Âm nhạc trong dòng chảy thời gian

VĂN DƯƠNG 11/04/2017 09:22

Ngày tái lập tỉnh, số hội viên âm nhạc thuộc Hội Văn học - nghệ thuật (VHNT) Quảng Nam - Đà Nẵng “về với Quảng Nam” chỉ vỏn vẹn 6 người, “hành trang” âm nhạc mang theo cũng chỉ là vài ba tập ca khúc. Vào thời đó, công chúng đã bắt đầu xu hướng ít quan tâm đến những bài hát chỉ nằm… trên giấy, trong khi bài nào “nhảy” được lên trên màn hình ti vi phải là loại “đặc sản”, nên các ca khúc được giới thiệu chủ yếu qua sóng đài phát thanh. Cho đến thời điểm tái lập tỉnh, người nghe đài ở Quảng Nam chỉ mới  quen thuộc với một số ca khúc của “bụt nhà” như: “Gửi người em gái quê hương”, “Hồ Cao Ngạn” của Hoàng Bích; “Tiếng hát bên dòng sông”, “Niềm vui của em” của Nguyễn Huy Hùng; “Trung du”, “Cả nhà thương nhau” của Phan Văn Minh… Và ngay ở thời điểm chia tách tỉnh, trên diễn đàn của các cán bộ “tập kết” từ Đà Nẵng vào, người ta thường nghe câu hát “…Về với Quảng Nam, như chưa hề có cuộc chia ly…” trong ca khúc “nóng hổi” “Về với Quảng Nam” của Đoàn Ngọc Bính, như một cách để… tự an ủi. Nhưng chàng nhạc sĩ này về với Quảng Nam được năm bảy năm rồi đi luôn sang Mỹ, lần này mới thật là một… cuộc chia ly.

Đoàn nhạc sĩ Quảng Nam giao lưu với đồng bào Nam Trà My. Ảnh: Phước Trịnh
Đoàn nhạc sĩ Quảng Nam giao lưu với đồng bào Nam Trà My. Ảnh: Phước Trịnh

Đi cùng “cuộc chơi”

Nếu ở thời Quảng Nam - Đà Nẵng, các tác giả VHNT nói chung thường mang tư tưởng đợi chờ… bao cấp trong việc quảng bá tác phẩm, thì trong 20 năm qua, các nhạc sĩ Quảng Nam ngày càng chủ động trong công đoạn nhiều vất vả và tốn kém này. Về album và sách nhạc, tính đến nay đã có hơn chục tuyển tập do các nhạc sĩ tự bỏ tiền đầu tư in ấn, dàn dựng, phát hành. Trong đó, riêng ở hình thức đĩa DVD, Hoàng Bích đã có “Về với quê hương tôi”, Phan Văn Minh với “Đôi mắt sông Hoài”, cả hai sản phẩm đều bao gồm những tác phẩm viết về quê hương Quảng Nam. Ngoài ra, Hoàng Bích và Huỳnh Ngọc Hải đã vận động được tài trợ để tổ chức 2 đêm giới thiệu tác giả - tác phẩm cá nhân theo hình thức liveshow ở Tam Kỳ và Điện Bàn, xem như là những người tiên phong trong hình thức quảng bá này.

