Ân tình đất cũ

VĂN HÀO 21/05/2015 08:48

Nặng lòng bởi ký ức về đồng đội, về tình quân dân; sau ngày giải phóng, ông chỉ ở quê được 9 tháng, rồi lại gói ghém quần áo trở về mảnh đất xã Quế Hiệp (Quế Sơn) để lập nghiệp, cùng góp sức vào công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ…

Dong dỏng cao, giọng nói thanh thoát, cựu chiến binh Triệu Quang Lai (trú thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp) càng khiến chúng tôi bất ngờ về tinh thần hăng say lao động, dù đã qua tuổi 72. Ông là người dân tộc Dao, nguyên quán xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng; từng là cán bộ quân y thuộc Đại đội bảo vệ, Trung đoàn 220, Quân khu 5.

Kết duyên Bắc - Trung

Người vợ -  bà Đinh Thị Ánh Tuyết kém 8 tuổi, say sưa kể về chồng mình, về những tháng năm một người con đất Bắc làm cán bộ quân y mà nhân dân vùng đất Quế Hiệp ai cũng xem như ruột rà. Đến mãi bây giờ, tình cảm họ dành cho người cựu chiến binh này vẫn vậy. Bởi trong chiến tranh, ông Triệu Quang Lai không chỉ tham gia cứu chữa cho bộ đội mà mỗi khi người dân cậy nhờ chuyện đau ốm, sinh đẻ, ông đều có mặt kịp thời. Họ quý mến, đùm bọc, có một gia đình còn nhận ông Lai làm con nuôi. “Ổng là người đồng bào, tính thiệt lắm! Đất nước hòa bình, những tưởng ổng về quê hương sinh sống luôn, ai dè chưa đầy một năm sau lại khăn gói vào đất này. Gặp lại, ai cũng vui mừng khôn tả…” - bà Tuyết kể về chồng. Người dân còn tín nhiệm đến độ khi thấy ông Lai quay lại - năm 1976, thì liền bầu ông làm thôn đội trưởng, phụ trách y tế thôn rồi mảng thú y của Hợp tác xã Quế Hiệp bấy giờ.

Chuyện tình của họ, giữa 2 miền Bắc - Trung, giữa 2 dân tộc Dao - Kinh ví như nhiều cung bậc của nốt nhạc mà những con, những cháu vẫn hay được nghe kể mỗi dịp sum họp, đoàn viên. Bối cảnh lần chạm mặt đầu tiên cũng thật ngặt nghèo, số là 2 người em trai bà Tuyết bị sốt rét ác tính nên phải tìm đến đơn vị của ông Lai đóng chân trên núi Hòn Tàu để nhờ cứu chữa. Ông tức tốc đến sơ cứu, tiêm thuốc rồi đi theo người dân khiêng các nạn nhân lên Bệnh viện Quế Sơn. “Tới khu vực chợ Đàng, thấy một người em bà Tuyết có vẻ không ổn, tui liền tiêm thêm mũi thuốc nữa. Đến bệnh viện, bác sĩ bảo, nếu không có mũi thuốc đó thì mọi chuyện đã trở nên tồi tệ” - ông Lai nhớ lại. Sau lần ấy, cha bà Tuyết có hứa hẹn sẽ gả bà cho ông Lai, sau ngày đất nước thống nhất. Là vậy, nhưng ông cũng không để ý, bà cũng chẳng bận tâm. Bởi chiến tranh!

Ngày tàn khói súng, ông Lai đến nhà bà Tuyết chơi và người cha có nhắc lại lời hứa cũ. Nhưng bà Tuyết vẫn nghi ngại dù trong bà có nhiều ấn tượng về người lính quân y tốt bụng, thật thà. “Tui kêu muốn cưới thì về địa phương làm giấy xác nhận chưa có vợ rồi mang vào đây tính tiếp!” - bà Tuyết nói. Còn ông Lai, trong khoảng thời gian 9 tháng về lại quê Cao Bằng, nặng tình với mảnh đất, con người ở xóm núi xứ Quảng nên cứ đau đáu về phương ấy. Nhiều lần ông đi xin giấy xác nhận chưa kết hôn và ý định vào miền Trung lập nghiệp nhưng chính quyền không đồng ý. “Địa phương, người thân hết lời can ngăn vì sợ tui vào đó thân đơn thế cô, lấy gì mà ăn. Nhưng thuyết phục mãi, cuối cùng họ cũng để tui đi” - ông Lai nói.

