Chính phủ Ấn Độ vừa công bố tổng chi ngân sách trong năm tới là 19,78 nghìn tỷ rupee nhằm giúp nông dân vượt qua giai đoạn đầy khó khăn.
Sau khi vượt qua Trung Quốc là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Ấn Độ được xem là điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu. Ấn Độ - đất nước Nam Á đông dân hàng thứ hai thế giới, trên 1,2 tỷ người. Trong đó, 120 triệu nông dân tại đây được xem là “xương sống của vấn đề an ninh lương thực của đất nước”. Lĩnh vực nông nghiệp hằng năm đóng góp 15% cho nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Ấn Độ, cung cấp nhiều việc làm nhất. Tuy nhiên, những năm qua, nhiều nông dân Ấn Độ lại chìm ngập trong nợ nần, cơ cực mà nguyên nhân chủ yếu là hạn hán, lũ lụt cuốn trôi cơ nghiệp khi lúa gạo, bột mì, bông vải… liên tục mất mùa. Theo các chuyên gia, các vùng nông thôn Ấn Độ là một trong những nạn nhân của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nông dân Ấn Độ hy vọng cải thiện cuộc sống sau chương trình quy mô lớn của chính phủ trong nông nghiệp. (Ảnh: propelstep) |
Thêm vào đó, giá cả lương thực thế giới ở mức thấp so với những năm trước đó khiến thu nhập của người dân giảm mạnh. Sự suy thoái ở một số nền kinh tế mới nổi lớn, nhu cầu nhập khẩu lương thực nhiều nước trên thế giới chậm lại khiến xuất khẩu của Ấn Độ giảm 14 tháng liên tiếp. Thống kê cho thấy có đến một nửa số nông dân tại Ấn Độ mắc nợ thông qua nhiều kênh cho vay trong đó có nợ ngân hàng nhà nước không có khả năng trả, rơi vào đói nghèo, làm phát sinh nhiều hệ hụy tiêu cực cho xã hội. Ngày càng thường có cảnh nông dân nổi dậy hay thậm chí là tự vẫn vì nợ nần chồng chất.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley ngày 29.2 công bố kế hoạch ngân sách của chính phủ 19,78 nghìn tỷ rupee, tương đương 288 tỷ USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và nâng cao gấp đôi thu nhập cho nông dân trong vòng 5 năm tới. Mới đây, 13 tỷ USD đã được phân bổ cho chương trình nông thôn mới bao gồm lĩnh vực y tế, xã hội nhằm tạo ra an toàn thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ nông nghiệp bao gồm xây dựng 89 hệ thống tưới tiêu, tăng gấp đôi đầu tư hệ thống đường sá nông thôn, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ ra thị trường, cung cấp khí gas cho hàng triệu hộ nghèo, thành lập các quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp nông dân tiếp cận internet để tìm hiểu thông tin sản xuất, tiêu thụ nông sản cũng như những ưu đãi dành cho họ, đảm bảo cung cấp toàn bộ mạng lưới điện cho nông thôn trong vòng hai năm tới.
Qua chương trình hỗ trợ này, Chính phủ Ấn Độ cho biết sẽ đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm tài khóa 2016-2017 so với 3,9% của tài khóa trước đó. Ông Arun Jaitley cho biết, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm 2016 và chính phủ sẽ phân phối lợi ích tăng trưởng đến cho những người dân nghèo trong nước. Cũng trong lúc nông nghiệp Ấn Độ bị tụt hậu trong một số lĩnh vực như đầu vào, tưới tiêu, giá trị gia tăng và liên kết thị trường, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc sử dụng phương pháp canh tác nông nghiệp khoa học để tăng năng suất trước diễn biến thay đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
QUỐC HƯNG