Ngã ba Huế. Ngã ba thì đã rõ. Còn Huế, phải chăng, là con đường độc nhất đi Huế, là cửa ngõ phía tây bắc Đà Nẵng mà khi xưa tất cả phương tiện vào Nam hay ra Bắc đều buộc phải đi qua…
Theo dòng lịch sử
Khi người Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta với việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường bộ Bắc - Nam, xây dựng tuyến đường sắt, đồng thời xây dựng sân bay Đà Nẵng, tên gọi Ngã ba Huế đã hình thành vào đầu thập niên 40 của thế kỷ XX. Ngã ba Huế đã là một vị trí quan trọng trên tuyến giao thông huyết mạch đó.
Thời ấy, Ngã ba Huế là một vùng đất hoang vu. Trong những ngày đầu kháng chiến, để kìm chân địch trong thành phố, xây dựng vành đai chặn bước tiến của thực dân Pháp, lực lượng dân quân du kích tại địa phương và lực lượng của Trung đoàn 96, Quân khu V đã tiến hành phá hủy đoạn đường qua Ngã ba Huế và xây dựng tuyến phòng thủ từ biển Phú Lộc, Yên Khê, Ngã ba Huế, Phước Tường... Nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra tại Ngã ba Huế, không kể hết những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh anh dũng tại đây để góp phần làm nên chiến thắng của Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với đặc thù là địa bàn giáp ranh, là bàn đạp quan trọng để tiếp cận thành phố và sân bay Đà Nẵng, Ngã ba Huế là nơi cán bộ, dân quân, du kích thường xuyên về bám trụ hoạt động. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968, tại Ngã ba Huế đã diễn ra những trận đánh quyết liệt giữa lực lượng biệt động thành và quân lực phía đối phương. Ngày 29.3.1975, từ Ngã ba Huế, những đoàn quân giải phóng và nhân dân ở các hướng tây bắc, tây nam tiến vào giải phóng Đà Nẵng.
Công trình cầu vượt Ngã ba Huế đã khánh thành và đưa vào sử dụng vào dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29.3.1975 - 29.3.2015). |
Nhà tôi ở rất gần Ngã ba Huế, sáng chiều hai buổi qua đây để đi làm trên Khu công nghiệp Hòa Khánh. Nút giao thông Ngã ba Huế nằm ở phía tây bắc TP.Đà Nẵng, trên địa phận quận Thanh Khê, quận Cẩm Lệ và quận Liên Chiểu, là ngã ba giao cắt giữa quốc lộ 1 với đường Điện Biên Phủ, trục đường chính đi vào trung tâm TP.Đà Nẵng và tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh. Nơi đây, xe cộ qua lại đông đúc, nhất là những giờ cao điểm, những dòng người đi bộ, các dòng xe chen lấn, ùn tắc, chờ chực của các loại phương tiện từ Bắc đi vào Đà Nẵng và ngược lại khi tàu lửa băng qua. Tình trạng giao thông tại nút rất phức tạp vì sự cản trở, va chạm lẫn nhau giữa các loại phương tiện. Ngã ba Huế được xem là tử huyệt với hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc, cướp đi sinh mạng nhiều người. Tôi cũng có người bà con chở bắp từ Hội An ra Đà Nẵng bán dạo đã bị tai nạn chết tại đây. Vào mùa mưa bão, tình trạng ngập úng cục bộ, gây ùn tắc giao thông và nguy hiểm cho các phương tiện. Những phức tạp, ồn ào của một địa bàn giáp ranh, khó quản lý đã tạo cho Ngã ba Huế trở thành một điểm nóng về an ninh trật tự của Đà Nẵng. Đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế là khát vọng bao đời nay của cư dân Đà Nẵng và của người dân khi xuôi ngược Bắc – Nam.
Kỳ tích từ sự đồng lòng
Kết quả cuộc thi tuyển kiến trúc ngày 2.11.2010, vượt qua 17 phương án kiến trúc khác nhau, phương án kiến trúc của Công ty CP Tư vấn đầu tư & xây dựng giao thông vận tải được hội đồng kiến trúc - quy hoạch thành phố thống nhất lựa chọn: Nút giao thông lập thể hình xuyến kết hợp cầu vượt gồm 3 tầng, phân luồng giao thông khoa học, đồng bộ và hiện đại. Đây là phương án tích hợp kết cấu kiến trúc. Tầng mặt đất cho các nhánh rẽ không giao với đường sắt. Cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến tròn trên cao với các nhánh rẽ theo bốn hướng khác nhau dẫn đến 4 ngả đường ra vào thành phố. Cầu vượt tầng 2 cho hướng ưu tiên từ Huế vào trung tâm thành phố và ngược lại. Điểm nhấn kiến trúc là tháp cầu dây văng parabol có 2 mặt phẳng dây nằm giữa vòng xuyến tròn.
