-km24+300 thuộc huyện Duy Xuyên bị vướng do 16 hộ dân chưa có quyết định thu hồi đất, áp giá bồi thường. Nhà thầu mượn tuyến ĐH8 để làm đường công vụ, cam kết với địa phương nhưng người dân vẫn ra cản trở không cho xe chạy.
Xoay xở chậm
Khối lượng công việc GPMB ngồn ngộn trong khi năng lực chuyên môn của trung tâm phát triển quỹ đất các địa phương trong xác định hiện trạng, lập phương án BT-HT bộc lộ hạn chế. Ông Nguyễn Thành Đạt – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa (Núi Thành) nói, hồ sơ xác định nguồn gốc đất ở, đất rừng đã được hội đồng tư vấn đất đai địa phương chuyển lên Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Núi Thành lâu rồi, việc chậm ra quyết định thu hồi đất, chi trả BT-HT thuộc trách nhiệm của cấp trên. Mấy tháng nay, nhà thầu chưa thể mở đường qua xã Tam Nghĩa do còn 117 thửa đất lúa với diện tích hơn 3,6ha và 139 thửa đất rừng gần 12ha chưa được UBND huyện Núi Thành ra quyết định thu hồi, lập phương án BT-HT. Tương tự, tại km 70+700 đến km74+820 qua xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) còn 152 thửa đất rừng và đất nông nghiệp chưa có quyết định thu hồi. Và chính vì chưa thể triển khai công tác bồi thường nên đến nay cả xã này chưa giải phóng mặt bằng một mét vuông nào.
Cấp bìa đỏ sai lệch thực tế sử dụng Theo điều tra của Báo Quảng Nam, xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành) còn 20 thửa đất thổ cư và nhà ở chưa có quyết định thu hồi đất (trong đó có 11 thửa có nhà ở trên đất). Diện tích đo đạc hiện trạng lớn hơn nhiều so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) và nhà ở; đất ở sai vị trí so với bìa đỏ. Tại thôn Đa Phú 2 và Phú Quý 3 (xã Tam Mỹ Đông), ít nhất có 10 hộ dân được chính quyền cấp đất sai vị trí với thực tế sử dụng. Điều đáng nói, các hộ dân thôn Phú Quý 3 đã được BT chênh lệch giá giữa đất ở với đất nông nghiệp nhưng trong bìa đỏ không điều chỉnh; có trường hợp hộ này chuyển nhượng một nửa thửa đất cho hộ khác nhưng bìa đỏ vẫn để một loại đất ở không điều chỉnh. Cụ thể: hộ ông Ngô Xuân Ngà có bìa đỏ số AH 509305 tại thửa đất số 480, tờ bản đồ số 11, diện tích 200m2, loại đất ở nông thôn. Ông Ngà được bồi thường chênh lệch giá giữa đất ở và đất nông nghiệp với diện tích 33,8m2 và bồi thường đất ở 6,2m2, nhưng trong bìa đỏ không điều chỉnh. Sau đó, ông đã tách thửa và chuyển quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Ngọc Dũng với diện tích 100m2 loại đất ở nông thôn và trong đó có phần đất ông Ngô Xuân Ngà đã nhận tiền chênh lệch của dự án trước (dự án đường dây điện trung áp và trạm biến áp tại các xã Tam Anh Bắc, Tam Hòa và Tam Mỹ Đông) nhưng khi chuyển quyền không thay đổi mục đích sử dụng đất. |
Một số người dân còn chưa đồng tình với cách đo đạc, kiểm kê hiện trạng “tiền hậu bất nhất” của cán bộ làm nhiệm vụ đo đạc để áp giá BT-HT. Ví như, số tiền kiểm kê, áp giá niêm yết ban đầu thì lớn, nhưng số tiền người dân thực nhận thấp hơn ban đầu, gây nên sự hoài nghi. Hộ ông Phan Trường Sơn (thôn Phú Nham Đông, xã Duy Sơn, Duy Xuyên) ngán ngẫm: “Trước đây cán bộ của trung tâm phát triển quỹ đất hứa hẹn khi thu hồi hơn 1.000m2 đất của mẹ tôi thì sẽ được bố trí ít nhất 3 lô tái định cư, song bây giờ mẹ tôi chỉ được cấp có 1 lô. Phần đất còn lại hơn 300m2 bị méo mó, nằm sát ta luy đường cao tốc, không có nơi đi vào, song không được thu hồi. Tôi chỉ mong quyền lợi của gia đình được giải quyết thỏa đáng”.
Theo giải thích của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Núi Thành, các khu tái định cư, khai thác quỹ đất Cầu Hào, Vườn Trường, Gò Cầy (xã Tam Mỹ Tây), An Thiện (xã Tam Nghĩa), Đa Phú 2 (xã Tam Mỹ Đông) vướng mắc do chậm lập các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan. Trong đó, Công ty An Bình Dương thực hiện khai thác quỹ đất địa bàn xã Tam Mỹ Tây đang chờ hồ sơ đo đạc, giải thửa; các khu tái định cư còn lại thì giữa các ngành chưa thống nhất giá đất tạm tính để thực hiện bồi thường, mất nhiều thời gian họp xét nguồn gốc đất từ cơ sở.
Không phức tạp về lịch sử nguồn gốc đất đai, quản lý hiện trạng như dự án mở rộng quốc lộ 1, nhưng dự án đường cao tốc vẫn gặp không ít “điểm nghẽn” trong GPMB, lúng túng khi phát sinh di tích cổ dưới lòng đất. Cơ quan bảo vệ di tích cổ thì muốn giữ lại “di sản” dưới lòng đất bằng cách yêu cầu nắn chỉnh đường cao tốc theo hướng khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư) cho biết, việc nắn đường cao tốc quá nhiều sẽ gây mất an toàn và nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông do phải điều chỉnh hướng tuyến đột ngột. Hiện nay, các đơn vị thi công đã tạm dừng san lấp mặt bằng để Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật toàn bộ khoảng 4.000m2 khu di tích, chi phí khai quật hiện vật ước 10 tỷ đồng sẽ do chủ đầu tư chi trả. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, UBND tỉnh vừa có báo cáo gửi Bộ VH-TT&DL xin ý kiến về phương thức xử lý sau khai quật đối với khu di tích Triền Tranh (thuộc xã Duy Trinh, Duy Xuyên). Tỉnh đề xuất di dời toàn bộ hiện vật ở di tích vừa phát hiện đến một địa điểm khác để bảo tồn và phục vụ cho việc nghiên cứu nhưng đến nay Trung ương vẫn chưa có văn bản trả lời.
Phóng sự: HỮU PHÚC – CÔNG TÚ
Bài cuối: Gỡ “nút thắt”
Trong ngổn ngang khối lượng giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương theo kịp tiến độ thời gian, vào cuộc đồng bộ nên không để phát sinh “điểm nóng”.