Từ năm 1997 đến nay, số lượng tác giả âm nhạc trong tỉnh có tăng lên nhưng không nhiều, hầu hết đã “cận lão” và hình như không còn ai dưới tuổi 40. Tuy nhiên, phần lớn đã xác lập được phong cách sáng tác riêng của mình. Hoàng Bích, Huỳnh Ngọc Hải, Lê Xuân Bá vẫn thể hiện được bản lĩnh trong bút pháp với những giai điệu ngọt ngào, đằm thắm, phảng phất chất liệu dân ca vùng đồng quê xứ Quảng. Trần Cao Vân lộ rõ xu hướng “tìm đường” lên các bản làng miền núi với những ca khúc mang âm hưởng Trường Sơn - Tây Nguyên. Hồ Xuân Hương mang những cảm thức sâu lắng về phận người của thời “lang bạt kỳ hồ” vào trong những cảm xúc mới về quê hương. Phan Văn Minh vẫn luôn thể hiện “một cách nhìn khác” về mỗi miền đất hoặc các vấn đề về con người và xã hội qua giai điệu lẫn ca từ. Các tác giả mới hội nhập vào “sân chơi âm nhạc” như Ngọc Phước, R’Tuân đem đến một phong cách phóng khoáng, tự do, đầy ngẫu hứng trong sáng tác. Đặc biệt, Mạc Ly - tác giả nữ duy nhất đến với cuộc chơi này dù hơi muộn nhưng vẫn cho thấy còn nhiều đam mê với nhưng giai điệu đậm nữ tính. Còn các tác giả khác, tuy thỉnh thoảng mới xuất hiện nhưng vẫn “trụ bám” với không gian và sở trường riêng, ít nhiều gây được tiếng vang trong một phạm vi nào đó. Góp mặt vào dòng chảy âm nhạc Quảng Nam trong giai đoạn này còn có nhiều tác giả là những người con xa quê và những người đến từ nơi khác như Vũ Đức Sao Biển, Trần Ái Nghĩa, Trần Quế Sơn, Doãn Nho, Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Cường…

Trên bình diện cả nước, một số nhạc sĩ Quảng Nam cũng đã không “thua chị kém em” trong các cuộc liên hoan âm nhạc khu vực do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức hoặc trong các cuộc vận động sáng tác ca khúc có quy mô toàn quốc ở trung ương và các tỉnh bạn. Trong những lần “đem chuông đi đánh xứ người” như thế, bao giờ cũng có tác giả Quảng Nam “ẵm” giải. Thú vị hơn, bài hát “Khúc trầm hương giao thừa” của nhạc sĩ Phan Văn Minh đã làm một cú ngoạn mục khi giành giải Nhất trong cuộc thi sáng tác về gia đình năm 2007 do 5 đơn vị ở trung ương phối hợp tổ chức. Ngoài ra, trong các giải thưởng chuyên ngành hằng năm mang tính chất học thuật và nghệ thuật cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, của Liên hiệp Các hội VHNT toàn quốc, thời gian qua các nhạc sĩ Quảng Nam cũng đã đoạt hơn chục giải thưởng. Những thống kê trên cho thấy rằng các nhạc sĩ ở xứ ta cũng không phải… “tay vừa”, ngày càng khẳng định được tài năng và kinh nghiệm trong nhiều tác phẩm.

Những điểm nhìn

Tạo bản sắc từ trong vốn dân gian

“Dân ca Quảng Nam quá phong phú, đa dạng, và nếu người nhạc sĩ biết lấy đây làm chất liệu trong tác phẩm của mình, thì đó chắc chắn là những tác phẩm hay. Cả nước ai nói đến xứ Quảng thì nghĩ đến Quảng Nam, chứ không ai nói là Quảng Ninh, Quảng Bình… Nói vậy để thấy ngay cả ở lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, các bạn đã tạo cho mình bản sắc riêng, từ trong vốn âm nhạc dân gian truyền thống. Dân ca Quảng Nam phong phú, đa dạng, việc kế thừa và phát triển sẽ rất hay. Tôi có thể kể ra một số tên tuổi các nhạc sĩ ghi dấu ấn trong lòng công chúng, và bạn để ý, họ đều dùng chất liệu từ âm nhạc dân gian truyền thống, từ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Vũ Đức Sao Biển hay nhạc sĩ Từ Huy. Sau này có thêm anh Trần Quế Sơn, cũng khá mạnh trong việc sử dụng chất liệu dân ca trong sáng tác của mình”. (Nhạc sĩ Trọng Đài - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam)

