AirAsia, hãng hàng không giá rẻ hàng đầu khu vực châu Á vừa tiết lộ kế hoạch lập liên doanh hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam.
Dựa vào thị trường có lượng khách di chuyển bằng đường hàng không, đặc biệt là dịch vụ giá rẻ đang gia tăng mạnh tại khu vực châu Á, hãng hàng không AirAsia có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia) của tỷ phú Tony Fernandes quyết định đầu tư vào Việt Nam với số vốn khoảng 44 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng). Việt Nam là thị trường mới nhất mà AirAsia tiến tới hợp tác và đầu tư, sau khi AirAsia hiện đã lập các chi nhánh liên doanh tại Indonesia, Thái Lan, Nhật Bản và Ấn Độ. Cụ thể, AirAsia sẽ lập liên doanh với một đối tác tại Việt Nam là Công ty CP hàng không Hải Âu thuộc Tập đoàn Thiên Minh của doanh nhân Trần Trọng Kiên. Liên doanh sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018, trong đó Thiên Minh sẽ nắm giữ 70% cổ phần của liên doanh, AirAsia nắm giữ số cổ phần còn lại.
Máy bay giá rẻ AirAsia. Ảnh: Reuters |
Đại diện của AirAsia cho biết, lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không tại Việt Nam tăng 28%, tức gấp ba lần so với tốc độ gia tăng tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á, khoảng 52 triệu lượt; đồng thời lượng khách bay nội địa tăng gấp đôi từ năm 2013. Ngoài ra, AirAsia nhắm tới Việt Nam, một thị trường lớn thứ 5 trong khu vực, được cho đầy tiềm năng và triển vọng khi tầng lớp trung lưu đang gia tăng, sắp chạm mốc một phần tư trong tổng 90 triệu dân số. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, AirAsia sẽ đương đầu với khó khăn khi các hãng bay giá rẻ Việt Nam đang được khai thác đã khẳng định được vị thế của mình tại thị trường.
Brendan Sobie, nhà phân tích hàng không thuộc Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương nói với hãng tin Bloomberg, các hãng hàng không giá rẻ VietJet và Jetstar Pacific được khai thác suốt nhiều năm qua và phục vụ khá tốt, rõ ràng AirAsia đã khá chậm chân xâm nhập thị trường này. Được biết, hãng VietJet cũng có ý định mở rộng khả năng hoạt động để đáp ứng sự tăng trưởng của thị trường trong thời gian sắp tới. Cũng cần nói thêm, số tiền liên doanh đầu tư của AirAsia được xem không quá lớn và mang tính thăm dò thị trường hơn so với quyết tâm cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam. Như vậy, đây là lần thứ tư trong vòng hơn 10 năm qua, AirAsia đánh tiếng về việc thành lập hãng bay trên thị trường Việt Nam nhưng 3 lần trước đều thất bại vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng có mặt tại khắp nơi châu Á, AirAsia cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng xây dựng một mạng lưới hàng không giá rẻ bao trùm khu vực. AirAsia đang trong quá trình bán công ty con chuyên cho thuê máy bay để huy động tiền mặt.
AirAsia ban đầu là của một công ty nhà nước Malaysia được tỷ phú Tony Fernandes mua lại vào năm 2011 với giá trị tượng trưng khoảng 0,26 USD, để giải quyết gánh nợ trên 10 triệu USD của hãng. Khởi nghiệp với số lượng vỏn vẹn 2 chiếc máy bay, nhưng đến nay, AirAsia sở hữu hàng trăm chiếc Airbus (đã mua và đang đặt hợp đồng trị giá hàng tỷ USD) để vận chuyển hành khách đến 90 điểm tại hơn 20 quốc gia và được đánh giá là mô hình tiêu biểu về hãng hàng không giá rẻ tại châu Á.
NAM VIỆT