Xác định vai trò đồng hành với nông dân trên lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua Agribank Quảng Nam đã trở thành ngân hàng tiên phong trong việc triển khai, thực hiện cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tăng trưởng tín dụng
Động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ hiện vẫn dựa vào sự tăng trưởng chủ yếu của Agribank Quảng Nam. Agribank Quảng Nam công bố sau 5 năm thực hiện nghị định này, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đến ngày 31.8.2015 đã đạt đến 5.268 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 91,28%/tổng dư nợ (5.771 tỷ đồng). Nếu loại trừ các doanh nghiệp vay vốn thuộc đối tượng sản xuất công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, kể cả các dự án thủy điện thì dư nợ cũng đã khoảng 3.008 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,12%/tổng dư nợ. Chiếm nhiều nhất là cho vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (2.630 tỷ đồng với 39.653 lượt khách hàng vay, đạt 49,92%/tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 41); dư nợ cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn (2.260 tỷ đồng với 898 lượt khách hàng vay, 42,90%/tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 41). So với tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng Quảng Nam (do Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam công bố, trong vòng 8 tháng qua chiếm 31,6%/tổng dư nợ, tương đương hơn 8.900 tỷ đồng) thì với 5.268 tỷ đồng đổ vào khu vực này, Agibank đã trở thành “quán quân” toàn ngành ngân hàng Quảng Nam khi chiếm trên 58%/tổng dư nợ về cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41.
Agribank Quảng Nam ký kết tài trợ vốn để ngư dân phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ.Ảnh: T.P |
Thực tế không ít ngân hàng thương mại chưa mặn mà hay ngại đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn thì Agribank Quảng Nam đã chủ động thu xếp nguồn vốn, giải ngân mạnh nhất vào khu vực này. Những cuộc tài trợ vốn cho doanh nghiệp phát triển thủy điện, đầu tư sản xuất, đóng tàu trên địa bàn nông thôn hay các cuộc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đưa vốn vào thị trường nông thôn mở ra gần đây đều có sự tài trợ vốn lớn của Agribank. Điều này đã chứng minh năng lực tài chính và Agribank Quảng Nam đã nhìn vào tính khả thi, thẩm định kỹ các dự án để quyết định cho vay, kéo theo lượng vốn lớn đổ vào nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn (nợ xấu cho vay theo Nghị định 41 chỉ khoảng 13,78 tỷ đồng, chiếm 0,24%/tổng dư nợ và chiếm 0,26%/tổng dư nợ cho vay).
Hướng về nông nghiệp, nông thôn
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam, Agribank chính là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai, thực hiện cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Agribank Quảng Nam đóng vai trò chủ lực bởi mạng lưới cho vay rộng khắp đến huyện, xã nên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của khách hàng. Hiện ngân hàng này chiếm thị phần dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao nhất địa bàn Quảng Nam. Sự xác định đúng hướng, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, chế biến, lại có hệ thống mạng lưới rộng khắp, Agribank Quảng Nam đã phát huy vai trò là người bạn đồng hành với nông dân trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ sản xuất, trồng trọt đến chăn nuôi, chế biến. Vốn tín dụng đã đến được với hầu hết nông dân trong tỉnh, kể cả các vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn nhất, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và cải thiện, nâng cao đời sống người dân. |
Agribank Quảng Nam xác định sẽ giữ vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Sự ra đời của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn sau 5 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP thực sự là cơ hội lớn để Agribank Quảng Nam đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Quảng Nam. Kế hoạch của ngân hàng này là sẽ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm 15 - 17%, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng bình quân 15 - 20% và nợ xấu dưới 1%/tổng dư nợ. Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank Quảng Nam cho biết, với mục tiêu đưa vốn tín dụng thực chất vào nông nghiệp, nông thôn và hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng, hệ thống Agribank Quảng Nam sẽ tích cực tuyên truyền về chính sách tín dụng, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn Agribank phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên hàng đầu đầu tư vốn cho sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, cho vay tiêu dùng hướng mạnh vào hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, duy trì cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả… Agribank Quảng Nam sẽ áp dụng hiệu quả các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu vốn, đặc thù sản xuất, kinh doanh với hộ gia đình, cá nhân, hồ sơ thủ tục đơn giản và giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ tín dụng.
Agribank Quảng Nam vẫn luôn phải cạnh tranh với các ngân hàng thương mại trước nguồn vốn tăng trưởng chưa thật sự ổn định, lãi suất huy động bị đẩy lên cao, nguồn vốn giá rẻ hạn hẹp và cả các chính sách phát triển kinh tế nông thôn bất cập hay năng lực quản lý của các hợp tác xã, năng lực tài chính nông dân yếu nên không nhiều dự án lớn được đầu tư đã cản trở dòng vốn đổ mạnh vào khu vực nông thôn. Tuy nhiên, ngân hàng này đã khẳng định vai trò một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu của Nhà nước, trụ cột trong đầu tư vốn cho nền kinh tế, thực sự là kênh cung cấp tín dụng chủ yếu và quan trọng nhất cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hiệu quả việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã góp phần tạo động lực phát triển nông thôn, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ nghèo và năng lực sản xuất, kinh doanh của người lao động Quảng Nam. Nhìn từ sự tăng trưởng tín dụng, những hợp đồng ký kết, kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra theo Nghị định 55 mới đây, cho thấy Agribank đã sẵn sàng chủ động vốn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, cư dân vùng nông thôn tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn khi có các phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Khả năng bơm vốn của ngân hàng này nhiều hay ít phụ thuộc chính vào năng lực sản xuất, kinh doanh hay “sức khỏe” của nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn hơn là những điều kiện ràng buộc từ phía ngân hàng này!
TÙY PHONG