Có một điểm khác biệt so với giai đoạn trước kia là trong 20 năm qua, các nhạc sĩ của chúng ta đã siêng năng thâm nhập thực tế hơn. Chưa kể những trại sáng tác thỉnh thoảng được tổ chức ở các địa phương khác như Vũng Tàu, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Đồ Sơn, Đà Nẵng…, hầu như khắp 18 huyện thị thành ở Quảng Nam đều có dấu chân của các nhạc sĩ “người nhà”. Từ những cuộc điền dã “du sơn ngoạn thủy” này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có đủ “vốn liếng” để dàn dựng, ghi âm, ghi hình thành các album như “Tình ca Núi Thành”, “Phước Sơn vùng cao yêu thương”, “Tam Kỳ thành phố xanh”, “Phú Ninh miền quê yêu thương”, “Giai điệu Duy Xuyên”, “Khát vọng Trà My”, “Thăng Bình bài ca yêu thương”, “Tiên Phước miền quê xanh”, “Tình ca Nam Giang”, “Nông Sơn đường về mùa xuân”… Trong năm 2017 này, có hai địa phương vừa mời gọi sáng tác và chuẩn bị cho ra album ca nhạc là thị xã Điện Bàn và huyện Nam Trà My. Có thể nói không hề cường điệu rằng, cho đến nay, trong phạm vi các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, nơi đâu công chúng cũng được nghe, được hát những bài hát về quê hương mình, trong đó phần lớn là sáng tác của các nhạc sĩ đang sống tại Quảng Nam. Còn ở cấp tỉnh, các nhạc sĩ cũng đã đóng góp tác phẩm để cho ra đời 4 tập sách nhạc, 1 CD và 1 VCD album, mà gần đây nhất là tuyển tập “Quê hương xứ rượu hồng đào”.

Ở mặt ngược lại, tuy số lượng tác phẩm của nhạc sĩ Quảng Nam khá nhiều, nhưng những bài hát được lưu truyền trên phạm vi rộng vẫn còn lưa thưa. Trong không gian âm nhạc cộng đồng, tần suất xuất hiện các tác phẩm “cây nhà lá vườn” còn thấp. Nhiều bài viết ra rồi nhưng chủ yếu để… tự hát, tự nghe. Ngay cả các cơ quan văn hóa, truyền thông địa phương cũng ít thấy mặn mà với các tác phẩm của “bụt nhà”. Về mặt nội tại, mặc dù không phải chưa có những tác phẩm hay, nhưng hình như một số nhạc sĩ Quảng Nam vẫn chưa thoát ra khỏi cái bóng ám ảnh của một thời đã xa trong cách tư duy về giai điệu, tiết tấu lẫn ca từ; chưa cập nhật được các biểu hiện của cuộc sống đương đại. Có những bài hát cố khai thác chất liệu dân ca nhưng lại ở dạng thô, chỉ bê vào những ca từ “sống”, vừa “già” vừa “nghèo” như khoan hò, hố hợi, hò dô… mà thực chất đó chưa phải là âm nhạc. Ngay cả việc chọn một tiêu đề cho tác phẩm hoặc một album cũng chưa tạo nên được cảm thức mới. Rất nhiều tác phẩm thuộc loại “địa phương ca” có định ngữ kèm theo trong tựa đề na ná nhau như “…yêu thương”, “…thương yêu”, “…tôi yêu”, “…quê tôi”… làm cho người yêu nhạc vừa nghe thoáng qua cũng  đã… hết ham.

Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, dù đội ngũ không nhiều, lại phần lớn là công chức nhà nước, các nhạc sĩ Quảng Nam đã góp phần vào việc phản ánh, giới thiệu hầu hết giá trị thiên nhiên và đời sống văn hóa trên khắp các địa bàn của tỉnh. Bên cạnh đó, anh chị em còn gặt hái được những thành công nhất định trên diễn đàn âm nhạc cả nước. Điều đó đã thể hiện một tình yêu nồng nàn đối với quê hương, với con người qua góc nhìn lung linh, đẹp đẽ nhất của người sáng tác.

VĂN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Âm nhạc trong dòng chảy thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO