Ân tình qua khung ảnh

QUỐC TUẤN 18/07/2018 09:11

Gần 20 năm đồng hành với đồng bào vùng cao Quảng Nam gian khó của Tổ chức Cứu trợ, phát triển quốc tế (FIDR) đã được tái hiện sinh động qua những bức ảnh tại triển lãm được đơn vị này tổ chức ở TP.Đà Nẵng vừa qua.

Du khách thưởng lãm ảnh trong triển lãm kỷ niệm 20 thành lập FIDR tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Q.T
Du khách thưởng lãm ảnh trong triển lãm kỷ niệm 20 thành lập FIDR tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Từ giữa tuần trước, khi Tuần lễ kỷ niệm 20 năm thành lập FIDR vẫn chưa diễn ra, bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Việt Nam đã tất bật qua lại như con thoi giữa văn phòng của tổ chức với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (nơi diễn ra triển lãm). Khi còn chưa kết thúc buổi phỏng vấn, bà Nobuko Otsuki đã ngỏ ý mời người viết ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng để thưởng lãm hàng trăm bức ảnh từ ngày mới hoạt động của FIDR tại Việt Nam. Mục đích hình dung rõ hơn những câu chuyện bà vừa chia sẻ với báo chí và quả thực nó chan chứa nhiều ân tình giữa tổ chức này với cộng đồng.

Hàng trăm bức ảnh được bố trí vòng cung, sắp xếp theo thứ tự như một câu chuyện từ quá khứ đến hiện tại và cả tương lai. Ảnh màu có, trắng đen có, tựu trung đều khắc họa rõ những đổi thay của cộng đồng cư dân được FIDR hỗ trợ các dự án phát triển. FIDR đã khéo léo bố trí một tấm hình của một địa điểm hoặc con người nào đó từ gần 20 năm trước và hiện tại để thấy sự đổi thay lớn lao mà ở những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước chính người trong cuộc cũng khó ngờ tới. Lần theo từng khung hình, chị Lê Nguyễn Hạnh Nguyên - cán bộ Quản lý dự án của FIDR chia sẻ: “Những bức ảnh chính là biểu hiện sinh động cho sự gắn bó của FIDR với cộng đồng. Các bức ảnh của quá khứ và hiện tại cùng một địa điểm, con người chỉ ra việc FIDR luôn chăm chút với từng dự án đến nơi đến chốn vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân vùng khó khăn”.

Đến khi triển lãm chính thức khai mạc, dạo một vòng quanh triển lãm ảnh, người viết ước chừng phải hơn 2/3 số ảnh mà FIDR trưng bày trong đợt này được ghi lại trên địa bàn Quảng Nam. Ngoài những bức hình lột tả sự khởi sắc về cảnh vật, con người của đồng bào vùng cao còn đó nhiều chân dung của những con người tiêu biểu cho tháng năm hoạt động của FIDR. Đó có thể là một cán bộ của FIDR, có thể là một nông dân lam lũ hay chỉ là một người phụ nữ đồng bào vùng cao rụt rè. Nhưng qua năm tháng gắn bó với FIDR, họ đã tự thay đổi cuộc sống chính mình và nhiều người khác.

Đó là anh Briu Thương (xã Ta Bhing, huyện Nam Giang) vào năm 2011 vẫn là chàng trai Cơ Tu rụt rè thì nay đã là Giám đốc HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu đầy tự tin, năng động. Đó là chị Arất Luôn (xã Ta Bhing) hơn 15 năm trước chỉ là một phụ nữ quanh quẩn trong bếp nhà, bây giờ trưởng nhóm đời sống Cơ Tu, trưởng nhóm gia vị, thành viên nhóm nấu ăn và là thành viên chủ chốt của Hội đồng Quản trị HTX Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu. Và đó là anh Hồ Văn Ngạn (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My), từ một nông dân Ca Dong nghèo, tự ti vì dị tật đã vươn lên cải thiện kinh tế gia đình và tạo ra hiệu ứng tích cực cho đồng bào địa phương bằng việc tiên phong áp dụng kỹ thuật SRI vào canh tác lúa thay vì phương pháp truyền thống. FIDR đã thay đổi cuộc đời của họ như thế…

Thật xúc động, triển lãm ảnh khởi đầu và kết thúc bằng những bức hình mô tả nụ cười lấp lánh hồn nhiên của các em bé vùng cao. Ở đó ta thấy được niềm vui, hạnh phúc từ những con người của FIDR đang miệt mài đem lại cuộc sống tươi đẹp cho cộng đồng, nhất là thế hệ măng non. Và xâu chuỗi từng khung hình, lại cảm nhận được tâm huyết và trăn trở của những người gắn bó dự án này, những mong đem lại cuộc sống mới, đổi thay tích cực cho đồng bào vùng cao…

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ân tình qua khung ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO