Ám ảnh Lấp Loa 1

NGÔ TRẦN HÀ VŨ 17/03/2014 10:38

Tôi về nóc Lấp Loa 1, thôn 3, xã Trà Tập (huyện Nam Trà My) sau hơn một tháng xảy ra việc đau lòng vào cái đêm ghen tuông định mệnh. Nhưng, trong câu chuyện của những người dân dọc đường tôi gặp và trong ánh mắt, giọng kể của nhiều người vẫn còn bàng hoàng. Ẩn sâu trong câu chuyện kể lại, còn xen lẫn nỗi lo sợ mơ hồ về những “cái chết xấu” ám ảnh người dân miền núi từ bao thế hệ…

Đêm kinh hoàng

Ông Hồ Văn Vinh - Trưởng thôn 3 nhớ lại: Đó là buổi tối ngày 4.2.2014, tức mùng 5 Tết Giáp Ngọ. Cũng như bao làng khác trên địa bàn xã, người dân nóc Lấp Loa 1 đang cùng nhau đón Tết Nguyên đán và tết truyền thống của người Ca Dong. Đến khoảng gần 21 giờ đêm, nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ, chợt giật mình choàng tỉnh khi nghe tiếng trẻ con khóc thét từ phía nhà anh Nguyễn Ngọc Sơn và chị Hồ Thị Xoa. Người từ các nhà bên cạnh vội vã đốt đuốc chạy sang và hãi hùng chứng kiến cảnh chị Xoa nằm sóng soài, bất động trên nền đất lạnh, toàn thân bê bết máu.

Nóc Lấp Loa 1, thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.
Nóc Lấp Loa 1, thôn 3, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

Ngay lúc đó, mọi người vẫn còn thấy anh Nguyễn Ngọc Sơn với nét mặt sợ hãi tột độ, nói mọi người trong hơi thở đứt quãng: “Nếu không thấy tôi về, hãy đến chòi rẫy để tìm và chôn vợ chồng tôi dưới gốc cây tại đó…”, rồi chạy vụt đi trong màn đêm đen kịt. Chị Xoa đã chết trước khi mọi người đến vì mất máu quá nhiều. Sáng hôm sau, người dân trong làng tìm thấy anh Sơn treo cổ tự vẫn ở gốc cây bên khe suối nơi gia đình anh làm ruộng. Lực lượng chức năng của huyện tiến hành các thủ tục theo luật định, rồi cho thân nhân gia đình an táng hai vợ chồng chung một huyệt mộ, ngay tại gốc cây nơi anh đã dặn. Vợ chồng anh Sơn qua đời để lại 4 đứa con còn nhỏ dại, cháu lớn nhất học lớp 8 Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện, cháu nhỏ nhất mới hơn 3 tuổi. Ngôi nhà của họ nhanh chóng được dân làng tháo dỡ ngay sau đó và đốt bỏ hoàn toàn.

Sau khi vợ chồng anh Sơn chết, người dân trong nóc đã dỡ nhà anh chị đốt bỏ, giờ chỉ còn trơ trọi nền đất.
Sau khi vợ chồng anh Sơn chết, người dân trong nóc đã dỡ nhà anh chị đốt bỏ, giờ chỉ còn trơ trọi nền đất.

Chỉ vì ghen…

Ông Hồ Văn Níp - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự xã Trà Tập, người trực tiếp đứng điểm phụ trách thôn 3, cho biết, anh Nguyễn Ngọc Sơn là người hiền lành, chăm chỉ lao động, biết lo cho gia đình. Tuy nằm trong diện hộ nghèo của xã, nhưng nhà anh không xảy ra thiếu đói vào mùa giáp hạt. Trước đây, anh Sơn cũng từng làm tiểu đội trưởng du kích thôn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vợ chồng anh Sơn cũng thường xuyên lục đục, do chị Xoa rất hay ghen. Những lần anh Sơn có việc phải về xã, chị Xoa lại thường kiếm cớ gây sự, xích mích với anh, vì cho rằng anh về đấy để thăm vợ cũ (trước khi đến với chị Xoa, anh Sơn đã lập gia đình và có một đứa con trai). Người phụ nữ quanh năm lam lũ với gia đình, nương rẫy, nhưng cái nghèo khó cứ vây quanh đeo bám, cộng với sự hạn chế về nhận thức và những lúc có men rượu trong người, chị đã không đủ tỉnh táo để nghe anh giải thích. Mặc dù người trong nóc nhiều lần can ngăn, khuyên giải, nhưng chị Xoa vẫn không thay đổi được ý nghĩ ghen tuông vô cớ đó.

Nóc Lấp Loa 1 là một trong 6 nóc của thôn 3, xã Trà Tập, nằm cách trung tâm xã hơn 2 tiếng đi bộ đường rừng. Hiện nóc còn 15 hộ với hơn 90 nhân khẩu, đều thuộc diện hộ nghèo.

Ông Hồ Văn Mót - Bí thư Chi bộ thôn nói: “Trước khi xảy ra chuyện đau lòng trên, chị Xoa cũng đã 3 lần dùng rựa chém anh Sơn. Nghiêm trọng nhất là lần anh Sơn bị chém gãy tay, phải nhập viện điều trị. Tối ngày 4.2, gia đình sum họp vui tết. Trong lúc có men rượu, chị Xoa lại dùng rựa chém anh Sơn. Anh đã né được, giật lấy con rựa và trong một phút không làm chủ được mình, anh đã xuống tay...”.

Sau khi sự việc xảy ra, Nguyễn Văn Nhi - đứa con lớn nhất của anh Sơn đã nghỉ học, còn 2 đứa con nhỏ Nguyễn Thị Nhếp và Nguyễn Thị Nhiệt được người bác ruột là ông Hồ Văn Xung ở sát nhà cưu mang đùm bọc. Vì điều kiện kinh tế của gia đình ông Xung cũng rất khó khăn, nên các ngành của xã Trà Tập đã thống nhất với gia đình đề nghị huyện hỗ trợ làm thủ tục đưa hai cháu về Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tỉnh, để các cháu có được điều kiện sống tốt hơn. Còn Nhi và em kế Nguyễn Thị Nhơn (học lớp 5), chính quyền và nhà trường vận động, hỗ trợ tạo điều kiện để các cháu tiếp tục đi học.

Đừng để có thêm “Bút Tưa”

Trong buổi họp toàn thể nhân dân thôn 3 mới đây, sau khi nghe nguyện vọng của nhân dân làng Lấp Loa 1, đại diện Đảng ủy, chính quyền xã Trà Tập đã tuyên truyền, vận động bà con nên ổn định tư tưởng và cuộc sống tại nơi ở hiện nay. Huyện ủy Nam Trà My cũng đã chỉ đạo địa phương và các ngành liên quan tiếp tục theo dõi nắm tình hình tư tưởng của nhân dân. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân an tâm tư tưởng, ổn định cuộc sống, bên cạnh việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các con anh Sơn tiếp tục đi học và có điều kiện sống tốt hơn. Trong trường hợp nếu nhân dân thống nhất quyết định phải dời nóc, chính quyền cũng chủ động có giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống tại nơi ở mới…

Giữa lúc các cấp, các ngành của huyện Đông Giang và tỉnh Quảng Nam đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang) ổn định tư tưởng, chăm lo cho cuộc sống, sau khi ồ ạt bỏ làng đi nơi khác vì quan niệm trong làng đã xảy ra những trường hợp “chết xấu”, thì người dân Lấp Loa 1 cũng đang trong tâm trạng thấp thỏm lo âu về điều tương tự. Trước đó vài tháng, cũng tại nóc này và cách nhà anh Sơn chỉ vài chục mét, đã có một phụ nữ treo cổ tự vẫn tại nhà. Và khi vụ việc nhà anh Sơn xảy ra, như giọt nước làm tràn ly, dân làng càng thêm tin vào điều mà họ vẫn ám ảnh từ lâu, về những “cái chết xấu”.

Trưởng ban Mặt trận thôn 3 - ông Nguyễn Ngọc Hải, nhà ngay cạnh nhà anh Sơn, khẳng định: “Dân làng sẽ chuyển đến nơi ở mới thuộc nóc Tắk Oách, cách nơi ở hiện tại gần 20 phút đi bộ. Khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7, khi mùa rẫy đã xong, sẽ tiến hành di dời. Vì làng giờ đã bị ma ám, khó sống được, quan niệm của bà con từ bao đời nay là thế. Nếu phải di dời, mong chính quyền quan tâm hỗ trợ gạo và tôn để bà con làm lại nhà tại nơi ở mới, ổn định cuộc sống”.

Tuy nhiên, còn một số người trong làng vẫn chần chừ, chưa quyết định dứt khoát đi hay ở. Già làng Hồ Văn Chung nói: “Nếu các hộ đều di dời, già cũng phải dọn đi theo. Nhưng bây giờ chỉ còn vợ chồng già, con cái đi làm ăn xa, không có ai giúp đỡ khi phải di dời. Hơn nữa, già nghĩ, việc gì đã qua rồi thì thôi. Nếu có di chuyển, thì chỉ di chuyển 4 hộ gần bên cạnh nhà anh Sơn, để tránh dùng lại con nước “xấu” là được. Nếu làm được như thế thì sẽ tốt hơn, chứ không nên di dời cả nóc”. Có cùng suy nghĩ như già Chung, ông Hồ Văn Vinh chỉ ra khoảng đất trống nằm cạnh phía cửa sổ nhà mình, nói: “Nền đất đấy trước đây là nhà bà Hồ Thị Xóc - người đã tự tử năm trước. Nhưng đến giờ, gia đình mình vẫn yên ổn, chưa có việc gì xảy ra. Mình cũng không sợ hãi, vì thật ra bà Xóc tự tử là do có biểu hiện bệnh tâm thần. Bây giờ chuyển làng đi nơi khác sẽ mất rất nhiều thời gian để ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Mình sẽ tiếp tục vận động bà con trong nóc…”.

Chiều dần xuống, trên đường về, gặp những người dân đi chợ huyện trở về nhà, vai cõng những tấm tôn cách nhiệt nặng trĩu, tôi tin là cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn trên Lấp Loa 1, nếu mỗi người dân đều như già làng Chung và Trưởng thôn Vinh, dám bước qua lời nguyền của một hủ tục.

NGÔ TRẦN HÀ VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ám ảnh Lấp Loa 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO