Mỗi tháng 2 lần, bệnh nhân ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam được nhận những suất cơm chay miễn phí từ những phụ nữ có tấm lòng từ thiện. Hơn 5 năm qua, các chị đã lặng lẽ đem hơn 30 nghìn suất cơm giúp cho bệnh nhân nghèo…
Bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam nhận cơm từ bếp ăn từ thiện. |
Chung một tấm lòng
Từ năm 2008 đến nay, một nhóm hơn 10 phụ nữ đến từ Núi Thành, Phú Ninh, Tam Kỳ, có người đã nghỉ hưu, có người làm nội trợ... nhưng đều chung một tấm lòng đồng cảm với bệnh nhân nghèo, tập trung tại nhà hàng Mai Hạc (Tam Kỳ), mỗi lần nấu hàng trăm suất cơm chay miễn phí cho bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam. Gần đây, mỗi lần làm cơm từ thiện, các chị lại nấu thêm 30 suất nữa để mang tặng một địa chỉ khác: Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi - sơ sinh Quảng Nam. Như vậy, mỗi lần các chị nấu khoảng 330 suất; và hơn 5 năm qua, hơn 30 nghìn suất ăn từ bếp của các chị đã đến với bệnh nhân nghèo.
Chị Sáu Hạnh - bếp trưởng nhà hàng Mai Hạc, và là người “cầm trịch” hoạt động này cho biết, bữa cơm từ thiện được duy trì thường xuyên như mấy năm qua là nhờ một cán bộ hưu trí ở Tam Hòa, Núi Thành hỗ trợ mỗi tháng 4 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên, trò chuyện với chúng tôi, nhà hảo tâm này (đề nghị không nêu tên) lại nói: “Của một đồng, công một lượng”, nếu không có chị Hạnh và các chị em bỏ công sức, thì dù tôi có hỗ trợ kinh phí, các bệnh nhân nghèo cũng khó có được những bữa cơm ngon như vậy”. Theo vị mạnh thường quân này, sở dĩ bà chọn Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Tâm thần để hỗ trợ là bởi, lao và tâm thần là 2 căn bệnh cần điều trị dài ngày, đa số người điều trị ở đây là bệnh nhân nghèo, khó hòa nhập cộng đồng nên họ cần được xã hội quan tâm hơn. Ngoài kinh phí do nhà hảo tâm ở Núi Thành tài trợ, chị Hạnh cùng các chị trong nhóm tự nguyện góp thêm cho bếp ăn; một số cán bộ viên chức nhà nước biết việc của các chị cũng đã chung góp mỗi tháng vài ba trăm nghìn đồng để giúp bếp ăn được duy trì đều đặn. Bên cạnh đó, khi biết các chị nấu cơm từ thiện, nhiều tiểu thương cũng không lấy tiền lãi khi bán thực phẩm chay.
Gia vị của tình yêu thương
Để có một bữa cơm cho bệnh nhân, từ 5 giờ sáng, chị Hạnh và các chị em trong nhóm đã tập trung tại nhà hàng Mai Hạc để chuẩn bị mọi thứ. Không ai bảo ai, mọi người đều lặng lẽ làm phần việc của mình: người vo gạo, người nhặt rau, thái củ, người xào nấu..., trông như một dây chuyền làm việc chuyên nghiệp. Đến khoảng 10 giờ sáng, công việc cơ bản hoàn thành và các chị tất bật chia nhau đem đến bệnh viện, không để bệnh nhân chờ đợi lâu. Hai tiêu chí ngon và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Về cách chế biến, chọn lựa thức ăn, các chị cũng cân nhắc rất kỹ, xem như thế có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bệnh nhân hay không. Ví như lẽ ra hộp cơm gà chay hôm đầu tháng 4 này có thêm món dưa chua sẽ ngon hơn, nhưng rồi thấy dưa chua không tốt cho sức khỏe bệnh nhân và trẻ em nên đã không chế biến.
Nhận cơm từ tay các chị, một cô nuôi dạy trẻ ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam cho biết, mới được ăn cơm từ thiện của các cô nấu từ vài tháng nay nhưng các em ở trung tâm háo hức, chờ đến ngày để được ăn cơm vì theo các em, cơm của các cô nấu rất ngon. Còn tại các bệnh viện, khi nghe các cô điều dưỡng, hộ lý thông báo sẽ được nhận cơm từ bếp ăn của các chị, các bệnh nhân ồ lên sung sướng. Bệnh nhân Đoàn Ngọc Sơn (ở thôn Tân Mỹ, xã Quế Xuân 2, huyện Quế Sơn) nói: “Tôi điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam nhiều năm rồi. Mỗi tháng chỉ mong đến ngày các chị ở chùa Mai Hạc (bệnh nhân Sơn luôn nghĩ bữa ăn chay do chùa cung cấp - NV) cho cơm. Cơm các chị nấu ngon lắm, ăn hoài cũng không ớn!”.
Nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, nhờ tấm lòng từ thiện của những người như chị Hạnh, chị Thôi, chị Liễu, chị Lệ... và sự tạo điều kiện về mặt bằng đặt nhà bếp của chị Hoa - chủ nhà hàng Mai Hạc, những bữa cơm từ thiện đều đặn đến với bệnh nhân nghèo mỗi tháng 2 lần. Mỗi suất cơm dường như ngon hơn, chất lượng hơn, có lẽ một phần nhờ được nêm nếm bằng gia vị của tình yêu thương, của sự sẻ chia.
CHÂU NỮ