Do công trình nằm tại cửa ngõ rộng lớn dẫn vào trung tâm thành phố, giáp ranh với nhiều địa phương nên phương án không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà quan trọng hơn là trở thành một điểm nhấn kiến trúc, góp phần xây dựng đô thị Đà Nẵng hiện đại, văn minh, năng động. Trong quá trình thiết kế, các nhà tư vấn đã lấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh Linga và Yoni của thần Siva - một biểu tượng văn hóa của dân tộc Chăm cổ, với ý nghĩa tượng trưng cho sức sống, sức sáng tạo mãnh liệt và truyền lưu mãi mãi của loài người, làm ý tưởng thiết kế kiến trúc công trình này. Trụ tháp Linga cao 65m kết hợp với hệ cầu dây văng parabol 2 mặt phẳng nằm giữa vòng xuyến Yoni. Tất cả gợi lên hình ảnh về một cửa ngõ mà dòng chảy cuộc sống không bao giờ ngơi nghỉ. Đó là sự hòa hợp âm dương, hòa hợp của thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Cầu vượt nút giao thông Ngã ba Huế được khởi công xây dựng vào ngày 29.3.2013 với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là nút giao thông có quy mô lớn nhất trong cả nước hiện nay được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) làm nhà đầu tư. Ngày 29.3.2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng, công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế - cầu vượt 3 tầng đầu tiên tại Việt Nam, đã khánh thành và đưa vào khai thác. |
Công trình cầu vượt Ngã ba Huế là nơi hội tụ của sự đồng thuận xã hội, một nét đặc trưng của Đà Nẵng. Khi công trình được khởi công, đã thu hút đông đảo người dân quan tâm theo dõi hàng ngày. Ít ai có thể hình dung một khu vực có mật độ dân số cao, với nhiều hộ dân đã sinh sống, làm ăn buôn bán hàng chục năm tại Ngã ba Huế có thể giải tỏa, bàn giao mặt bằng để thi công nhanh đến thế. Đặc biệt là điều kiện thi công công trình này phức tạp hơn, do vừa thi công vừa bảo đảm giao thông cho cả đường bộ và đường sắt, di dời công trình ngầm, nổi và đền bù giải tỏa để giải phóng mặt bằng cho khoảng 450 hộ dân, có mặt bằng tới đâu thi công tới đó. Do vậy, nhiều lúc phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế, thay đổi biện pháp thi công cho phù hợp...
Và đội ngũ cán bộ, quản lý, kỹ sư, công nhân xây dựng đã tạo ra một kỳ tích thi công, lập kỷ lục về thời gian thi công công trình. Mặc dù tiến độ thi công vượt trội nhưng chất lượng và yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật công trình vẫn đảm bảo. Để làm nên kỳ tích đó, ròng rã trong suốt 16 tháng, công trình cầu vượt Ngã ba Huế có biệt danh là "công trình không ngủ", khi huy động nguồn nhân lực phục vụ thi công lên mức kỷ lục là 480.000 công lao động của kỹ sư và công nhân, tương đương 11.520.000 giờ lao động. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân của Trungnam Group và các đơn vị bạn, lúc cao điểm tập trung lên đến hơn 1.000 người cùng với hàng trăm máy móc thiết bị, phương tiện hăng say thi công 24/24 giờ mỗi ngày, kể cả những ngày lễ, tết với tất cả sức trẻ, tâm huyết, sáng tạo và khí thế lao động nhộn nhịp, khẩn trương đáp ứng chất lượng và tiến độ cấp bách của dự án…
Trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng của thành phố, Ngã ba Huế đã trở thành chứng nhân cho những sự kiện quan trọng trên chặng đường chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Đà Nẵng. Bây giờ cũng vậy, nơi ấy lại chứng nhân cho điểm nhấn của một công trình!
HUỲNH VIẾT TƯ