Lo sợ trước “cái chết xấu” của một người trong làng, 17 hộ dân ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) đập bỏ những ngôi nhà trị giá hàng trăm triệu đồng, bỏ làng ra đi…
|
Đột ngột di dời
Ngay sau khi Báo Quảng Nam điện tử ngày 13.2 đã thông tin, chúng tôi trở lại thôn Bút Tưa, tìm về ngôi làng đang hiện hữu nỗi ám ảnh những cái “chết xấu”. Trên đỉnh đồi đã từng là nơi sinh sống của 17 hộ dân, chỉ còn lại ngổn ngang gạch vụn. Một cuộc di dân bất ngờ, chính quyền cũng không kịp trở tay. Dẫn chúng tôi trở lại những ngôi nhà vừa bị đập bỏ, Trưởng thôn Bút Tưa A Lăng Điều phân trần: “Không kịp can. Một nhà dọn đi, là cả làng lũ lượt theo. Đồ đạc, tài sản khiêng đi hết. Dọn xong là đập nhà, đập sạch, không còn một cái gì”.
Cảnh hoang tàn tại tổ 2, thôn Bút Tưa, nơi 17 hộ dân rời làng.Ảnh: Lăng A Cúi |
Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ sau cái chết đột ngột của A Lăng Nghĩa, một người dân trong làng vốn có tiền sử bệnh tâm thần, treo cổ tự vẫn. Điều đáng nói, theo quan niệm của người Cơ Tu, tự tử là “chết xấu”. Đây lại là cái “chết xấu” thứ 4 xảy ra kể từ khi lập làng. Trước đó chưa đầy một tháng, một người khác là A Lăng Tròn cũng treo cổ tự tử. Hai cái chết trở thành nỗi ám ảnh, một đồn mười, mười đồn trăm. Không hiểu từ đâu, người dân trong làng loan tin cho nhau sẽ còn 3 người nữa sẽ bị “con ma” bắt. Vậy là đi. Khắp đường làng, cây môn được rải kín, vì người dân tin rằng làm như thế sẽ cản được hồn ma đi theo. Đồ đạc, tài sản được mang đi ngay chỉ trong một ngày, gửi nhà người thân, dựng chòi cất đồ đạc, để tạm dọc đường… Sau đó, cũng không mất quá một ngày, những căn nhà trị giá hàng trăm triệu đổ sập, tan hoang.
Đã có tổng cộng 17 hộ với 91 nhân khẩu của tổ 2, thôn Bút Tưa rời làng do lo sợ “chết xấu”. Hiện tại, chỉ còn 3 hộ với 20 người còn ở lại làng. |
Chúng tôi đi vào từng ngôi nhà, từng góc bếp ở làng cũ. Bếp lửa đã tắt, những thân củi chỉ vừa cháy được một nửa. Hoang lạnh, ảm đạm, đổ nát. Bếp lửa tắt nghĩa là không còn nhà nữa, không ở nữa, không tồn tại nữa. Sừng trâu nằm lăn lóc, những con gà, con heo của bà con nuôi vẫn còn quẩn quanh đống gạch vụn. Từ lúc dọn đi, dân làng không dám nghoảnh mặt nhìn ra sau, heo gà của chính mình mà không dám bắt. “Sợ lắm, không về lại được” - A Lăng Thừa nói. A Lăng Thừa đã bỏ lại căn nhà mới vừa xây, hơn 120 triệu đồng để rời đi. Khoảng 120 triệu đồng, tiền dành dụm tích cóp, nhà xây, gạch men hẳn hoi, vậy mà kiên quyết đập bỏ chỉ vì sợ. Bây giờ, hai vợ chồng và con ở trong một túp lều phủ bạt giữa cánh đồng bắp, bên trong là giường, tủ... Những thứ tài sản có thể mang đi thì mang. Theo quan niệm, đã rời đi là không quay lại. Luật tục bao đời rồi. Cả làng, chỉ còn lại 3 hộ, hai già, một trẻ. Họ ở lại, phần vì hơi tách biệt với 17 hộ kia, phần vì tiếc công sức, của nả dành dụm bao nhiêu năm để xây dựng nhà. “Bỏ nhà đi thì đất đâu mà ở, tiền còn đâu nữa mà làm lại. Vợ con sống bằng cái chi” – A Lăng Leo, người trẻ nhất trong số 3 hộ ở lại, cho biết. Ở lại nhưng vẫn sợ. Tất cả anh em, bà con được huy động đến ở chung, ngủ chung…
An dân
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – ông Đỗ Tài lập tức có mặt tại thôn Bút Tưa khi nhận được thông tin dân bỏ làng. Vận động, giải thích nhưng bất thành. Người dân vẫn kiên quyết không quay về. Đến lượt các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cũng đành bất lực. Lực lượng dân quân, công an địa phương được chỉ đạo túc trực, bảo vệ tài sản của dân. Sau những nỗ lực an dân của chính quyền, nỗi lo đã bắt đầu thuyên giảm. Người dân cũng đã trở lại công việc thường ngày. “Dân làng đã bớt bàn tán về chuyện ma ám. Tâm lý cũng dần ổn định sau vụ việc. 17 hộ dân di dời được bà con cho tá túc, ăn ở trong nhà mình suốt nhiều ngày qua” - Trưởng thôn Bút Tưa A Lăng Điều thông tin thêm.
Già làng Y Kông (Đông Giang) cho biết, theo quan niệm của người Cơ Tu, những cái chết như tự tử, tai nạn, chết đuối… được gọi là “chết xấu”. Người Cơ Tu tin rằng, hồn ma những người “chết xấu” sẽ quay trở lại để “bắt” người còn sống đi theo. Bởi vậy, họ rất sợ và kiêng kị “cái chết xấu”, thậm chí không dám tham dự lễ tang. Trong đám tang người chết xấu, dân làng không đánh trống chiêng như những người chết bình thường, chỉ lặng lẽ an táng và được chôn riêng ở xa làng. Muốn giải “chết xấu”, phải làm lễ cúng theo phong tục riêng, khá cầu kì và phức tạp. Sau đó, người dân trong làng kiêng ra ngoài, cũng như không cho phép người ngoài làng vào trong vòng 6 ngày kể từ sau lễ cúng. |
Khi dân Bút Tưa vẫn còn đang hoang mang trước nỗi ám ảnh “chết xấu”, những người sống ở khu vực lân cận đã kịp thời động viên, hỗ trợ. Gạo, mì tôm được mang đến cho từng hộ. Người dân cũng sẵn sàng cho tá túc, giúp đỡ nhiệt tình trong những ngày dân Bút Tưa di dời. Chính quyền huyện cũng cam kết sẽ có phương án hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống. Trước đó, trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Lê Duy Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Chính quyền địa phương đã tích cực triển khai công tác dân vận, giúp bà con ổn định tư tưởng sau khi nắm bắt thông tin. Trước mắt, huyện sẽ tìm phương án hỗ trợ người dân tái sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống”. Nhiều gia đình ở tổ 1 cũng sẵn sàng hiến tặng đất của mình giúp cho 17 hộ dân dựng lại nhà cửa khi có điều kiện. Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của những hộ dân di dời là thiếu đất, không còn khả năng xây dựng lại nhà cửa và đang phải sống chật chội, tạm bợ ở nhà người thân. Moong (nhà sinh hoạt truyền thống) đang bất đắc dĩ trở thành nơi ở tạm và cất giữ tài sản của hàng chục người dân. Theo nguồn tin riêng của P.V Báo Quảng Nam, nguyên nhân ban đầu của vụ việc được xác định là do tin đồn khiến người dân hoang mang. Có khả năng do mê tín dị đoan, dẫn đến hiệu ứng bỏ làng cũ. Song song với việc an dân, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra xác minh vụ việc. Riêng hai người mà người dân cho là “chết xấu” thời điểm trước Tết Nguyên đán được xác nhận là có tiền sử tâm thần trong một thời gian dài.
PHƯƠNG GIANG - LĂNG A CÚI