Ngày ông trở lại, hai người lấy nhau. Bây giờ, ông bà đã có 5 người con và 9 đứa cháu nội ngoại. Con cái ra ở riêng, ông bà vẫn cặm cụi lao động như thời trai trẻ. Ông cười bảo, vụ đông xuân rồi làm được 8 sào lúa, cũng được mùa. Keo thì cũng có được dăm ba héc ta, lại đang nuôi thêm đàn trâu 6 con.

Nặng tình với đồng đội

Ông Lai kể, 24 tuổi, ông vào miền Trung tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 (thuộc Đội điều trị 16) tại chiến trường Khe Sanh - Quảng Trị. Đến năm 1969, những người lính quân y có sức khỏe tốt được bổ sung sang Đội điều trị 15 để vào Quảng Nam phục vụ cứu thương, trong đó có ông. Năm 1970, ông công tác tại Đại đội bảo vệ, Trung đoàn 220 thuộc Quân khu 5. Nay đã ngoài thất tuần nhưng ở ông Lai vẫn luôn có một sức khỏe tốt, đặc biệt là trí nhớ về tên, quê quán những đồng đội cũ dù đã mất hay còn sống; về những vị trí, địa hình mà ông từng tham gia phục vụ.

Hẳn vì thế mà từ trước đến nay, nhiều đoàn tìm kiếm phần mộ hài cốt liệt sĩ đều đến tìm ông nhờ giúp đỡ, chỉ dẫn. Ông sẵn sàng gác mọi chuyện để dẫn những đoàn này đi khảo sát, quy tập, với tâm nguyện sớm đưa được di cốt liệt sĩ về với đất mẹ. Gần nhất vào tháng 4.2015, ông cùng tham gia tìm được mộ, cất bốc hài cốt của một liệt sĩ quê ở Điện Dương (thị xã Điện Bàn). “Bất cứ đoàn tìm kiếm nào đến đây, nhất là ở tận ngoài Bắc vào đều được vợ chồng tôi tiếp đón, cho sinh hoạt, ăn ngủ tại nhà. Đến nay, riêng tại khu vực núi Hòn Tàu, hơn 10 liệt sĩ đã được tìm thấy hài cốt” - ông Lai nói. Vợ ông cũng vậy, lo chu toàn mọi công việc và cảm phục trước trách nhiệm của chồng mình.

Giọng ông chùng xuống, trăn trở khi nhắc đến tên tuổi, quê quán của 3 người lính quân y cùng đơn vị đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trong một trận càn quét của địch năm 1971 tại Nam Giang. Ông bảo, nhiều lần muốn tự mình về lại chiến trường này với hy vọng tìm được mộ các anh nhưng vì bận bịu, không có điều kiện nên lần lữa mãi. “Đó là các đồng chí Đỗ Tiến Một (quê Đức Thọ, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), Alăng Lối, đơn vị K81 (quê Tây Giang), Phạm Quang Mạnh (quê Hải Phòng). Họ hy sinh gần khe suối Tà Vinh” - ông nhớ như in. Thông qua chúng tôi, ông bày tỏ mong muốn thân nhân các liệt sĩ này nếu biết tin thì có thể gặp ông để phối hợp tìm kiếm, sớm đưa các anh về với đất mẹ. Ông Trần Phước Tám - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quế Hiệp cho biết, mọi hoạt động đi khảo sát, quy tập mộ liệt sĩ ở địa phương hay các đoàn từ nơi khác tới nhờ giúp, ông Triệu Quang Lai luôn là người đi đầu, cho dù nay tuổi cũng đã cao.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ân tình đất cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO