(QNO) - Chuyến tàu tết chở biết bao ân tình của những người con xa xứ mưu sinh nơi miền đất hứa. Câu chuyện của họ thật cảm động, đã nghe ấm áp xuân về!
Ngày cao điểm tàu tết, người người chen chúc, hàng hóa chất đầy, những câu chuyện về tết râm ran suốt hành trình. Chàng trai không còn trẻ phụ xếp hành lý cho cô gái cũng không còn trẻ. Họ ngồi cùng nhau. Chàng hồ hởi bắt chuyện bằng giọng Quảng Nam lai. Cô gái cũng trả lời bằng tiếng Quảng, giọng còn đậm hơn cả chàng.
Hai người đều là công nhân hai khu chế xuất ở TP.HCM. Kẻ trọ ở phía nam, người trọ cánh bắc cửa ngõ vào Sài Gòn. Họ xa quê đã mười mấy năm nay. Cô gái không ngại chia sẻ chuyện mình tự nguyện “vác trên vai” ba đứa em đang tuổi ăn tuổi học phụ mẹ, vì ba cô qua đời gần chục năm nay, khi đang chèo thuyền vớt củi mùa lụt trên sông. Chàng trai bảo chuyện của chàng cũng khá hoàn cảnh, bây giờ cậu trở thành cánh tay phải của mẹ và các em. Nên dù đã ngoài ba mươi, họ vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Tiếng là ở đất Sài thành hoa lệ, nhưng họ kể chẳng mấy khi thăm phố xá, chẳng có thời gian ra ngoài cà phê cà pháo, hay gặp gỡ những người bạn đồng hương. Suốt cả năm trời, họ phải đăng ký làm việc tăng ca, tích góp gửi tiền về quê nuôi em ăn học. Họ đánh đổi tuổi xuân để những đứa em của họ được thỏa ước mơ ngồi trên ghế giảng đường.
Cô gái bảo mẹ cứ giục lấy chồng, nhưng cô đợi các em có việc làm ổn định, đợi “duyên tới” nữa. Rằng có ai dám “nhào vô” đứa con gái lúc nào cũng “mang vác” gánh nặng trên vai? Câu chuyện ban đầu còn rời rạc, nhưng qua những giãi bày không ngại ngần, tưởng chừng như hai người đã quen biết nhau từ lâu lắm! Nhà cô ở bên này cầu Ái Nghĩa. Chàng ở cạnh bờ sông Giao thủy, nơi giao nhau của hai dòng nước Thu Bồn, Vu Gia. Cô háo hức kể về cây cầu Ái Nghĩa sắp hoàn thành, mà ai đó vừa post hình ảnh lên facebook. Chàng cũng vui với dự án cầu Giao thủy sẽ nối đôi bờ Đại Hòa - Duy Hòa, mà ngày thường mẹ chàng quẩy gánh bán bưng gọi đò. Vài năm mới về đón tết một lần, họ kể về những đổi thay trên quê hương mà họ chỉ có dịp thưởng thức trên các trang mạng xã hội. Cảm giác nôn nao, háo hức thể hiện rõ nét qua ánh mắt họ. Tôi không phải kẻ ưa hóng chuyện. Nhưng khi được nhìn và nghe hai người ngồi đối diện với tôi trên toa tàu chuyện trò, bỗng thấy mình trẻ ra, thấy mùa xuân thực sự mang hơi ấm cho bao người.
Tàu vẫn hối hả lao về phía trước. Câu chuyện của họ trở nên rời rạc hơn khi ai đó bật máy điện thoại với mấy bản nhạc xuân, càng nghe càng ý vị, chứa chan cảm xúc đoàn viên. Cô gái thiu thiu chợp mắt. Chàng trai ý tứ xích gần lại chút nữa, dùng bờ vai làm điểm tựa cho người bạn đồng hương mới quen biết trên tàu. Anh ta dường như bất động, không dám thở mạnh, vì sợ cô gái chợt tỉnh giấc. Tưởng chừng như cái chợp mắt lần này của cô là “ngon” nhất, vì sau nhiều đêm tăng ca, cô gái còn tranh thủ mua sắm quà tết cho mẹ và các em, rồi trở về phòng trọ dọn dẹp, thao thức chờ ngày về.
Đời công nhân, nếu không cần kiệm, chịu khó, sẽ khó mà có dư để nuôi sống bản thân. Những người công nhân như chàng trai cô gái tôi gặp trên tàu, họ đáng được trân trọng, vì biết sống cho người khác, nấn ná cả đời tuổi trẻ để chắt chiu hạnh phúc, tương lai cho người thân của mình. Sài Gòn- miền đất hứa chỉ dành cho những con người cần kiệm, có ý chí vươn lên. Tin rằng họ sẽ nhận lấy hạnh phúc, vì họ là những người biết sống, sống đẹp.
Họ xin số điện thoại của nhau, sẽ thăm nhà nhau dịp xuân mới, và hẹn gặp lại ở Sài thành.
Mong họ có một mùa xuân ấm áp, hạnh phúc.
KHÁNH THI